Đằng sau vụ bắt tỉ phú Ngô Tiểu Huy

Thứ Hai, 10/07/2017, 13:33
"An toàn của các thương vụ và đầu tư ra nước ngoài là một phần quan trọng để bảo đảm các lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc. Và chúng ta phải nhấn mạnh sự lãnh đạo của đảng trong hoạt động kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài, đồng thời phải nâng cấp số liệu thống kê và giám sát các hoạt động kinh doanh-đầu tư như vậy để nâng cao quản lý", đây là lần đầu tiên Trung Quốc ban hành sắc lệnh và nói rõ về hoạt động đầu tư ra nước ngoài với an ninh quốc gia.


Sắc lệnh được ban hành hôm 26-6 nhằm chấn chỉnh những doanh nghiệp tư nhân đã nhận các khoản vay khổng lồ rồi rót tiền vào các thương vụ mua lại ở hải ngoại. Động thái kể trên diễn ra sau khi tỉ phú Ngô Tiểu Huy bị bắt hôm 13-6 và Tập đoàn Bảo hiểm Anbang do ông sáng lập thông báo "tỉ phú này rời cương vị Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn vì lý do cá nhân".

Ngày 15-6, hãng Bloomberg tiết lộ, một số ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã được lệnh ngừng hợp tác với Tập đoàn Bảo hiểm Anbang sau khi tỉ phú Ngô Tiểu Huy bị bắt.

Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang Ngô Tiểu Huy.

Nhiều người cho rằng, vụ bắt tỉ phú Ngô Tiểu Huy đang khiến cho hơn 30.000 nhân viên và hơn 320 tỉ USD (có tài liệu nói 242 tỉ USD) của Tập đoàn Bảo hiểm Anbang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Tỉ phú Ngô Tiểu Huy trở thành lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất từ trước đến nay bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng "đả Hổ, diệt Ruồi, săn Cáo". Giới chuyên môn cho rằng, giá trị của Anbang (thành lập năm 2004) đã tăng lên nhanh chóng (từ 500 triệu Nhân dân tệ lên hơn 320 tỷ USD) sau khi ông Ngô Tiểu Huy cưới cháu ruột ông Đặng Tiểu Bình.

Khi mới thành lập, Anbang chỉ là công ty bảo hiểm không ai biết tới, nhưng đã nổi danh sau những thương vụ mua lại các hãng bảo hiểm lớn ở nước ngoài như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc...

Theo thống kê, khối tài sản ở nước ngoài của Tập đoàn Bảo hiểm Anbang bao gồm khách sạn Waldorf-Astoria, tòa nhà số 717 phố Fifth Avenue nổi tiếng ở New York, chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Strategic có trụ sở ở Chicago, Công ty Bảo hiểm Fidea của Bỉ, Ngân hàng Delta Lloyd của Bỉ.

Ngoài ra, Tập đoàn Bảo hiểm Anbang còn nắm cổ phần chi phối trong Công ty Bảo hiểm nhân thọ Tongyang Life Insurance của Hàn Quốc. Nhiều người đặt câu hỏi, điều gì đã khiến tỉ phú Ngô Tiểu Huy "ngã ngựa" khi Tập đoàn Bảo hiểm Anbang được tờ Financial Times coi là một trong những hãng có thế lực và giàu nhất Trung Quốc?

Ngày 14-6, tờ The Wall Street Journal cho biết, một đội điều tra đặc biệt đã bắt tỉ phú Ngô Tiểu Huy. Đội này thuộc Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương, có kết hợp với cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế.

Còn theo tờ New York Times, lý do tỉ phú Ngô Tiểu Huy bị bắt bởi ông dám thách thức những quy định bất thành văn dành cho giới làm kinh tế Trung Quốc, cũng như bỏ qua những nhắc nhở của giới quản lý. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức về việc tỉ phú Ngô Tiểu Huy đã bị bắt vì tội gì.

Tập đoàn Bảo hiểm Anbang trị giá hơn 320 tỉ USD của tỉ phú Ngô Tiểu Huy đã tiến hành nhiều thương vụ ở nước ngoài, trong đó đáng quan tâm có vụ mua khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở New York, Mỹ.

Bởi các hãng bảo hiểm New York bàng hoàng sau khi khách sạn Waldorf Astoria được bán cho Tập đoàn Bảo hiểm Anbang năm 2014. Theo giới truyền thông, Anbang nổi tiếng trong giới đầu tư phương Tây - là đối thủ đầy sức cạnh tranh trong việc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Ngô Tiểu Huy chơi thân với Jonathan Gray, người phụ trách toàn cầu về bất động sản của Tập đoàn Blackstone - quỹ đầu tư cổ phần tư nhân khổng lồ của Mỹ. Trong một số thương vụ gần đây của Anbang có vụ mua lại tài sản từ Blackstone. Giới chuyên môn đang bàn luận về thương vụ bất thành giữa tỉ phú Ngô Tiểu Huy với Jared Kushner, con rể Tổng thống Donald Trump - bị hủy hồi tháng 3-2017.

Theo giới truyền thông, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế hoạt động thu mua ở hải ngoại từ cuối năm 2016 để tăng cường kiểm tra giám sát các thỏa thuận đầu tư ở nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Thương mại, kim ngạch đầu tư ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2017 của Trung Quốc giảm 53% so với năm ngoái. Giới chuyên môn cho rằng, có một số công ty bị nghi ngờ đã chuyển vốn ra nước ngoài, và rất khó để xác định một thỏa thuận đầu tư là thương vụ kinh doanh hợp pháp, hay chỉ là cách che giấu dòng tiền ở hải ngoại.

"Mối quan ngại thực sự đến từ một số khoản đầu tư không có sự hỗ trợ bằng tài sản và thiếu năng lực tài chính, và điều này có thể cấu thành rủi ro mang tính hệ thống cho nền kinh tế Trung Quốc", ông Lester Ross, đối tác quản lý ở hãng luật Wilmer Hale (Mỹ) tuyên bố.

Mạnh Phong
.
.
.