Đằng sau án phạt của Ngân hàng Credit Suisse

Chủ Nhật, 04/06/2017, 20:50
Trong khi trở thành đối tượng điều tra của Hà Lan, Anh, Đức, Pháp và Australia xung quanh cáo buộc giúp khách hàng trốn thuế thông qua hàng chục nghìn tài khoản khác nhau, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse lại vừa bị Ngân hàng trung ương Singapore (cơ quan quản lý tiền tệ Singapore - MAS) ra quyết định phạt do vi phạm những quy định về chống rửa tiền, và liên quan đến bê bối tham nhũng tại Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).


Trong thông báo hôm 30-5, MAS cho biết, Credit Suisse bị phạt 700.000 SGD (tiền Singapore, tương đương khoảng 505.000 USD). Cùng bị phạt với Credit Suisse còn có United Overseas Bank (ngân hàng của Singapore - bị phạt 900.000 SGD).

Ngoài số tiền phạt kể trên, MAS còn ban hành lệnh cấm hoạt động kinh doanh trọn đời tại Singapore đối với 2 chủ ngân hàng này là Jens Fred Sturzenegger và Yak Yew Chee.

Ông Jens Fred Sturzenegger là cựu Giám đốc chi nhánh Singapore của Falcon Private Bank Ltd, còn ông Yak Yew Chee từng làm việc tại BSI Bank Ltd của Singapore.

Ngân hàng Credit Suisse.

Singapore từng cấm cựu chủ ngân hàng Goldman Sachs hoạt động kinh doanh tại nước này trong 10 năm do những vi phạm liên quan đến Quỹ 1MDB, bất chấp việc 1MDB luôn phủ nhận mọi cáo buộc.

Trước đó, MAS từng rút giấy phép hoạt động của 2 ngân hàng Thụy Sĩ là BSI và Falcon, phạt gần 13 triệu USD và phong tỏa một số lượng lớn tài khoản ngân hàng của Quỹ 1MDB.

MAS cũng từng phạt 2 ngân hàng Standard Chartered và Coutts (khoảng 5 triệu USD) do vi phạm quy định về chống rửa tiền trong giao dịch có liên quan đến Quỹ 1MDB.

Và phong tỏa tài sản của doanh nhân Malaysia Low Taek Jho, nhưng không cáo buộc tội danh nào đối với nhân vật này, cho dù ông liên quan đến Quỹ 1MDB. Ông Low Taek Jho được cho là người có mối quan hệ thân cận với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và giúp thành lập Quỹ 1MDB.

Hơn 2 tháng trước (30-3), Bộ Tài chính Malaysia thông báo, Quỹ 1MDB đã thanh toán hết các khoản vay ngân hàng và nợ ngắn hạn. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Najib Razak khẳng định, không có Bộ trưởng nào từ chức để tránh dính líu tới bê bối tại Quỹ 1MDB.

Theo giới truyền thông, Thủ tướng Najib Razak thành lập Quỹ 1MDB năm 2009, ngay sau khi nhậm chức, với mục tiêu phát triển hạ tầng quốc gia bằng vốn vay từ phát hành trái phiếu nhà nước. Nhưng mấy năm qua, Quỹ 1MDB luôn là tâm điểm của các cuộc điều tra liên quan tới rửa tiền tại một số quốc gia như Thụy Sĩ, Singapore, Australia và Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên Credit Suisse bị điều tra và nhận án phạt, bởi trước đó họ từng chấp nhận nộp 5,3 tỷ USD cho giới chức Mỹ để giải quyết vụ bán chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn - nhân tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ba năm trước (2014-2017), Tòa án Liên bang Mỹ từng tuyên phạt Credit Suisse 2,5 tỷ USD vì đã giúp đỡ công dân nước này trốn thuế. Hơn 2 tháng trước (31-3), Credit Suisse bị 5 quốc gia Hà Lan, Anh, Đức, Pháp và Australia điều tra và việc này diễn ra sau khi Cơ quan chống tội phạm tài chính Hà Lan bắt 2 nghi phạm, còn các công tố viên Pháp cáo buộc ngân hàng này đã tạo điều kiện để hàng nghìn khách hàng Pháp mở tài khoản tại Thụy Sĩ và không khai thuế với cơ quan chức năng.

Giới chức Hà Lan cho biết, có khoảng 55.000 công dân nước này có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, nhưng họ mới nhận được thông tin về 3.800 người. Theo những tiết lộ từ "Hồ sơ Panama", Credit Suisse bị cáo buộc tiếp tay cho hành vi rửa tiền và trốn thuế, nhưng ngân hàng này đã phủ nhận.

Credit Suisse cho biết, giới chức của 5 quốc gia kể trên đã tới trụ sở của Credit Suisse ở Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) và Paris (Pháp) để tìm hiểu thông tin về các vấn đề có liên quan tới thuế của khách hàng.

Liên minh châu Âu (EU) ước tính, khu vực này thất thu khoảng 80 tỷ USD/năm bởi các hành vi trốn thuế. Trong khi đó, Cảnh sát Australia đang làm việc với các cơ quan hành pháp quốc tế để điều tra những công ty liên kết với Quỹ 1MDB, nhưng lại từ chối bình luận chi tiết về vấn đề này.

Công ty an ninh mạng Kaspersky của Nga khuyến cáo, một nhóm siêu tin tặc thường xuyên tấn công và đánh cắp tiền từ hệ thống ngân hàng tại ít nhất 18 quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, cơ quan chức năng mới xác nhận có 3 vụ tin tặc đánh cắp tiền với thủ đoạn này khi chúng nhằm vào hệ thống ngân hàng của Bangladesh, Ecuador và Philippines. Và theo khuyến cáo của Kaspersky, những hành vi tấn công tương tự đã được tiến hành tại Uruguay, Ấn Độ, Thái Lan, Ba Lan, Uruguay, Đài Loan (Trung Quốc)...

Trong khi đó, Công ty an ninh mạng Symantec của Mỹ cho biết, mặc dù giới chức an ninh có thể chặn đứng nhiều cuộc tấn công mạng, nhưng vẫn có những vụ tin tặc thâm nhập thành công và dễ dàng đánh cắp tiền trong hệ thống ngân hàng.

Quốc Dũng
.
.
.