Thủ tướng Edouard Philippe tạm thời đảm trách ghế Bộ trưởng Nội vụ trong thời gian Tổng thống Emmanuel Macron tìm kiếm người phù hợp thay thế ông Gerard Collomb. Bởi ghế Bộ trưởng Nội vụ là 1 trong những vị trí quan trọng nhất trong nội các của Tổng thống Macron, nhất là trong bối cảnh Pháp đang phải đương đầu với nhiều vấn đề khó về an ninh, đặc biệt về nguy cơ tấn công khủng bố. Hiện có 4 ứng cử viên sáng giá và đều là thân cận của Tổng thống Emmanuel Macron.
Trong 4 ứng cử viên sáng giá đáng quan tâm nhất là Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Ngân khố Gerard Darmanin. Ông Gerard Collomb là thành viên thứ 3 trong nội các của Tổng thống Emmanuel Macron từ chức kể từ tháng 8 tới nay (sau Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot và Bộ trưởng Thể thao Laura Flessel).
Nhiều người cho rằng, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi sự ra đi của ông Gerard Collomb. Bởi quyết định từ chức của ông Gerard Collomb một lần nữa đánh dấu sự bất ổn trong nội các vì chính trị gia kỳ cựu này được đánh giá là một trong những thân cận nhất của Tổng thống Emmanuel Macron.
Giới truyền thông cho rằng, ban đầu Tổng thống Emmanuel Macron không muốn khuyết ghế Bộ trưởng Nội vụ, nhưng trước quyết tâm từ chức của ông Gerard Collomb và sức ép từ các đảng đối lập, cũng như trong nội bộ nên ông chủ Điện Elysee mới chấp nhận việc này vào đêm 2-10. Và ngay trong sáng 3-10, ông Gerard Collomb đã thực hiện việc chuyển giao quyền lực tại Bộ Nội vụ cho Thủ tướng Edouard Philippe.
Theo giới truyền thông, ngày 1-10, Tổng thống Emmanuel Macron đã bác đơn từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb. Nhưng sau tuyên bố hôm 2-10 với tờ Le Figaro của ông Gerard Collomb - muốn tranh cử ghế Thị trưởng thành phố Lyon vào mùa xuân 2020, ông chủ Điện Elysee mới chấp nhận “mất người bạn thân”. “Tôi không muốn tin đồn và sức ép gây ảnh hưởng tiêu cực đến Bộ Nội vụ vì các lí do cá nhân”, tờ Le Figaro trích tuyên bố của ông Gerard Collomb.
Ông Gerard Collomb từng làm Thị trưởng Lyon 16 năm, và trở thành đồng minh chính của Tổng thống Emmanuel Macron khi quyết định rời đảng Xã hội để tham gia cuộc tranh cử với ông chủ Điện Elysee.
Về phần mình, để mở đường cho ông Gerard Collomb trở lại ghế Thị trưởng Lyon, thị trưởng đương nhiệm của thành phố này là Georges Kepenekian đã đệ đơn từ chức lên Tỉnh trưởng Rhone vào đêm 2-10.
 |
Tổng thống Macron (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Collomb.
|
Trước đó (18-9), tuyên bố từ chức đã được ông Gerard Collomb đưa ra, nhưng không nhận được phản hồi từ Tổng thống Emmanuel Macron. Và việc này diễn ra sau khi Hạ viện quyết định (19-7) thành lập Ủy ban điều tra, còn Thượng viện yêu cầu ông Gerard Collomb phải điều trần về vụ bê bối của cựu trợ lý an ninh Alexander Benalla.
Theo giới truyền thông, vì vụ bê bối của ông Alexander Benalla mà nội các của Tổng thống Emmanuel Macron đã bị phe đối lập yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm tới 2 lần. Và tại phiên điều trần trước Quốc hội, ông Emmanuel Macron đã bác bỏ tin đồn cho rằng, có quan hệ trên mức bình thường với ông Alexander Benalla.
Hơn 2 tháng trước (30-7), các công tố viên đã mở cuộc điều tra đối với ông Alexander Benalla, với cáo buộc có hành động thô bạo với 2 thanh niên Alexandre Benalla và Vincent Crase.
Trước đó (20-7), Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron thông báo, đang tiến hành các thủ tục sa thải người bị điều tra xung quanh cáo buộc hành hung người biểu tình, sau khi Viện Công tố Paris quyết định mở cuộc điều tra đối với ông Alexander Benalla.
Ông Alexander Benalla từng là người phụ trách an ninh trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2017 của ông Emmanuel Macron và là trợ lý Chánh Văn phòng Tổng thống, đã bị cảnh sát thẩm vấn sau khi bị bắt hôm 20-7.
Động thái này diễn ra sau khi tờ Le Monde tiết lộ đoạn video cho thấy, ông Alexander Benalla đã có hành vi bạo lực đối với người biểu tình ở thủ đô Paris hôm 1-5. Nhưng khi đó ông Alexander Benalla chỉ bị đình chỉ công tác, không hưởng lương 15 ngày.
Tổng thống Emmanuel Macron bị chỉ trích sau vụ bê bối của ông Alexander Benalla, thậm chí người đứng đầu phe bảo thủ của đảng Cộng hòa Laurent Wauquiez còn tuyên bố, chính phủ đang muốn ém nhẹm vấn đề này.
Dư luận coi đây là vụ bê bối lớn nhất về mặt truyền thông của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông nhậm chức cách đây hơn 1 năm. Theo kết quả thăm dò dư luận của Kantar Sofres Onepoint công bố mới đây, trong khi 19% người ủng hộ, thì có tới 60% người phản đối cách điều hành của Tổng thống Emmanuel Macron.
Còn theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến do YouGov tiến hành, uy tín của ông chủ Điện Elysee đã giảm mạnh và ở mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức - 27% người ủng hộ, 62% người phản đối.
Thiện Lân