Đánh tội phạm băng nhóm ở TP HCM

Thứ Ba, 10/11/2020, 16:54
Quán triệt chỉ đạo của Bộ Công an, trong những năm qua Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an các quận, huyện và các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tập trung triệt phá các tổ chức tội phạm...

TP HCM là điểm đến của nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức từ khắp nơi đổ về. Nếu như trước kia, các băng nhóm tội phạm ẩn náu ở các khu nhà ổ chuột, quanh các bến xe, nhà ga, công viên… và kiếm sống bằng “nghề” trộm cắp, cướp bốc thì nay chúng sống trong các khu biệt thự, chung cư cao cấp và khoác lên mình cái “mác” của những người thành đạt, doanh nhân, người buôn bán… Nhưng thực chất chỉ là bình phong để chúng hoạt động bài bạc, bảo kê, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê…

Hàng loạt băng nhóm bị triệt xóa

Nguyễn Bá Mẽ (SN 1987) đến từ tỉnh Bắc Giang, còn “đối tác” của y là N.V.B là giám đốc của một công ty chuyên về mua bán tài sản, cầm đồ có trụ sở đặt tại TP Thái Nguyên. Để hình thành đường dây cho vay nặng lãi hoạt động tại TP HCM, Mẽ và B. góp hùn vốn 3 tỷ đồng rồi thuê mặt bằng ở quận Bình Tân mở tiệm cầm đồ làm bình phong và giao cho Mẽ quản lý.

Để chống gian lận, B. đưa 5 “lính” ruột của mình theo Mẽ vào Nam để cùng vừa hoạt động cho vay, vừa kiểm tra sổ sách, giấy tờ với mức lương từ 10-15 triệu đồng/người/tháng. Thi thoảng B. mới vào TP HCM để nắm bắt tình hình, ăn chơi vài ngày rồi quay lại Thái Nguyên. 

Lúc Mẽ và 5 đồng bọn bị bắt, ngoài hồ sơ giấy tờ liên quan đến cho vay lãi nặng, cơ quan Công an còn thu 1 súng rulo, 3 áo giáp, 13 mã tấu, 1 dao tự chế, 21 ống tuýt sắt cắt nhọn và ma túy. Mẽ khai mua “hàng nóng” để phòng thân, còn ma túy để Mẽ sử dụng khi đi chơi ở quán bar, vũ trường.

Cũng giống như băng nhóm của Mẽ, băng nhóm do Phạm Ngọc Hùng (SN 1976) cầm đầu đến từ Hà Nội. Hùng thuê căn nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) rồi cùng 5 đồng bọn hoạt động tín dụng đen từ đầu năm 2019 tại nhiều địa bàn khác nhau tại TP HCM. Hàng ngày Hùng cử các “đệ tử” đi phát tờ rơi hoặc dán ở các cột điện để quảng cáo “cho vay tín chấp, lãi suất thấp, giải ngân trong ngày”. 

Tuy nhiên, khi người có nhu cầu tìm đến, chúng “hét” với mức lãi suất từ 20-30%, nhưng do quá bí bách nên không ít người chấp nhận vay và thế chấp CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký xe… Kiểm tra nơi ở của Hùng, cơ quan Công an thu giữ gồm 6 bịch ma túy dạng viên, 0,5gram ma túy dạng bột, 1 súng rulo cùng 4 viên đạn, 1 còng số 8, 1 roi điện, 1 dùi cui và hàng trăm bộ hồ sơ cho vay.

Một băng nhóm tội phạm có tổ chức bị Công an bắt giữ.

Theo Công an TP HCM, trên địa bàn có gần 600 đối tượng có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Đồng hành cùng số người này là hàng ngàn kẻ đòi nợ thuê hành xử theo “luật rừng” hoặc núp bóng dưới danh nghĩa các công ty đòi nợ thuê hoạt động có giấy phép. Hầu hết các đối tượng này đều đến từ các tỉnh, thành khác mà nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc.

Một băng tội phạm hoạt động có tổ chức quy mô lớn khác cũng bị Phòng CSHS, Công an TP HCM triệt phá là băng nhóm lừa hơn 100 cô gái bị bán vào động mại dâm trá hình, massage kích dục, karaoke ôm… trên địa bàn TPHồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Các đối tượng trong băng nhóm tạo nhiều tài khoản Facebook, Zalo và đăng thông tin trên các trang mạng để tuyển nhân viên làm việc cho các nhà hàng, karaoke, massage, cà phê với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng.

Khi nạn nhân đồng ý các đối tượng này xin hình ảnh cùng thông tin về tuổi tác, chiều cao, cân nặng, số đo các vòng rồi gửi thông tin cho Đỗ Văn Tuấn (SN 1992, quê quán Thanh Hóa) chọn lọc. Sau khi chọn được người ưng ý, Tuấn chuyển thông tin cho các chủ cơ sở kinh doanh tệ nạn để đặt hàng, thỏa thuận giá tùy theo tuổi tác và nhan sắc. Giao kèo xong, Tuấn hẹn các cô gái đến một căn nhà nằm trên đường Hoàng Kế Viêm, phường 12, Tân Bình để… phỏng vấn. 

Gặp bất kỳ nạn nhân nào Tuấn cũng đưa ra viễn cảnh màu hồng, đó là công việc nhẹ nhàng, chỉ cần ngồi chơi với khách làm kiếm thu thập từ 20-50 triệu đồng. Nghe mùi tai nên hầu như không có nạn nhân nào từ chối mặc dù phí môi giới được đưa ra là từ 3-10 triệu đồng/người. Thỏa thuận xong, Tuấn hẹn các cô gái ngày đi làm rồi cùng đồng bọn là Phan Phước Thiện (SN 1994; quê Quảng Nam) và Nguyễn Huy Hoàng (SN 1998) thuê ôtô đưa các cô gái đi bán dâm.

Về phía các chủ cơ sở, sau khi tạm ứng tiền cho các nạn nhân để trả cho môi giới sẽ buộc các cô làm giấy mượn nợ rồi thu giấy tờ tùy thân và coi nạn nhân như “nô lệ” của mình. Qua thời gian theo dõi, nếu như cô nào chấp nhận làm việc, ngoan ngoãn nghe lời thì người chủ sẽ thả lỏng hơn, bằng ngược lại sẽ bị giam cầm, đánh đập. 

Để tận thu, chủ cơ sở ban hành nội quy hà khắc, khiến các cô luôn bị phạt gần hết số tiền mà mình “làm quần quật” cả ngày. Ngoài ra, họ còn tổ chức bán vật dụng cá nhân, thức ăn nước uống với cái giá cắt cổ để “nuốt” hết số tiền mà các cô làm ra. Có nạn nhân làm trong quán cà phê trá hình ở Đồng Nai, mỗi ngày phải tiếp hơn chục lượt khách nhưng chẳng dư giả đồng nào mà nợ (tiền môi giới) thì vẫn còn đó.

Song hành cùng thủ đoạn gây án táo tợn, các băng nhóm tội phạm có tổ chức còn giữ kỷ lục về số vụ phạm pháp mà chúng gây ra. Điển hình là băng nhóm 18 đối tượng chuyên giăng bẫy khách mua dâm để trộm tài sản. 

Ba đối tượng cầm đầu đường dây này là Lương Phạm Hồng Quân (tự Quân mập, 42 tuổi, quê Tiền Giang), Nguyễn Thành Ngân (40 tuổi, quê Tây Ninh) và Nguyễn Anh Tuấn, tự Tuấn mụn (ngụ quận Gò Vấp) dùng vợ hoặc người yêu của chính mình và các thành viên trong nhóm để đóng giả gái bán dâm đứng đường trên các tuyến quốc lộ. Khi tìm được con mồi, “gái mại dâm” sẽ đưa đến ngôi nhà do chúng thuê sẵn để “vui vẻ”.

Để trộm tài sản của khách làng chơi, trong căn nhà thuê, chúng thiết kế 2 phòng liền kề có khoét một lỗ vách rộng 60 x 60cm đủ để một người chui lọt qua phía dưới gầm giường. Theo kịch bản sắp sẵn, khi kẻ đóng gái mại dâm đưa khách vào sẽ cởi quần áo khách để ngay bục gỗ gần lỗ thông qua. Ngay tức khắc đồng bọn ở phòng phía bên kia âm thầm chui qua lấy sạch tài sản bỏ trong túi quần áo rồi rút lui. 

Nhận ám hiệu, biết đồng bọn đã lấy xong tài sản, kẻ đóng giả gái mại dâm viện cớ này nọ để rời căn nhà. Bắt giữ và khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an thu giữ 1 xe ôtô, 9 xe gắn máy, 41 điện thoại các loại, 2 khẩu súng bắn đạn bi và đạn cao su, 14 viên đạn cao su, 1 cây gậy ba khúc, 1 còng số 8 cùng một số giấy tờ khác. Bọn chúng khai không nhớ hết số vụ trộm cũng như tài sản mà mình chiếm đoạt trong nhiều năm qua, riêng điện thoại di động chúng ước lượng là khoảng… 1.000 chiếc.

Các đối tượng trong băng nhóm TPCTC bị bắt giữ cùng tang vật.

Cần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân

Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt đề án “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025.

Quán triệt chỉ đạo của Bộ Công an, trong những năm qua Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo Công an các quận, huyện và các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nhà hàng, vũ trường, các dịch vụ vui chơi công cộng… Quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng không để hình thành cộng đồng người cư trú trái phép dẫn đến hoạt động vi phạm pháp luật. Tập trung triệt phá các tổ chức tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí “nóng”; tội phạm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê.

Đặc biệt, Công an TP HCM còn áp dụng phương thức đấu tranh phòng, chống tội phạm khá mới đó là không hạn chế trong việc phát hiện, triệt phá các loại tội phạm ngoài nhiệm vụ đã phân công. Theo đó, Cảnh sát hình sự có thể phá án khủng bố, ma túy; Cảnh sát phòng chống ma túy có thể triệt phá trường gà, ổ đánh bạc… 

Vì theo quan điểm của lãnh đạo Công an TP HCM các loại tội phạm này đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Như trong vụ án khủng bố ở phường 13, Tân Bình do Phòng Cảnh sát hình sự làm chủ công khám phá án thì các đối tượng đồng phạm với kẻ cầm đầu Nguyễn Khanh đều là đối tượng hình sự bị lôi kéo. Vụ khám phá trường gà trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5) do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thực hiện, các đối tượng tham gia sát phạt khá nhiều người là con nghiện, kẻ buôn ma túy…

Mặc dù quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, nhưng từ thực tiễn cho thấy các băng nhóm thường hoạt động trong một thời gian dài mới bị xóa sổ. Nguyên nhân, bên cạnh công tác quản lý địa bàn ở một số nơi chưa làm tốt còn có sự “giúp sức” của nạn nhân. 

Như các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, nếu không có những người vì bài bạc, ma túy… sẵn sàng vay với mức lãi suất “cắt cổ” để thỏa cơn nghiền thì loại tội phạm này đã không có “đất” để kiếm ăn… Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả, rất cần mỗi người dân  tuân thủ pháp luật, không tiếp tay cho tội phạm.

Mã Hải
.
.
.