Đảo Guam lãnh thổ chiến lược của Mỹ

Thứ Ba, 12/09/2017, 15:32
CHDCND Triều Tiên gần đây đe dọa sẽ bắn tên lửa vào đảo Guam, thuộc lãnh thổ Mỹ. Ðối với nhiều người Mỹ, đây là lần đầu tiên một hòn đảo nhỏ xa xôi ở Tây Thái Bình Dương bước vào ý thức của họ. Nhưng Guam ở đâu, làm sao Mỹ có được nó và tại sao Triều Tiên lại muốn tấn công nó?


Hòn đảo giữa hư không

Guam nằm ở khu vực Thái Bình Dương có thể được mô tả như là "giữa hư không". Guam nằm cách Philippines khoảng 2.490 km và cách Nhật Bản khoảng 2.600 km, là một phần của quần đảo núi lửa Mariana dài 800 km. Guam là đảo lớn nhất trong 15 hòn đảo Mariana. Tuy nhiên, với diện tích khoảng 543 km2, hòn đảo này chỉ bằng một nửa kích thước của Los Angeles. Vào năm 2016, hòn đảo này có dân số khoảng 162.000 người.

Đây là hòn đảo nổi tiếng với những bãi biển cát trắng và rãnh Mariana, rãnh đại dương sâu nhất trên hành tinh. Chuỗi đảo này được hình thành khoảng 60 triệu năm trước. Đến nay, nó đã được thủy triều bồi đắp và có hàng triệu hòn đá vôi và rạn san hô hình thành từ xương của động vật thân mềm và các loài sinh vật biển giàu canxi khác. Hòn đảo này cũng là nơi sinh sống của nhiều loài độc nhất vô nhị, chẳng hạn như loài chim koko không bay, loài cá cực nhỏ Damselfish và cây Serianthes.

Tách biệt với thế giới

Những người Chamorro, có tổ tiên ban đầu từ Đông Nam Á, đã chiếm chuỗi đảo khoảng 4.000 năm. Nhưng người bản xứ gốc ở đảo Guam là người Austronesian. Các dẫn chứng về ngôn ngữ cho thấy họ có quan hệ gần gũi nhất với người dân Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên, qua nhiều năm cai trị của thời thuộc địa, người Chamorro đã trộn lẫn với người dân từ Tây Ban Nha, Đức, Philippines, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Người châu Âu đầu tiên tiếp xúc với những người ở khu vực này của Thái Bình Dương là nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan vào năm 1521, khi ông đặt chân lên đảo. Magellan đã tìm được các hòn đảo “gia vị” của Moluccas. Trước đó, ông và các nhà thám hiểm đồng hành ở trên những chiếc tàu không được trang bị đầy đủ và không biết gì về việc câu cá trên biển làm thức ăn, họ sống sót bằng cách lấy mùn cưa hun khói cho chuột chạy ra và bắt ăn thịt.

Khi các nhà thám hiểm đổ bộ lên đảo Guam, họ bị bao vây bởi các Proa - những chiếc thuyền buồm kiểu dáng đẹp và linh hoạt của những người Chamorro địa phương. Trong cuộc đụng độ, người của Magellan đã bắn nỏ và giết chết một số người Chamorro địa phương, còn người Chamorro đã đánh cắp một chiếc xuồng của họ, buộc họ phải rời đi. Nhưng họ trở lại vào ngày hôm sau để lấy lại chiếc xuồng. Trong quá trình này, họ đã đốt cháy một số làng mạc và giết chết thêm 8 người Chamorro, trước khi lấy thêm một ít đồ dùng và bỏ đi.

Trong suốt 100 năm tiếp theo, có rất ít người liên lạc với các thủy thủ châu Âu, bao gồm các tàu của Tây Ban Nha cập cảng khoảng 1 lần/năm trước khi chuyển tới Acapulco, trên bờ biển Thái Bình Dương của Mexico. Tuy nhiên, năm 1668, người Tây Ban Nha đã chiếm đóng đảo và đưa một số nhà truyền giáo đến đây.

Mỹ - Nhật Bản giành giật

Trong vài thế kỷ qua, Guam đã bị quân đội của các cường quốc từ Tây Ban Nha đến Đức, Nhật Bản rồi Mỹ chiếm đóng. Sự thống trị quân sự liên tục này có thể một phần do địa lý và vị trí độc đáo của hòn đảo. Đây là hòn đảo lớn nhất ở Micronesia và là hòn đảo cao nhất trong vùng lân cận, có một số bến cảng an toàn và nhiều sân bay, khiến nó trở thành một căn cứ chiến lược quân sự quan trọng. 

Ngoài ra, Guam nằm ở vị trí tương giao thương mại và dòng hải lưu Xích đạo, có nghĩa là trong nhiều thế kỷ, thủy thủ có thể tận dụng gió và dòng hải lưu để có đổ bộ lên đảo, bổ sung lương thực và vật dụng hoặc nghỉ ngơi để đi tiếp đến các điểm khác.

Người Mỹ lần đầu tiên giành được Guam vào năm 1898, trong Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ. Ban đầu, nó được sử dụng như một con đường để đến Philippines, nhưng tầm quan trọng quân sự của Guam đã tăng lên khi nó trở thành kênh truyền thông chính cho đường dây điện báo kết nối giữa Mỹ với Hawaii và Philippines. 

Vào thời điểm đó, Nhật Bản là cường quốc hàng hải chủ đạo ở Thái Bình Dương và nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của mình để tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên hơn. Nhật Bản chiếm đóng đảo Saipan thuộc quần đảo Mariana. Các nhà lãnh đạo Mỹ quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh với Nhật Bản, vì thế họ muốn tăng cường quân đội ở Guam, bởi đây sẽ là một liên kết quan trọng trong nỗ lực của họ để giữ Philippines.

Mỹ đã thiết lập Luật Jim Crow trên hòn đảo này từ năm 1907, tách biệt người địa phương khỏi lính Mỹ. Luật ngăn ngừa việc kết hôn giữa người địa phương với lính Hải quân cũng có hiệu lực trong khoảng thời gian này. Guam bắt đầu sử dụng tiền tệ Mỹ năm 1909. Tuy nhiên, không ai trong số người dân địa phương có thể bỏ phiếu. Dưới sự cai trị của Mỹ, mức sống của người dân địa phương dần dần được cải thiện, ít bệnh dịch hơn và cơ hội giáo dục lớn hơn.

Ngày 8-12-1941, Nhật Bản xâm chiếm Guam, chỉ vài ngày sau khi tấn công Trân Châu Cảng. Vào thời điểm đó, có khoảng 700 người bảo vệ hòn đảo này và có rất ít các công sự quân sự khác ở đây. Sau khi quân đội Mỹ rút lui, người Nhật ngay lập tức đổi tên hòn đảo và chiếm giữ hơn 2 năm.

Sau đó, các lực lượng Mỹ đã đưa ra kế hoạch với nhiều bước đi phức tạp để thu thập các hòn đảo ở Thái Bình Dương, trong đó có Guam. Kế hoạch này lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 1-1944, với sự chinh phục ban đầu của Atm Kwajalein. 

Sự phục hồi của Guam là một phần trong một loạt bước đi nhằm lấy lại các hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương từ các lực lượng Nhật Bản, bao gồm cả việc thu hồi Saipan và Tinian, trên quần đảo Mariana, trên đường đến Philippines. Quân đội Mỹ đã lấy đảo Guam từ tay Nhật Bản trong trận Guam thứ hai, kéo dài khoảng 2 tháng và kết thúc vào tháng 8-1944.

Độc lập hay không độc lập

Mặc dù nằm dưới sự chiếm đóng của Mỹ hơn 100 năm, nhưng lãnh thổ của Guam vẫn tiếp tục trong tình trạng “chốn u minh”: Nó không được coi là một quốc gia độc lập, và dù cư dân Guam là công dân Mỹ với hộ chiếu Mỹ nhưng họ vẫn không được bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử.

Vào năm 1950, Tổng thống Harry Truman đã ký Đạo luật Tổ chức Guam năm 1950, cho phép người dân trên đảo có thể tự quản lý, với thống đốc dân cử, hệ thống tòa án và cơ quan lập pháp, và một đạo luật về các quyền... Tuy nhiên, người dân ở Guam vẫn còn phàn nàn tình trạng… ở giữa này. 

Guam hiện nay là một lãnh thổ không có tư cách pháp nhân, nhưng về mặt lý thuyết, cư dân trên đảo có thể bỏ phiếu cho quốc gia đầy đủ về hiến pháp hoặc cho chủ quyền hoàn toàn. Trong các  cuộc trưng cầu dân ý, người dân Guam đã thống nhất bình chọn duy trì nguyên trạng, chỉ với một số cải tiến.

Vậy tại sao CHDCND Triều tiên lại chọn Guam để tấn công? Ngoài việc là trung tâm chiến lược trong nhiều thế kỷ, Guam có lợi thế là có thể nhanh chóng tăng cường sự bảo vệ quân sự cho các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Guam có khoảng 6.000 quân và một số tiền đồn quân sự lớn: Căn cứ Không quân Andersen, Căn cứ Hải quân Guam… và là “nhà” của trạm tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, Guam còn là “nhà” của Hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD), được thiết kế để bắn hạ các tên lửa, tương tự hệ thống mới lắp đặt ở Hàn Quốc.

Trần Ðức Tân
.
.
.