Đằng sau những cáo buộc của Giám đốc NSA

Thứ Năm, 08/12/2016, 16:13
Dư luận đang có phản ứng khác nhau sau khi xuất hiện những thông tin về “số phận” của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), ông Michael Rogers.


Bởi trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper muốn Tổng thống Barack Obama cách chức ông Michael Rogers, thì Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes lại cho rằng, Giám đốc NSA có thể sẽ trở thành Giám đốc Tình báo Quốc gia thứ 5 của nước Mỹ. 

Theo tờ The Daily Beast và tờ The Washington Post, Giám đốc Michael Rogers chưa bao giờ là lãnh đạo được yêu qúy tại NSA vì phong cách chỉ huy mang đậm chất quân đội. 

Ngoài ra, ông Michael Rogers còn để xảy ra vụ rò rỉ một khối lượng lớn thông tin bí mật của NSA, và “bất lực” trong cuộc chiến tranh mạng chống IS, trong khi là chỉ huy Bộ Tư lệnh không gian ảo, phụ trách các cuộc tấn công bằng máy tính ở Mỹ.

Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Michael Rogers.

Tuy bị ông Ashton Carter và ông James Clapper chê hết lời, nhưng ông Michael Rogers lại được ông Devin Nunes đánh giá cao. Vì Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện được cho là sẽ giữ trọng trách về an ninh trong Chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nên tuyên bố của ông Devin Nunes được dư luận quan tâm. 

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, ông Michael Rogers là người làm việc “rất chuyên nghiệp” và chưa bao giờ “chơi trò chính trị” khi điều hành cơ quan tình báo lớn nhất nước Mỹ.

Đồng thời khẳng định, chưa bao giờ nghe thấy những chỉ trích về công tác quản lí yếu kém, cũng như thất bại trong cuộc chiến chống IS của Giám đốc NSA Michael Rogers. 

“Vô căn cứ bởi nếu đúng như vậy, chúng tôi đã nghe những lời than phiền”, ông Devin Nunes nhấn mạnh. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes cho rằng, những người gièm pha ông Michael Rogers là “rắn độc”, bởi họ muốn loại bỏ một sĩ quan quân đội xuất chúng. 

Và khẳng định, đã gửi thư (19-11) cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, yêu cầu cả 2 người này phải giải thích về những cáo buộc chống lại Giám đốc NSA Michael Rogers. 

Ông Devin Nunes thậm chí còn tuyên bố, nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng sẽ yêu cầu mở phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện.

Tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes được đưa ra sau khi có tin nói rằng, ông Michael Rogers đã gặp ông Donald Trump tại New York hôm 17-11 để bàn về việc bổ nhiệm Giám đốc NSA làm Giám đốc Tình báo Quốc gia. 

Theo tờ Wall Street Journal, ông Michael Rogers đang là lựa chọn hàng đầu để thay thế ông James Clapper. “Ông ta hoàn toàn xứng đáng với vị trí Giám đốc Tình báo Quốc gia. Nhưng tôi không phải là người quyết định. Quyết định phụ thuộc vào tổng thống đắc cử”, ông Devin Nunes khẳng định. 

Theo hãng Reuters và tờ Washington Post, việc tới New York để gặp ông Donald Trump hôm 17-11 của Giám đốc NSA Michael Rogers, nhưng không báo cáo đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper vừa ngạc nhiên, vừa tức giận. Nhưng kiến nghị cách chức Giám đốc NSA đối với ông Michael Rogers đã được 2 nhà lãnh đạo này trình lên Tổng thống Barack Obama từ tháng 10-2016.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper.

Điều đáng nói là ông James Clapper từng bác bỏ việc NSA thu thập dữ liệu liên lạc cá nhân của hàng triệu người dân (tháng 3-2013), dẫn tới vụ phanh phui chương trình do thám của cựu nhân viên CIA và NSA Edward Snowden. 

Và nếu như những đồn đoán và tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes là đúng, thì ông Michael Rogers sẽ là người kế nhiệm vị trí của ông James Clapper. 

Bởi Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper đã trở thành nhân vật cao cấp đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama thực hiện đề nghị của ông chủ Nhà Trắng, khi nộp đơn từ chức trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1-2017. 

Gần 2 tháng trước (5-10), Bộ Tư pháp cáo buộc ông Harold Thomas Martin, 51 tuổi, nhân viên công ty Booz Allen Hamilton đang phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam vì tội ăn cắp tài sản chính phủ và 1 năm vì tội xóa bỏ tài liệu mật. 

Booz Allen Hamilton là công ty đối tác của NSA (từng thuê Edward Snowden làm việc) và vụ đánh cắp thông tin tối mật của NSA, do  ông Harold Thomas Martin tiến hành được tờ The New York Times coi là “người thổi còi” thứ hai, sau Edward Snowden. 

Ông Harold Thomas Martin xuất hiện lần đầu tại Tòa án ở Baltimore hôm 26-8, nhưng luật sư của người này tuyên bố, không có bằng chứng chứng tỏ thân chủ có ý định phản bội tổ quốc. 

Hơn 1 tháng trước (14-11), khi phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến do Khoa Luật của trường Đại học Buenos Aires (Argentina) tổ chức, Edward Snowden cho rằng, việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống có thể làm gia tăng tính chất xâm phạm trong hoạt động thu thập tin tức tình báo ở Mỹ.

Thiện Lân
.
.
.