Đằng sau bản án hơn 13 năm tù của Oscar Pistorius

Thứ Tư, 29/11/2017, 22:03
Sau gần 2 năm (3-12-2015) bị Thẩm phán Eric Leach ra lời phán quyết gây tranh cãi trong giới luật sư, ngày 24-11, Tòa phúc thẩm tối cao Nam Phi đã tăng án tù đối với vận động viên điền kinh khuyết tật nổi tiếng thế giới người Nam Phi Oscar Pistorius.


Theo đó, Oscar Pistorius phải "bóc lịch" tới 13 năm và 5 tháng vì tội giết bạn gái Reeva Steenkamp. Hơn 2 tháng trước (19-9), Cơ quan Công tố Nam Phi (NPA) cho biết, Tòa phúc thẩm tối cao Nam Phi sẽ khai đình để xem xét kháng nghị của NPA đối với bản án 6 năm tù giam của Oscar Pistorius. 

Vì từng 6 lần vô địch Paralympic, cho dù bị khuyết tật từ nhỏ - phải cưa cả 2 chân đến tận đầu gối và di chuyển bằng 2 chân giả làm bằng sợi carbon, nên vụ án của Oscar Pistorius được dư luận Nam Phi đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, Cảnh sát trưởng Riah Phiyega đã bổ nhiệm Trung úy Vineskhumar Moonoo làm điều tra viên mới, sau khi điều tra viên Hilton Botha cũng dính líu tới án giết người. 

Ông Hilton Botha thừa nhận, đã mắc nhiều lỗi khi tiếp cận vụ án, trong đó có việc không mặc quần áo bảo hộ khi đi vào hiện trường nơi xảy ra vụ án. Luật sư Barry Roux, người bảo vệ quyền lợi pháp lý của Oscar Pistorius từng tuyên bố, chất lượng nghèo nàn của những vật chứng mà điều tra viên Hilton Botha đưa ra là "thảm họa" đối với vụ án của thân chủ.

Ngoài biệt danh "người không chân", Oscar Pistorius còn được gọi với cái tên "lưỡi dao chạy" và kể từ khi bắn chết bạn gái Reeva Steenkamp đúng dịp Lễ tình nhân 14-2-2013 đến nay, bản án đối với ngôi sao người Nam Phi luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Oscar Pistorius trên đường đua.

Hơn 3 năm trước (21-10-2014), Thẩm phán Thokozile Masipa của Tòa án thủ đô Pretoria đã tuyên mức án 5 năm tù giam đối với "người không chân" Oscar Pistorius, và cơ quan công tố nước này coi đây là bản án "quá nhẹ". 

Bởi theo luật Nam Phi, mức án tối thiểu cho tội giết người là 15 năm tù, nhưng trường hợp của Oscar Pistorius có một số tình tiết giảm nhẹ, chủ yếu vì anh là người khuyết tật và phải điều trị tâm lý ở thời điểm bắn chết bạn gái. Thẩm phán Thokozile Masipa viện dẫn những tình tiết có tính giảm nhẹ như sự ăn năn của Oscar Pistorius. 

Theo bà Thokorile Masipa, Oscar Pistorius không thể biết người đang ở bên trong nhà tắm là bạn gái Reeva Steenkamp. Khi bà Thokozile Masipa quyết định phát súng định mệnh của Oscar Pistorius chỉ là ngộ sát, cảnh sát Nam Phi đã phải bố trí bảo vệ 24/24h vì đã có nhiều lời đe dọa sẽ giết nữ Thẩm phán da đen này, do không hài lòng với bản án đã tuyên. 

Reeva Steenkamp đã tử vong sau khi trúng 3 phát đạn bởi Oscar Pistorius nhầm cô với kẻ trộm đột nhập vào nhà. Khi đó, cha mẹ Reeva Steenkamp nói rằng, họ hài lòng với mức án mà Thẩm phán Thokozile Masipa đã tuyên. 

Nhưng ngày 3-12-2015, Tòa án tối cao Nam Phi đã hủy bản án sơ thẩm, và Thẩm phán Eric Leach thay đổi tội danh của Oscar Pistorius từ ngộ sát thành giết người, đồng thời tuyên phạt vận động viên này mức án 6 năm tù giam. Ngày 6-7-2016, Oscar Pistorius bị đưa tới nhà tù Khosi Mampuru ở Thủ đô Pretoria, ngay sau khi Tòa thượng thẩm chuẩn y bản án của Thẩm phán Eric Leach.

Theo giới truyền thông, một trong những nguyên nhân khiến dư luận và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới vụ án này bởi mặc dù bị tuyên án 5 năm tù hôm 21-10-2014, nhưng "người không chân" Oscar Pistorius, đã được phóng thích khỏi nhà tù chiều 19-10-2015, chỉ bị quản thúc tại gia trong thời gian còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc, Oscar Pistorius chỉ bị quản thúc tại gia sau khi hoàn thành 1/6 mức án 5 năm tù giam vì tội ngộ sát. 

Và tuy chỉ ngồi tù chưa đầy 1 năm, nhưng gia đình Oscar Pistorius vẫn chỉ trích quan chức Chính phủ vì sự chậm trễ trong việc phóng thích "người không chân". Việc này diễn ra sau khi Hội đồng phóng thích họp hôm 5-10-2015 và quyết định, Oscar Pistorius chưa được hưởng sự giam giữ tại gia mặc dù trước đó đã có đủ điều kiện. 

Nhiều cảnh sát Nam Phi bị kỷ luật vì dùng điện thoại di động chụp hình "người không chân" khi Oscar Pistorius bị bắt để bán cho các hãng tin. Theo tờ The Guardian, đã có 49 điện thoại di động bị tịch thu và vụ chụp hình đem bán này đã làm xấu uy tín của cảnh sát Nam Phi.

Bộ trưởng Nội vụ Nathi Mthethwa đã phải thông báo với Quốc hội về việc này, nhưng từ chối tiết lộ đã có bao nhiêu sĩ quan cảnh sát chụp hình Oscar Pistorius để kiếm lợi. 5 năm trước (2012-2017), Oscar Pistorius từng được Tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và từng được coi là người hùng của Nam Phi khi trở thành vận động viên khuyết tật cả 2 chân đầu tiên xuất hiện ở Olympic London 2012.

Nhiệm Bình
.
.
.