Đằng sau những vụ kiện

Thứ Hai, 20/02/2017, 16:28
Mặc dù bị vụ bê bối gian lận khí thải "vây hãm", nhưng hãng Volkswagen của Đức vẫn giành danh hiệu nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới từ tay hãng Toyota của Nhật Bản. Theo đó, trong năm 2016, ngôi vị số một thế giới về doanh số bán xe trên thế giới đã thuộc về Volkswagen. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, Toyota bị xếp sau Volkswagen.


Động thái đáng quan tâm

Cuộc gặp trực tiếp hiếm hoi giữa Tổng thống Nga Putin với Giám đốc điều hành hãng Volkswagen Matthias Mueller hôm 8-2 được dư luận chú ý. Bởi đây là cuộc gặp hy hữu giữa một lãnh đạo Nga với một lãnh đạo tập đoàn châu Âu kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva (từ năm 2014).

Cho tới nay Volkswagen (VW) là nhà sản xuất xe hơi nước ngoài lớn nhất tại Nga (với số vốn tính đến thời điểm hiện nay khoảng 2 tỷ USD). Cuộc gặp kể trên diễn ra sau khi Luxembourg thông báo (7-2), sẽ mở cuộc điều tra hình sự về gian lận khí thải của Volkswagen và động thái này cho thấy, hãng xe hơi nổi tiếng của Đức vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng về uy tín trong 17 tháng qua.

Ông Martin Winterkorn tuyên bố từ chức.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Phát triển bền vững Luxembourg Francois Bausch cho biết, nước này là "nạn nhân của thủ đoạn phạm tội" và Luxembourg đã không cấp phép cho Volkswagen, nếu các cuộc kiểm tra khí thải động cơ diesel của hãng này không bị gian lận.

Do đó, Luxembourg sẽ kiện, yêu cầu Volkswagen phải chịu trách nhiệm về hành vi gian lận khí thải của loại xe trang bị động cơ EA 189 do chi nhánh Audi của hãng này sản xuất.

Trước đó, (tháng 12-2016), Liên minh châu Âu (EU) từng gây áp lực đối với Anh, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha vì những nước kể trên cho phép Volkswagen bán xe tại thị trường nội địa, nhưng lại không kiện hãng này như Mỹ đã làm.

Giới luật gia cho rằng, hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Đức đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử, sau khi Volkswagen bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe động cơ diesel trên thế giới.

Vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen đã khiến cựu Chủ tịch Martin Winterkorn phải rút khỏi vị trí lãnh đạo Công ty Porsche Holding PSE. Trước đó, ông Martin Winterkorn phải từ chức Chủ tịch Volkswagen.

Hơn 2 tháng trước (4-12-2016), tờ Bild am Sonntag cho biết, nhiều lãnh đạo của hãng Volkswagen đã phải trả lại hàng triệu euro chi phí ngoài mục đích công việc. Trong danh sách bị truy thu tiền có Giám đốc điều hành Martin Winterkorn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hans-Dieter Poetsch và Giám đốc điều hành thương hiệu Audi Rupert Stadler.

Ngoài ra, Volkswagen còn tuyên bố cắt giảm 30.000 việc làm đến năm 2020, để tiết kiệm 3,7 tỷ euro/năm sau vụ bê bối gian lận khí thải gây chấn động thế giới.

Đầu năm 2017, một website bảo vệ người tiêu dùng của Đức đã trở thành đối tượng tiếp theo kiện Volkswagen, đòi bồi thường cho người mua xe tại châu Âu. Nếu thua kiện, Volkswagen có nguy cơ mất thêm hàng trăm triệu USD.

Ông Hans Dieter Poetsch, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng Volkswagen.

Hơn 2 tháng trước (8-12-2016), Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ Đức (KBA) cho biết, họ đang kiểm tra phần mềm có thể đo góc bánh lái của dòng xe thể thao Porsche của hãng Volkswagen. Vì nghi ngờ hãng Volkswagen đã cài phần mềm gian lận khí thải đối với dòng xe thể thao Porsche hạng sang.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Birmingham (Anh) và Công ty an ninh Kasper&Oswald (Đức) vừa khuyến cáo, đã có 2 vụ tin tặc tấn công các mẫu xe của Volkswagen. Và hơn 100 triệu xe của hãng Volkswagen (được bán từ năm 1995 đến năm 2016) có nguy cơ bị tin tặc tấn công - có thể bị mở khóa từ xa.

Những khoản phạt từ Mỹ

Hơn nửa tháng trước (1-2), hãng Reuters dẫn nguồn từ biên bản tòa án ở Mỹ cho biết, Volkswagen có thể phải trả hơn 4 tỉ USD nếu cơ quan chức năng không thông qua kế hoạch sửa chữa đối với những khách hàng đã mua khoảng 80.000 ôtô sử dụng động cơ diesel 3.0 liên quan đến vụ gian lận khí thải.

Volkswagen đã đồng ý trả ít nhất 1,26 tỉ USD để sửa chữa hoặc mua lại và bồi thường cho những khách hàng kể trên. Theo giới truyền thông, tháng 12-2016, Volkswagen đã đồng ý mua lại 20.000 xe và sửa chữa số còn lại.

Và những khách hàng sửa xe sẽ được bồi thường từ 7.000 USD đến 16.000 USD, còn ai bán lại cho hãng sẽ nhận thêm 7.500 USD ngoài giá trị xe. Ngoài ra, nhà phân phối Robert Bosch cũng đồng ý chi 327,5 triệu USD để bồi thường cho khách hàng. Volkswagen từng đồng ý chi hơn 10 tỉ USD để thu hồi 475.000 chiếc xe gắn động cơ diesel 2.0 sau khi thừa nhận đã cài đặt phần mềm bí mật để gian lận khí thải.

Trước đó (10-1), hãng Volkswagen cho biết, đã thống nhất với Bộ Tư pháp và Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ nộp các khoản tiền phạt bổ sung tổng cộng 4,3 tỷ USD. Đồng thời chỉ định một giám sát viên độc lập để giám sát việc hãng này thực thi các nghĩa vụ pháp lý và các biện pháp kiểm soát trong 3 năm.

Volkswagen đồng ý chi 1,26 tỉ USD để dàn xếp vụ gian lận khí thải.

Khách hàng tại Mỹ có 2 lựa chọn, hoặc sửa xe miễn phí và nhận khoản bồi thường từ 5.000 USD đến 9.000 USD, hoặc trả lại ôtô lỗi để mua một sản phẩm khác với mức giá từ 12.000 USD đến 44.000 USD.

Theo đơn kiện trình lên tòa án bang Illinois ngày 8-11-2016, dòng xe Audi của Volkswagen đã cài đặt thiết bị gian lận khí thải đối với số ôtô lắp ráp động cơ xăng để che giấu mức thải CO2 thực của loại xe này.

Công ty luật Hagens Berman, đại diện cho người tiêu dùng đã khiếu nại Volkswagen lừa gạt người tiêu dùng mua xe khi quảng cáo sản phẩm của họ "thân thiện với môi trường". Một toà án ở Mỹ từng thông qua phương án chi 14,7 tỷ USD của Volkswagen để khắc phục hậu quả của vụ bê bối gian lận khí thải.

Đây là vụ dàn xếp khủng hoảng lớn nhất của một hãng sản xuất ôtô nước ngoài ở Mỹ. Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman từng kêu gọi các quốc gia hợp tác trong cuộc điều tra nhằm bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.

Ngày 9-1, Giám đốc phụ trách kỹ thuật và môi trường của hãng Volkswagen tại Mỹ Oliver Schmidt đã bị FBI bắt và lần đầu tiên xuất hiện tại Tòa án Miami, bang Florida để làm rõ những cáo buộc liên quan đến vụ gian lận khí thải ở các dòng xe do hãng này sản xuất.

Giám đốc Oliver Schmidt bị bắt hôm 7-1 sau khi bang New York và Massachusetts cáo buộc ông này đóng vai trò chủ đạo trong kế hoạch của Volkswagen che giấu hành vị gian lận khí thải từ các loại ôtô do hãng này chế tạo.

Trước đó, Thẩm phán Charles Breyer đã ra phán quyết, theo đó nhà sản xuất ôtô Volkswagen và cựu Giám đốc điều hành Martin Winterkorn phải đối mặt với vụ kiện của các nhà đầu tư tại một tòa án ở bang California về vụ bê bối gian lận khí thải liên quan đến dòng xe chạy dầu diesel của hãng này.

Gần 1,5 năm trước (tháng 9-2015), Volkswagen đã thừa nhận sử dụng phần mềm gian dối lượng tiêu thụ nhiên liệu thiết lập trên khoảng 11 triệu xe chạy máy dầu của hãng đã bán ra trên thế giới, nên phải chi hơn 23 tỷ USD để giải quyết vụ kiện tại Mỹ. Volkswagen từng tuyên bố, sẽ thu hồi gần 600.000 ôtô tại Mỹ, liên quan đến lỗi có thể dẫn đến cháy nổ hoặc trục trặc túi khí. Và quyết định này được đưa ra sau khi Trung Quốc và Israel ghi nhận nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe của Volkswagen trong năm 2016.

Những vụ kiện khác

Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu Volkswagen phải đền bù cho người tiêu dùng. Tại cuộc gặp với ông Matthias Mueller ở Brussels tối 6-2, bà Vera Jourova, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề tư pháp đã yêu cầu Volkswagen phải đền bù cho khách hàng tại châu Âu và đó là giải pháp có lợi cho hãng này.

Trước đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz cho rằng, vụ bê bối gian lận khí thải tại Volkswagen đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Đức. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin tuyên bố, EU cần điều tra về vụ bê bối gian lận khí thải của hãng Volkswagen.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson cho rằng, nếu mức khí thải của xe VW cao hơn so với khai báo, hãng này sẽ bị truy thu thuế. Cơ quan chống độc quyền Italia đã yêu cầu hãng Volkswagen nộp phạt 5 triệu euro để khắc phục vụ bê bối gian lận khí thải liên quan tới số ôtô lắp động cơ diesel.

Ủy ban Giám sát cạnh tranh và người tiêu dùng Australia đã khởi kiện hãng Volkswagen về hành vi gian lận khí thải. Ước tính có hơn 57.000 xe được bán tại Australia trong 5 năm qua đã không hoạt động như Volkswagen quảng cáo.

Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (FTC) đã phạt một chi nhánh của hãng Volkswagen tại xứ "sở kim chi" 32 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải của hãng này. Đây là mức phạt cao nhất mà FTC từng áp dụng liên quan đến việc đưa thông tin sai lệch.

Trước đó (tháng 8-2016), chính quyền Seoul đã cấm kinh doanh 80 mẫu xe Volkswagen và phạt hãng này 17,8 triệu won do giả mạo thông tin về khí thải và hiệu suất nhiên liệu.

Giới truyền thông vừa dẫn lời luật sư Annette Voges, người bào chữa cho cựu Giám đốc thương hiệu của hãng Volkswagen Heinz-Jakob Neusser khi cho rằng, tiến trình tố tụng mà các công tố viên Mỹ thực hiện trong vụ truy tố thân chủ của bà là không hợp hiến theo luật của Đức.

Ông Heinz-Jakob Neusser hiện đang ở Đức, quốc gia có quy định cho phép bị đơn có cơ hội trình bày sự việc trước khi đưa ra bản cáo trạng, không giống như ở Mỹ. Bà Annett Voges cho biết, chỉ nghe bản cáo trạng từ cuộc họp báo trực tiếp và đại diện Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi quyết định truy tố đối với ông Heinz-Jakob Neusser, trong khi luật sư không được tiếp cận hồ sơ vụ việc.

Các công tố viên Đức cũng mở rộng điều tra đối với ông Hans Dieter Poetsch, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng Volkswagen vì bị cáo buộc có liên quan đến việc thao túng thị trường chứng khoán sau vụ bê bối gian lận khí thải.

Theo thông báo của hãng Volkswagen hôm 6-11-2016, công tố viên thành phố Brunswick (Đức) muốn điều tra vai trò của ông Hans Dieter Poetsch khi là Giám đốc tài chính, trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hồi tháng 10-2015.

Trước đó, các công tố viên đã điều tra cựu Giám đốc điều hành Martin Winterkorn và một thành viên Hội đồng quản trị của hãng Volkswagen với cáo buộc che giấu thông tin đối với nhà đầu tư sau khi vụ bê bối gian lận khí thải bị phanh phui.

Trịnh Huyền My
.
.
.