Đề xuất kiểm soát súng của Mỹ bị bác bỏ

Chủ Nhật, 26/06/2016, 21:56
"Bạo lực súng đạn đòi hỏi nhiều hơn là những phút mặc niệm, và nó đòi hỏi hành động. Thất bại trước thử thách này, Thượng viện đã làm thất vọng người dân Mỹ", Tổng thống Barack Obama đã viết như vậy trên Twitter sau khi Thượng viện bác bỏ 4 đề xuất kiểm soát súng (của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ).


Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc các Thượng nghị sĩ đã "thể hiện sự hèn nhát đáng xấu hổ" và làm thất vọng người dân khi không thúc đẩy bất kỳ biện pháp kiểm soát súng đạn nào sau vụ thảm sát ở Orlando. 

Trước đó, ông Barack Obama đã kêu gọi thay đổi cách thức thảo luận về kiểm soát súng đạn, đồng thời hối thúc lưỡng viện của Quốc hội phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn những thảm họa súng đạn tương tự.

Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại hộp đêm Pulse ở Orlando.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng chỉ trích gay gắt Thượng viện về vấn đề này. Việc này diễn ra sau vụ xả súng hôm 12-6 tại Orlando làm 49 người thiệt mạng và 53 người bị thương. Theo thống kê của hãng Mass Shooting Tracker, thảm án tại Orlando là vụ xả súng thứ 176 ở Mỹ trong hơn 5 tháng qua.

Ngày 20-6 (theo giờ địa phương), Thượng viện đã bác bỏ 4 đề xuất kiểm soát súng, trong đó có việc ngăn chặn súng rơi vào tay những người có tên trong danh sách theo dõi khủng bố. Bất đồng vẫn kéo dài giữa đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện (54/100 nghị sĩ) với đảng Dân chủ.

Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ tiếp tục vận động hành lang cho Hiệp hội Súng quốc gia (NRA) nhằm bác bỏ các đề xuất của đảng Dân chủ, khi cho rằng "đi quá hạn chế và chà đạp các quyền hiến định cho phép mang vũ khí". Và cho dù Thượng viện có đạt được sự đồng thuận, thì vẫn phải được Hạ viện thông qua (do đảng Cộng hòa kiểm soát), mới có thể thực thi.

Và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận khi thông báo, sẽ gặp đại diện NRA để thảo luận về biện pháp ngăn chặn đối tượng thuộc diện tình nghi có liên hệ với khủng bố sở hữu súng đạn. Đây có thể là sự điều chỉnh đáng kể trong quan điểm của ông Donald Trump về kiểm soát súng đạn bởi trước đó tỷ phú này luôn ủng hộ quyền của người dân được sở hữu súng đạn.

NRA cũng sẵn sàng gặp ông Donald Trump, nhưng nhấn mạnh không thay đổi lập trường về vấn đề này. Giám đốc điều hành Viện Pháp lý của NRA, ông Chris Cox cho biết, họ ủng hộ danh sách theo dõi những đối tượng bị tình nghi có liên hệ với khủng bố và mọi giao dịch súng đạn của những đối tượng này phải bị ngăn chặn.

Cùng ngày 20-6, FBI cho công bố đoạn băng (đã biên tập, bỏ phần sát thủ Omar Mateen nêu tên tổ chức và cá nhân mà hắn cam kết trung thành, đó là IS và thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi) cuộc hội thoại giữa Omar Mateen với cảnh sát. Và sau khi nhận nhiều chỉ trích từ các bên, Bộ Tư pháp đã phải cung cấp đoạn băng chưa biên tập.

Trong đó đáng quan tâm nhất là tuyên bố của Omar Mateen sau khi người đàm phán hỏi vì sao lại gọi cho cảnh sát: Các vị biết tôi làm gì rồi mà. Giới chuyên môn và dư luận thắc mắc vì sao FBI không công bố toàn bộ nội dung băng ghi âm với sát thủ tại Orlando? Bộ Tư pháp và FBI chịu áp lực sau khi chỉ công bố nội dung bị ngọt tỉa của băng ghi âm với sát thủ trong vụ xả súng Orlando. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho rằng, việc biên tập lại bản ghi âm là "lố bịch".

Khi bị chất vấn về lý do cắt bỏ nội dung của băng ghi âm, nhân viên FBI phụ trách cuộc điều tra Ronald Hopper tuyên bố, họ không muốn phổ biến những lời lẽ bạo lực, kể cả ở đây lẫn ở nước ngoài. Đồng thời cho biết, các nhà điều tra đã thực hiện hơn 500 cuộc phỏng vấn kể từ khi xảy ra vụ xả súng ở Orlando và khẳng định, Omar Mateen đã bị cực đoan hóa thông qua việc xem các đoạn video của IS và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ một nhóm khủng bố nước ngoài.

Trước đó, ông Ronald Hopper còn cho biết, vụ tấn công là hành vi bạo lực xuất phát từ hận thù, kỳ thị người đồng giới, gây tội ác với toàn bộ cộng đồng. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cũng cho biết, họ muốn tránh nhắc lại nỗi đau của các nạn nhân đã trải qua những điều kinh khủng. Giám đốc CIA John Brennan cho rằng, Omar Mateen có thể là một dạng "sói đơn độc" xuất phát từ động cơ thù hằn cá nhân.

Được biết, Noor Zahi Salman, vợ của sát thủ Omar Mateen, cũng đã bị FBI thẩm vấn về mức độ liên quan trong vụ xả súng và có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự nếu phát hiện có sai phạm. Theo giới truyền thông, hơn 50.000 người đã đổ về bờ hồ Eola, bang Florida đêm 19-6 (theo giờ Mỹ) để dự lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trong vụ xả súng ở hộp đêm Pulse.
Trọng Hậu
.
.
.