Đằng sau lệnh cấm các công ty công nghệ Trung Quốc của Mỹ

Thứ Tư, 12/08/2020, 07:40
Tối 6-8 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với ByteDance và Tencent, công ty mẹ của TikTok và WeChat, sau 45 ngày nữa.

Sắc lệnh hành pháp được ông Donald Trump ban hành dựa theo Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) cho phép chính quyền Mỹ cấm doanh nghiệp và người dân Mỹ giao dịch thương mại và tài chính với các bên bị trừng phạt từ ngày 20-9.

Chương trình "Mạng lưới sạch"

Tháng 4-2020, chương trình "Mạng lưới sạch" (Clean Network) đã được khởi động, ban đầu áp dụng các hạn chế đối với việc sử dụng thiết bị của Huawei và các nhà cung cấp Trung Quốc khác trong việc xây dựng mạng 5G ở Mỹ. Tuy nhiên, các hạn chế hiện áp dụng cho hầu như tất cả các công ty công nghệ và viễn thông của Trung Quốc. 

Chương trình "Mạng lưới sạch" hiện bao gồm: "Các nhà khai thác mạng sạch" - cấm kết nối của các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc với các mạng viễn thông của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc China Telecom và các nhà khai thác khác của Trung Quốc bị cấm hoạt động tại Mỹ. "Cửa hàng sạch" - các ứng dụng không đáng tin cậy của Trung Quốc sẽ biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng di động của Mỹ. Đây là lệnh cấm đối với TikTok và WeChat. 

"Ứng dụng sạch" - các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc sẽ bị ngăn cài đặt hệ điều hành sẵn hoặc cung cấp cho người dùng tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất của Mỹ. "Lưu trữ đám mây sạch" - các công ty Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Baidu, Tencent sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ đám mây tại Mỹ và không thể làm việc với dữ liệu từ các công dân và công ty Mỹ. 

Cuối cùng là "Các tuyến cáp sạch" - Mỹ dự định kiểm tra tất cả các tuyến cáp quang biển nối Mỹ với mạng thế giới để phát hiện việc lắp đặt bất kỳ thiết bị cho phép đánh cắp dữ liệu, bao gồm cả các dịch vụ đặc nhiệm của Trung Quốc.

TikTok hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới.

Vì sao Mỹ muốn loại bỏ các công ty Trung Quốc?

Ngay sau khi ban hành lệnh cấm tất cả các giao dịch với ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video Tiktok, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có hành động tương tự với Tencent, công ty chủ quản của WeChat, ứng dụng di động cho phép người dùng chat bằng video, âm thanh hoặc văn bản trực tiếp trên điện thoại thông minh. 

Trong sắc lệnh, Tổng thống Mỹ nêu rõ, WeChat tự động lưu giữ một lượng lớn thông tin từ người sử dụng. Hành động thu thập dữ liệu này cho phép Trung Quốc tiếp cận với các thông tin cá nhân của người Mỹ. Theo đó, trong vòng 45 ngày, các giao dịch liên quan đến Wechat sẽ bị cấm tại Mỹ.

Lệnh cấm nhằm vào Tencent, một trong những công ty Internet lớn nhất thế giới, đã làm rạn nứt thêm mối quan hệ hai bên trong lĩnh vực mạng Internet toàn cầu cũng như chấm dứt mối quan hệ lâu đời giữa các ngành công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc. 

Trước đó, mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin của Mỹ như WhatsApp và Messenger của Facebook cũng bị chặn tại Trung Quốc. Ông James Lewis, chuyên gia công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định: "Cuộc chiến công nghệ này là sự rạn nứt trong thế giới kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối và tuyên bố rằng, việc Mỹ đàn áp và ngăn chặn các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc thông qua việc lạm dụng quyền lực nhà nước là một hành động bắt nạt. Trước đây đã có tin rằng, các nhà đàm phán của hai nước sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về kết quả thực hiện thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trong khi cuộc chiến thương mại chuyển sang giai đoạn tài chính và công nghệ, ý nghĩa của thỏa thuận giai đoạn 1 và triển vọng ký kết thỏa thuận mới gây ra nhiều câu hỏi. Các động thái hiện tại của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến cuộc đàm phán tương lai.

Wechat tiếp tục trở thành nạn nhân của căng thẳng Mỹ-Trung.

Chiến thuật của Mỹ gây áp lực tối đa lên Trung Quốc

Vài tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố, ông không quan tâm đến việc đàm phán thỏa thuận thương mại hai với Trung Quốc. Bây giờ những đặc điểm của một chính sách hoàn toàn mới của Mỹ đối với Trung Quốc đang dần lộ diện. 

Xét theo mọi việc, ông Trump đã chọn chiến thuật gây áp lực tối đa lên Trung Quốc làm con át chủ bài trong chiến dịch tái tranh cử của mình. Trong khi Mỹ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và dịch bệnh COVID-19 đang bóp nghẹt nền kinh tế, xã hội bị chia rẽ do các cuộc biểu tình bạo lực, ông Trump chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là đổ lỗi cho Trung Quốc, để cử tri thấy rõ ông giữ lập trường cứng rắn trong cuộc đấu tranh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Nhưng, vấn đề là ở chỗ, mấy tuần lễ trước bầu cử Tổng thống Mỹ là một thời gian khá ngắn, còn các biện pháp được thực hiện lúc này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn và lâu dài hơn nhiều. Trước hết, các biện pháp này sẽ tác động đến các công ty Trung Quốc. Sau khi Mỹ công bố lệnh cấm, cổ phiếu Tencent tại Hồng Kông đã giảm 9%. 

Bytedance đang đứng trước những lựa chọn khó khăn. Bán TikTok, ứng dụng hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới, có nghĩa là chuyển giao cho người khác tài sản trí tuệ quan trọng, bao gồm cả các thuật toán AI, mà đây là lợi thế cạnh tranh chính của công ty. 

Nếu công ty không tuân theo sự dẫn dắt của Mỹ, thì sẽ bị thiệt hại tài chính nghiêm trọng. Nếu không có các thị trường trọng điểm, TikTok sẽ mất giá. Triển vọng cho các công ty và người dùng Mỹ cũng chưa rõ.

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ không khôi phục lại được tình trạng trước đây

Nhưng, ngay cả khi tình hình không phát triển theo kịch bản cứng rắn nhất, các lệnh cấm này sẽ làm phức tạp hơn cuộc sống thường ngày của số lượng lớn người Trung Quốc sống ở Mỹ và sử dụng WeChat như phương tiện liên lạc chính với người thân, bạn bè và đối tác ở Trung Quốc. 

Nếu các hạn chế đối với việc sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc chỉ được áp dụng đối với các công ty và nhà sản xuất Mỹ, thì Trung Quốc thậm chí không cần phải thực hiện bất kỳ biện pháp trả đũa nào: Apple sẽ mất thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường trọng điểm của công ty. 

Quan trọng hơn cả, những hành động hiện tại của Mỹ đang khiến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng khó cứu vãn. Tại thời điểm này, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất khó dự đoán. Nhưng rõ ràng là trong tương lai gần mối quan hệ giữa hai nước sẽ không trở lại trạng thái bình thường.

 Theo các nhà quan sát, nếu trước đây mối quan hệ Trung-Mỹ có thể được coi là bình thường, thì bây giờ quan hệ song phương sẽ không khôi phục lại được tình trạng trước đây. Hiện nay, mối quan hệ giữa hai nước đang trong giai đoạn đối đầu gay gắt và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục. Các biện pháp của Mỹ đối với các ứng dụng di động của Trung Quốc là một bước mới nhằm kiềm chế Trung Quốc. 

Cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần. Vào thời điểm này, vấn đề Trung Quốc thường trở thành một phương tiện để thu hút phiếu bầu. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, ông Trump đang tụt phía sau đối thủ, và ông muốn lấy lại lợi thế nhờ luận điệu chống Trung Quốc để xây dựng một chiến dịch truyền thông hiệu quả dù không có gì chắc chắn liệu ông ta có thể thắng cuộc bầu cử hay không.

Giá cổ phiếu của Tencent đã giảm mạnh sau khi ông Trump ký lệnh cấm WeChat.

Mỹ đang áp dụng chính cách Trung Quốc từng làm

Trong triển vọng dài hạn, Mỹ có thể đi quá xa trong việc kiềm chế các công ty Trung Quốc và bằng cách này hỗ trợ tuyệt vời cho Trung Quốc về mặt chính trị. Bởi vì các chương trình như "Mạng lưới sạch" mâu thuẫn về ý thức hệ với các khái niệm thị trường mở, dân chủ, với các giá trị tự do và Internet tự do - tất cả những gì Mỹ đã bảo vệ và quảng bá ra thế giới bên ngoài trong nhiều thập kỷ.

Trong một diễn biến mới nhất, TikTok dự định đệ đơn kiện sớm nhất ngày 11-8. Đơn kiện sẽ được nộp lên Tòa án Quận phía Nam bang California, nơi đặt trụ sở của TikTok tại Mỹ. Đơn kiện sẽ lập luận rằng hành động của Tổng thống Donald Trump là vi hiến vì không cho công ty cơ hội phản ứng, đồng thời nêu việc Chính phủ Mỹ dùng vấn đề an ninh quốc gia để biện minh cho sắc lệnh cấm TikTok là vô căn cứ.

Tuy nhiên, thực tế thì việc Mỹ áp đặt các biện pháp hành chính, buộc người tiêu dùng trong nước phải sử dụng ứng dụng nào, hợp tác với công ty nào, sử dụng nội dung nào trên Internet lại là việc đã được thực hiện trước đó ở Trung Quốc. Để bảo vệ an ninh quốc gia và dựa trên nguyên tắc chủ quyền của không gian mạng, Trung Quốc đã hạn chế quyền truy cập vào các trang web quốc tế, hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận và tham gia thị trường Trung Quốc. 

Cách đây không lâu, Trung Quốc bắt đầu quảng bá khái niệm "Internet có chủ quyền" ra thế giới bên ngoài, khái niệm này phải thay thế mô hình tự do của Mỹ. Và giờ đây, Mỹ bằng các hành động của mình, đang chứng minh tính hợp pháp và sự cần thiết của cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quản trị mạng toàn cầu.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.