Đằng sau việc hầu tòa của đại diện Goldman Sachs

Thứ Tư, 27/03/2019, 18:59
Nếu như không có gì thay đổi, đại diện 3 văn phòng của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) sẽ xuất hiện tại tòa án ở Malaysia trong tháng 6-2019.


Bởi cách đây mấy hôm, đại diện của Godman Sachs tại Singapore và một đoàn luật sư Malaysia đã xuất hiện tại tòa để chuẩn bị cho buổi điều trần trước khi diễn ra phiên xét xử kể trên. 

Các công tố viên Malaysia cũng cho biết, sẽ triệu đại diện văn phòng của Goldman Sachs tại London và Hongkong hầu tòa trong tháng 6. Khi phát biểu với giới truyền thông, công tố viên Aaron Paul Chelliah cho biết, trát hầu tòa được áp dụng đối với văn phòng của Goldman Sachsở Hongkong và London trước khi diễn ra buổi điều trần vào ngày 24-6-2019. 

Và họ sẽ phải trả lời những câu hỏi có liên quan tới vụ bê bối tại Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB). Hơn 2 tháng trước (16-1), CEO Goldman Sachs David Solomon đã xin lỗi về vai trò của cựu lãnh đạo ngân hàng này trong vụ bê bối tại Quỹ 1MDB. Ông David Solomon được cử thay thế người tiền nhiệm Lloyd Blankfein từ tháng 10-2018.

CEO của Goldman Sachs, ông David Solomon.

Hơn 3 tháng trước (17-12-2018), Malaysia đưa ra cáo buộc hình sự đối với Goldman Sachs và 2 cựu lãnh đạo ngân hàng này là Tim Leissner và Ng Chong Hwa (còn gọi là Roger Ng). 

Bởi họ có liên quan đến vụ biển thủ 2,7 tỷ USD từ những đợtphát hành trái phiếu do các chi nhánh của Quỹ 1MDB phát hành và được Goldman Sachs dàn xếp. Và Goldman Sachs trở thành tâm điểm của vụ bê bối tham nhũng tại Quỹ 1MDB bởi họ bị coi có vai trò trong việc dàn xếp 3 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên tới 6,5 tỷ USD. 

Đương nhiên, Goldman Sachs đã được nhận khoảng 1 tỷ USD từ phí giao dịch liên quan đến Quỹ 1MDB và các khoản lãi từ trái phiếu. Được biết, ông Tim Leissner đã nhận tội và chấp nhận bồi thường 43,7 triệu USD. Còn đơn xin tại ngoại của ông Ng Chong Hwa đã bị một tòa án ở Kuala Lumpur bác. 

Thẩm phán Edwin Paramjothy Michael Muniandy cho biết, đã bác đơn xin tại ngoại của ông Ng Chong Hwa, vì lo ngại người này sẽ bỏ trốn qua đường hàng không. Và sự hiện diện của cựu lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs tại tòa án mỗi khi triệu tập không được đảm bảo nếu ông Ng Chong Hwa được tại ngoại. Được biết, để tại ngoại, ông Ng Chong Hwa sẽ phải trả số tiền bảo lãnh 239.000 USD. 

Theo giới truyền thông, Washington đang tìm cách dẫn độ ông Ng Chong Hwa về Mỹ để xét xử bởi họ có thể thực hiện điều này sau khi Malaysia hoàn tất thủ tục pháp lý đối với cựu lãnh đạo Goldman Sachs. 

Ông Tim Leissner và ông Ng Chong Hwa bị cáo buộc lạm tiêu 2,7 tỷ USD từ trái phiếu của 1MDB để hối lộ quan chức Malaysia, nhằm giành quyền tư vấn quỹ này với Goldman Sachs. Nhưng theo đại diện của Goldman Sachs, một số quan chức trong chính quyền của cựu Thủ tướng Malaysia Rajak Najibvà Quỹ 1MDB đã "lừa dối" họ trong việc sử dụng số tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu kể trên.

Tờ Financial Times từng dẫn tuyên bố của ông Lim Guan Eng, Bộ trưởng Tài chính Malaysia - muốn Goldman Sachs bồi thường 7,5 tỷ USD vì vụ bê bối tại Quỹ 1MDB. "Chúng tôi không chỉ xem xét các chi phí và khối lượng phát hành trái phiếu, mà còn nhắm tới một khoản tiền lớn hơn", ông Lim Guan Eng nói với tờ Financial Times. 

Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng được đưa ra sau phát biểu của cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim, người được coi sẽ kế nhiệm Thủ tướng Mahathir Mohamad - Goldman Goldman phải đền bù thêm, ngoài số tiền 600 triệu USD đã nhận khi làm việc cùng Quỹ 1MDB. 

Bộ trưởng Tư pháp Tommy Thomas cho rằng, cơ quan công tố sẽ truy lại các loại phí "vượt mức" trong 600 triệu USD cùng 2,7 tỷ USD do người của Goldman Sachs tham ô từ Quỹ 1MDB. 

Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng cáo buộc Goldman Sachs "lừa đảo" Malaysia trong giao dịch với Quỹ 1MDB. "Có bằng chứng cho thấy, Goldman Sachs đã hành động không đúng. Rõ ràng chúng tôi đã bị lừa do sự đồng lõa của các nhân viên Goldman Sachs", Thủ tướng Mahathir Mohamad nói với kênh truyền hình CNBC. 

Thủ tướng Mahathir Mohamad vừa thông báo, một tòa án đặc biệt sẽ được thành lập để giải quyết kịp thời và dứt điểm các vụ án tham nhũng ở nước này. Đồng thời cho biết, tòa án đặc biệt kể trên sẽ tập trung vào việc giải quyết các vụ án tham nhũng, phù hợp với Kế hoạch chốngtham nhũngquốc gia (NACP), bởi ông Mahathir Mohamad coi các vụ án tham nhũng cũng giống như những vụ án thông thường khác và chính phủ không can thiệp vào quy trình của tòa.

Tuy nhiên, vấn đề tham nhũng rất nghiêm trọng và thu hút được sự quan tâm của đa số người dân về việc xử lý, cũng như mức án đối với những kẻ tham nhũng. Do đó, chính phủ muốn tòa án đặc biệt tiến hành phiên điều trần càng sớm càng tốt. Được biết, việc thành lập tòa án đặc biệt cần 1 số điều luật và các thẩm phán tại đây phải đượcNhà Vua bổ nhiệm, trong khi tổng chưởng lý giữ quyền công tố.

Thiện Lân
.
.
.