Đằng sau vụ tấn công lính gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Thứ Năm, 31/01/2019, 20:43
"Lực lượng MINUSMA đã phản ứng mạnh và một số kẻ tấn công đã bị giết", trích tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc, sau khi ông Antonio Guterres biết tin về vụ tấn công tại miền Bắc Mali, khiến ít nhất 10 binh sỹ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc người Chad thiệt mạng.

Và hãng Reuters vừa cho biết, nhóm thánh chiến Hồi giáo Nusrat al-Islam (có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 20-1. 

Trong tuyên bố trên mạng xã hội Telegram, đại diện Nusrat al-Islam cho biết, vụ tấn công kể trên là hành động đáp trả việc Tổng thống Chad Idriss Deby khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chính quyền Mali "nỗ lực hết sức trong việc xác định" những kẻ tấn công để chúng có thể bị đưa ra công lý càng sớm càng tốt. 

Hơn 3 tháng trước (27-10-2018), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công nhằm vào Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA). 

Bởi hôm 27-10-2018, một vụ tấn công đã xảy ra ở khu vực Ber thuộc vùng Timbuktu, khiến 2 binh sỹ Burkina Faso thuộc MINUSMA thiệt mạng và 11 người bị thương. Cùng thời điểm này, 4 binh sỹ người Togo thuộc MINUSMA đã bị thương trong vụ tấn công ở khu vực Konna và Mopti.

Binh lính Pháp tại Mali.

Theo giới truyền thông, ngoài 10 lính gìn giữ hòa bình chết kể trên còn có 25 người bị thương trong vụ tấn công nhằm vào doanh trại của MINUSMA ở làng Aguelhok, thuộc vùng Kidal. Và bức tường tưởng niệm các binh sĩ MINUSMA ngã xuống lại phải bổ sung thêm nhiều cái tên. Người đứng đầu MINUSMA tại Mali, ông Mahamat Saleh Annadif cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công. 

"Cuộc tấn công liên hoàn và hèn nhát này cho thấy, những kẻ khủng bố quyết tâm tìm cách gieo rắc hỗn loạn. Điều này đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ, ngay lập tức và phối hợp từ các lực lượng để tiêu diệt các mối đe dọa của khủng bố ở Sahel", ông Mahamat Saleh Annadif nhấn mạnh. Và vụ tấn công hôm 20-1 có thể khiến Mali trở thành điểm đến đầy chết chóc mới của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. 

Trước đó (tháng 4-2018), doanh trại của MINUSMA cũng từng bị tấn công khiến 2 nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thiệt mạng và nhiều người bị thương. 

17 tháng trước (tháng 8-2017), 5 nhân viên MINUSMA, 1 thành viên của lực lượng Cảnh sát quốc gia Mali và 1 nhà thầu dân sự làm việc cho MINUSMA đã bị sát hại trong vụ tấn công vào trụ sở MINUSMA ở Timbuktu. 

Sau đó (tháng 11-2017), 4 nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và 1 binh sĩ Mali đã thiệt mạng (21 người bị thương) trong các vụ tấn công. Giới truyền thông từng cảnh báo, khu vực Sahel (bao gồm các nước Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal, Burkina Faso, Cộng hòa Chad, Sudan và Eritrea) đã trở thành điểm nóng bạo lực sau khi miền Bắc Mali rơi vào vòng kiểm soát của các nhóm thánh chiến liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Có hơn 15.000 nhân viên MINUSMA (13.289 quân nhân và 1.920 nhân viên an ninh) đã được triển khai tới Mali sau khi phiến quân Hồi giáo đánh chiếm miền Bắc quốc gia Bắc Phi này 7 năm trước (2012-2019). 

Được biết, nhờ sự hỗ trợ của Pháp, quân đội Mali đã đẩy lùi được phiến quân Hồi giáo (2013), và 4 năm trước (2015-2019), Chính phủ nước này và các nhóm vũ trang ở Mali đã ký thỏa thuận hòa bình, nhưng các vụ bạo lực do phiến quân Hồi giáo thực hiện vẫn diễn ra. 

Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) từng kêu gọi (tháng 8-2018) các bên liên quan tại Mali kiềm chế sau khi ứng cử viên Soumaila Cisse của phe đối lập tuyên bố không công nhận kết quả vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. 

Bởi trước khi kết quả sơ bộ của vòng bỏ phiếu trực tiếp giữa Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, 73 tuổi, và cựu Bộ trưởng Tài chính Soumaila Cisse, 68 tuổi được công bố, lãnh đạo phe đối lập đã tuyên bố, không công nhận kết quả cuộc bầu cử vì có dấu hiệu bị can thiệp bởi bạo lực, tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp và tình trạng gian lận.

Hơn 3 tháng trước (25-10-2018), Chính phủ Mali đã quyết định kéo dài thêm 1 năm tình trạng khẩn cấp vốn được thiết lập (hạ tuần tháng 11-2015) sau cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako, khiến 20 người thiệt mạng hôm 22-11-2015. 

Dư luận hy vọng, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố, cũng như tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội. 

Hơn 4 tháng trước (26-9-2018), 7 binh sỹ và 1 lái xe đã thiệt mạng tại miền Trung bất ổn của Mali khi xe của họ va trúng bom. Các binh sỹ kể trên gặp nạn khi đang hộ tống đoàn xe của Bộ Quốc phòng. Trước đó (25-9-2018), ít nhất 12 người đã chết trong vụ tấn công do các tay súng tiến hành cách thành phố Menaka 45km về phía Tây. 

Phạm Huy Anh
.
.
.