Dễ như mua súng và hậu quả…

Thứ Năm, 01/09/2016, 12:06
Tay súng 18 tuổi David S. Ali- kẻ cướp đi sinh mạng của 9 người, làm 35 người khác bị thương ở Munich hôm 22/7, kiếm mua được súng trên mạng internet.

"Khẩu súng mà David S. Ali sử dụng để tấn công tại Munich là loại Glock 17. Tên này đã mua súng bất hợp pháp trên thị trường chợ đen online", người phát ngôn của cảnh sát Đức cho biết.

Vụ này một lần nữa cảnh báo mối nguy về thị trường vũ khí online và môi trường internet thật đáng quan tâm, nhất là cho giới trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rất khó kiểm soát.

Một thanh niên như David S. Ali, vốn có tinh thần không ổn định, thích trò chơi điện tử shooter, bao gồm cả Counter Strike. Âm mưu chuẩn bị cho cuộc tấn công trong vòng một năm, rồi lên mạng tìm sung. Điều phát hiện ra là mua sung trên mạng thật dễ dàng…

Tờ DW (Đức) nhận định mạng internet đã mở ra những hướng đi mới cho cuộc cách mạng khoa học nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều giao dịch mờ ám, bao gồm cả việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Nhà báo người Anh Jamie Bartlett cho biết, súng, ma túy là những mặt hàng dễ dàng tìm thấy trên thị trường chợ đen online.

Nhà báo Anh Jamie Bartlett, tác giả của cuốn sách "The Dark Net: Inside the Digital Underworld" (Tạm dịch: Web đen: Bên trong thế giới ngầm công nghệ số") đề cập đến những mảng tối của thị trường thương mại điện tử.

Theo Jamie Bartlett, những trang web đen là "một nơi trú ẩn an toàn" - nơi mà mọi người có thể trao đổi thông tin, tiền tệ nặc danh. Nhìn chung, rất khó để kiểm duyệt các trang web này. Dây là nơi tội phạm sẽ triệt để khai thác lợi thế này trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay.

"Thị trường chợ đen online được xây dựng trên trình duyệt web ẩn danh gọi là Tor. Chưa có số liệu thống kê chính xác các giao dịch được thực hiện mỗi năm nhưng số người tham gia có thể lên đến hàng trăm ngàn người.

Súng, ma túy là những mặt hàng dễ dàng tìm thấy trên thị trường chợ đen online. Ai cũng có thể truy cập vào các website, sử dụng tiền Bitcoin để mua sắm. Cũng giống như  khi mua sắm trên các trang web trực tuyến lớn như Amazon hay eBay, hàng sẽ được chuyển đến địa điểm theo yêu cầu. Sự khác biệt duy nhất là các giao dịch diễn ra dưới vỏ bọc giấu tên.

Không ít nhà báo Anh từng khảo sát điều tra về việc người dân mua ma túy trên thị trường chợ đen và cho biết khoảng 10% số người dùng ma túy ở Anh nói họ đã mua hoặc sử dụng ma túy từ thị trường chợ đen.

Tuy nhiên, chưa có cuộc khảo sát chính thức nào về việc mua súng đạn trên thị trường này. Nhưng ai cũng biết có hai nguồn mua bán súng phổ biến hiện nay là mua trên đường phố, thông qua mạng lưới tội phạm hoặc trên thị trường chợ đen online", nhà báo Jamie Bartlett nói.

Một vấn đề đặt ra là làm thế nào vũ khí có thể được vận chuyển cho người mua mà không bị cảnh sát hay lực lượng hải quan phát hiện (khi vận chuyển qua biên giới quốc gia). Đây là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.

"Thực tế cho thấy, các đối tượng phạm tội đã gửi ma túy, súng và nhiều mặt hàng khác qua đường bưu điện. Đơn giản như ở Anh, dịch vụ Royal Mail thực hiện hàng triệu giao dịch mỗi năm.

Royal Mail có kiểm tra các bưu kiện nhưng không thể kiểm tra tất cả. Những đường dây buôn bán ma túy, súng ống tinh vi và "rất sáng tạo". Chúng luôn tìm cách qua mặt các cơ quan chức năng", nhà báo Jamie Bartlett nói.

Internet đã mở ra những hướng đi mới cho cuộc cách mạng khoa học nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều giao dịch mờ ám, bao gồm cả việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Website "khét tiếng nhất" trên thị trường chợ đen là "Silk Road" (thường được gọi là "Con đường tơ lụa") đã bị đánh sập 18 tháng trước đây, nhưng đã có rất nhiều giao dịch mua bán hàng "cấm" được thực hiện qua "Silk Road". Khi một trang web đen đóng cửa, sẽ có trang web mới được mở ra. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này là bài toán vô cùng nan giải".

Nhiều vũ khí mua từ Châu Âu đã rơi vào tay IS

Tờ DailyMail (Anh) số ra mới đây dẫn kết quả báo cáo do mạng lưới phóng viên điều tra Balkan (BIRN) phối hợp với Dự án chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) cho biết, vũ khí đang "di chuyển" từ vùng Balkan tới bán đảo Ả Rập.

Các quốc gia Châu Âu (EU) đã cung cấp lô vũ khí trị giá 1,2 tỷ euro đến Trung Đông trong vòng bốn năm qua và điều đáng quan tâm là, rất nhiều vũ khí đã kết thúc trong tay các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các chuyên gia nhận định, sở dĩ Trung Đông là thị trường "tiềm năng" cho ngành công nghiệp buôn bán vũ khí vì đây là khu vực bất ổn chính trị với xung đột cả ở trong nước và với quốc gia khác. Hơn nữa, các nước này không có ngành công nghiệp sản xuất vũ khí riêng nên phải mua trên thị trường quốc tế.

Bản báo cáo cho biết, kể từ năm 2012, Croatia, Cộng hòa Séc, Serbia, Slovakia, Bulgaria, Romania, Montenegro và Bosnia và Herzegovina đã ký hợp đồng cung cấp vũ khí và đạn dược cho bốn nhà cung cấp chính của Syria và Yemen.

Croatia là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu với tổng doanh thu là 302 triệu euro. Đứng ngay sau đó là Cộng hòa Séc với tổng doanh thu từ việc buôn bán vũ khí là 240 triệu euro. Saudia Arabia, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia mua nhiều vũ khí nhất.

Theo kết quả điều tra của BIRN và OCCRP, những mặt hàng được "ưa chuộng" trong danh sách mua sắm vũ khí bao gồm: 10.000 súng AK-47, 300 xe tăng, 250 súng bắn máy bay và 90 máy phóng tên lửa...

Kết quả cuộc điều tra cho thấy, vũ khí đang được gửi đến Syria để cung cấp "nhiên liệu" cho cuộc chiến tranh dân sự. Vũ khí từ các quốc gia Châu Âu đã rơi vào tay của IS và nhóm chiến binh của al-Qaeda cũng như được các lực lượng quân sự của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad sử dụng.

"Hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy, vũ khí và đạn dược đã xuất hiện trong tay của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Đó là những nhóm vũ trang bị buộc tội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Điều này vi phạm các quy định Hiệp ước buôn bán vũ khí và luật pháp quốc tế khác", Patrick Wilcken, một nhà nghiên cứu vấn đề kiểm soát vũ khí của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) nhận định.

Một báo cáo do Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) công bố cho biết, bất ổn an ninh toàn cầu là “mảnh đất màu mỡ” cho thị trường buôn bán vũ khí phát triển.

Box: Theo các chuyên gia của SIPRI, thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng 14% trong giai đoạn 2011 – 2015 so với giai đoạn 2006 – 2010. Khu vực nhập khẩu vũ khí nhiều nhất là châu Á và Trung Đông.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, hai khu vực này đã nhập khẩu 71% tổng số vũ khí toàn cầu (trong đó, khu vực Châu Á 46%, khu vực Trung Đông 25%). Danh sách năm quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất, bao gồm: Ấn Độ, Saudi Arabia, Trung Quốc, United Arab Emirates và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ và Nga tiếp tục là những nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn nhất trên thế giới. Xuất khẩu vũ khí của Mỹ chiếm 1/3 trên toàn thế giới, tăng 27% trong giai đoạn 2011 – 2015.

Trong khi đó, ¼ số vũ khí xuất khẩu trên toàn cầu có xuất xứ từ Nga. Theo SIPRI, những "ông lớn" khác có tên trong danh sách những quốc gia cung cấp nhiều vũ khí cho thị trường thế giới gồm Trung Quốc (chiếm khoảng 6% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu), Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italia.

Tường Phạm
.
.
.