Đằng sau vụ cách chức Cảnh sát trưởng Thành phố Paris

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:34
Quyết định cách chức Cảnh sát trưởng thành phố Paris Michel Delpuech đang tạo ra những phản ứng khác nhau. Bởi việc này diễn ra sau khi bạo lực leo thang nghiêm trọng trong đợt biểu tình lần thứ 18 của phong trào "Áo vàng", diễn ra hôm 16-3. Và Chính phủ Pháp cũng thừa nhận, các biện pháp an ninh được triển khai thời gian qua, đặc biệt tại thủ đô Paris, chưa đáp ứng được yêu cầu.


Theo thông báo của Thủ tướng Edouard Philippe, Cảnh sát trưởng vùng Nouvelle-Aquitaine, ông Didier Lallement, bắt đầu đảm nhiệm vị trí Cảnh sát trưởng Paris từ ngày 20-3. Và người tiền nhiệm Michel Delpuech bị sa thải vì bị cáo buộc không triển khai phù hợp các biện pháp an ninh mà chính phủ yêu cầu - phải ngăn chặn tình trạng bạo lực, đập phá bên lề các cuộc biểu tình "Áo vàng".

Cảnh sát Paris bị chỉ trích vì không kiểm soát được tình hình dù có lực lượng đông đảo hơn nhiều so với người biểu tình. Cảnh sát trưởng Paris Michel Delpuech bị mất chức vì để lực lượng an ninh sử dụng súng bắn đạn cao su "không thích hợp". Thủ tướng Edouard Philippe cũng xác nhận, không xem xét việc từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner. Được biết, ngày 19-3, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner phải điều trần trước 2 ủy ban của Thượng viện vì để xảy ra "sự cố hôm 16-3".

Những kẻ biểu tình cực đoan mang mặt nạ đen phá hoại trên đường phố Paris.

"Đây không phải là những người biểu tình mà là những kẻ nổi loạn, tập hợp dưới dạng các nhóm mặt nạ đen, mục tiêu duy nhất của họ là cướp bóc, phá hoại, đốt cháy và làm người khác bị thương, và trong khi đốt phá, họ còn có nguy cơ giết người. Đây là những hành động tội phạm, chính phủ phải đáp trả mạnh mẽ", Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố.

Và việc này diễn ra sau cuộc họp quan trọng giữa Thủ tướng Edouard Philippe với Tổng thống Emmanuel Macron, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư Pháp hôm 18-3. Theo giới truyền thông, khoảng 5.000 cảnh sát được triển khai tại thủ đô Paris hôm 16-3 để đối phó với hàng nghìn người biểu tình "Áo vàng" và hàng trăm người nổi loạn mang mặt nạ đen đập phá, cướp bóc trên đại lộ Champs-Elysees.

Cảnh sát xác nhận, trong số 10.000 người tham gia biểu tình hôm 16-3, có khoảng 1.500 kẻ quá khích. Tính đến nay, khoảng 200 đối tượng quá khích đã bị bắt. Theo thống kê, hơn 100 cửa hàng bị đập phá, thiệt hại, trong đó có những nhà hàng sang trọng trên đại lộ Champs Elysees.

Nhiều cửa hàng bị đột nhập và lấy trộm đồ trong cuộc bạo lực hôm 16-3. Được biết, lực lượng cảnh sát hoàn toàn bị đám đông biểu tình lấn át và không thể ngăn chặn các hành động bạo lực, phá hoại và những thiếu sót này cần được điều chỉnh ngay.

Hành động của người biểu tình "Áo vàng" cùng phản ứng của cảnh sát Paris đã khiến Tổng thống Emmanuel Macron phải rút ngắn kỳ nghỉ trượt tuyết của mình để triệu tập gấp cuộc họp với các thành viên chính phủ, thảo luận về làn sóng biểu tình kéo dài từ hôm 17-11-2018 đến nay. Và Chính phủ Pháp đã thống nhất thông qua hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực tái bùng phát bên lề các cuộc biểu tình "Áo vàng".

Theo đó, tăng tiền phạt từ 38 euro lên 135 euro đối với những người tham gia các cuộc biểu tình trái phép; tăng mức hỗ trợ cho những chủ cửa hàng, cửa hiệu bị cướp bóc, phá hoại trong cuộc biểu tình. Chính quyền sẽ cấm các cuộc biểu tình diễn ra (đại lộ Champs Elysees ở Paris, quảng trường Pey-Berland ở Bordeaux và quảng trường Capitole ở Toulouse), nếu phát hiện trong đó có những kẻ gây bạo lực.

Và để siết chặt việc đảm bảo an ninh trật tự, các đơn vị phản ứng nhanh sẽ được chuyển thành lực lượng chống quá khích. "Bắt đầu từ thứ 7 tới, chúng tôi sẽ cấm biểu tình Áo vàng tại các khu lân cận bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngay sau khi phát hiện sự hiện diện của các nhóm quá khích có ý định phá hoại", tờ The Guardian dẫn lời ông Edouard Philippe.

Theo dự kiến, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đưa ra kết luận vào trung tuần tháng 4 và thông báo về phương hướng hành động của chính phủ trong thời gian tới. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire ước tính, làn sóng biểu tình có thể khiến tăng trưởng kinh tế Pháp giảm tới 0,2%.

Pháp đã thông qua dự luật thành lập văn phòng công tố quốc gia về chống khủng bố - sẽ đi vào hoạt động muộn nhất vào ngày 1-1-2020. Đây là cải cách tư pháp then chốt để tăng cường năng lực ứng phó của Pháp trước nguy cơ xảy ra các vụ tấn công. Bộ trưởng Tư pháp Nicole Belloubet cho biết, với chức năng và thẩm quyền của mình, văn phòng mới sẽ là công cụ sắc nhọn giúp các lực lượng chức năng Pháp đối phó với mọi nguy cơ khủng bố hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết. Bởi là quốc gia có đông nhất cộng đồng người Hồi giáo ở châu Âu, Pháp vẫn phải duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao nhất sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố, trong đó các tay súng Hồi giáo và đối tượng tấn công bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan của IS đã giết hại gần 250 người.
Mạnh Phong
.
.
.