Đằng sau vụ trao đổi con tin giữa Pháp và Iran

Chủ Nhật, 19/04/2020, 12:11
Sau những cuộc thương thuyết kéo dài hơn 9 tháng, cuối tháng 3 vừa qua, Iran và Pháp cũng đạt được thỏa thuận trả tự do cho nhà xã hội học Roland Marchal, một chuyên gia nổi tiếng về châu Phi.


Dẫu rằng trên các thông báo chính thức của cả hai bên không đề cập đến, trên thực tế đây là một vụ “trao đổi con tin” giữa hai nước, Iran thả Roland Marchal để đổi lấy tự do cho một kỹ sư người Iran bị bắt tại Pháp và có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Những lời buộc tội mơ hồ

Ngày 21/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã phát đi một thông báo cho biết phía Iran đã đồng ý phóng thích Roland Marchal và ông này sẽ được trở về Pháp trong cùng ngày. 

Roland Marchal, 64 tuổi, nhà xã hội học, một chuyên gia về châu Phi Nam Sahara, làm việc tại CERI-Science Po (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế - Viện Khoa học Chính trị) đã bị bắt giữ ngày 5/6/2019 khi vừa đến sân bay Imam-Khomeyni ở Tehran. 

Ông đến Iran với mục đích thăm viếng cá nhân nhà nhân chủng học Fariba Adelkhah, bạn đồng nghiệp tại CERI, người đang tiến hành một số nghiên cứu trên thực địa về Hồi giáo Shia tại đây. 

Roland Marchal bị kết tội “đồng lõa với quan điểm gây nguy hại cho an ninh quốc gia”, một cáo buộc có thể dẫn tới bản án từ 2 đến 5 năm tù. Phía Iran đã dự kiến mở phiên toàn xét xử nhà nghiên cứu người Pháp này vào 3 tháng 3 năm nay, nhưng đến phút chót phiên tòa đã được hoãn lại.

Roland Marchal là một nhà xã hội học, chuyên gia về châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của Viện Khoa học Chính trị (Sciences Po).

Vài giờ trước khi Macron ra thông báo tin Roland Marchal được phóng thích, nước Pháp đã thả Jalal Rohollah Nejad, một kỹ sư người Iran bị bắt giữ ở Nice từ ngày 2/2/2019 theo yêu cầu của Mỹ. 

Viên kỹ sư chuyên ngành về sợi quang học này bị tố cáo đã vi phạm lệnh cấm vận chống Iran khi tìm cách chuyển về Iran những thiết bị để sử dụng trong lĩnh vực quân sự.

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra những vụ trao đổi con tin theo kiểu này giữa Pháp và Iran. Tháng 7/2009, nước Pháp đã chấp nhận thả Ali Vakili Rad, sát thủ người Iran, kẻ đã ám sát Chapour Bakhtiar, cựu Thủ tướng Iran dưới thời vua 1411Pahlavi để đổi lấy tự do của Clotilde Reiss, nữ sinh viên Pháp, bị bắt giữ và sau đó bị quản thúc trong 11 tháng ở Tehran. 

Trước đó, tháng 7/1990, Tổng thống Francois Mitterrand cũng đã ra lệnh ân xá cho Anis Naccache, người Lebannon và bốn thành viên khác của nhóm biệt kích đã mưu sát (không thành) Chapour Bakhtiar để đổi lấy tự do cho những con tin người Pháp cuối cùng lúc đó vẫn còn đang bị giam giữ ở Lebannon bởi các nhóm phiến quân hồi giáo thân Iran.

Roland Marchal: "Iran - một đất nước có hai gương mặt"

Ngày 13/4 vừa qua, Roland Marchal đã có một cuộc trò truyện với phóng viên báo Le Point của Pháp. Nội dung cuộc nói truyện xoay quanh những sự kiện cũng như những cảm nhận, đánh giá của nhà khoa học này về đất nước Iran sau khi đã ngồi tù 9 tháng ở đó.

Roland Marchal kể lại cho phóng viên Le Point rằng, trong các cuộc thẩm vấn, ông nhận thấy rằng những vệ binh cách mạng luôn tỏ ra rất thích thú khi thấy rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran đã bị đổ vỡ.

Jalal Rohollah Nejad, kỹ sư người Iran bị bắt tại Pháp tháng 2/2019 với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ khi tìm cách chuyển những thiết bị kỹ thuật có mục đích quân sự về Iran.

Khi được phóng viên báo Le Point hỏi về những tội trạng mà Iran đã gán cho ông, Roland Marchal cho biết rằng, trong con mắt của những vệ binh cách mạng hồi giáo, tất cả những nhà nghiên cứu Pháp đều là gián điệp. 

Chẳng hạn, họ tố cáo ông đã chuyển cho Fariba một tài liệu về Hezbollah, nhưng trên thực tế đó chỉ là một bài báo công bố rộng rãi trên Internet mà ông đọc được và chuyển cho Fariba để làm tư liệu. Fariba Adelkhah, đồng nghiệp của ông cũng bị kết tội vì đã tham dự vào một hội thảo khoa học về những nhà cải cách Iran tại đại học Columbia của Mỹ. 

Theo Marchal, dường như những người thẩm vấn ông không hiểu gì về những công việc diễn ra trong môi trường học thuật. Một lý do nữa giải thích cho việc ông bị Iran bắt giữ, đó là việc gần đây Mỹ đã bắt giữ rất nhiều nhà khoa học quốc tịch Iran hay quốc tịch kép Mỹ-Iran, vì thế hành động bắt ông được Iran xem như là một sự trả đũa thích đáng.

Chín tháng bị giam trong nhà tù của Iran cũng giúp cho Roland Marchal nhận ra nhiều điều mà trước đây ông chưa hề biết về đất nước Iran, đó là tình trạng “lưỡng phân” giữa những không gian công cộng và không gian riêng tư và điều làm cho lực lượng vệ binh cách mạng hiện nay đang lo lắng nhất, đó là việc thế hệ trẻ của đất nước này ngày càng lánh xa tôn giáo, một tôn giáo được xác lập như ý thức hệ nhà nước.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.