Di sản Shimon Peres

Thứ Ba, 01/11/2016, 11:42
Shimon Peres, một chính khách Israel từng đoạt giải Nobel Hòa bình, đã qua đời vào ngày 28-9 vừa qua, ở tuổi 93, là một trong những chính trị gia cuối cùng của Israel còn sống từ thời lập quốc năm 1948.


Ông vượt qua tất cả những người cha sáng lập khác của đất nước, nhưng không thành công với điều ông mong mỏi nhất: đem lại nền hòa bình lâu dài cho đất nước.

Sự nghiệp của Shimon Peres dường như bị ám bởi những cơ hội bị bỏ lỡ. Ông đã đạt được những chức vụ cao nhất: 2 lần làm thủ tướng và 1 lần làm tổng thống, nhưng vận rủi chính trị luôn chống lại ông. Sở trường của ông là chính sách đối ngoại, nhưng kẻ thù chính trị của ông, Menachem Begin, ký Hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979, và kỳ phùng địch thủ của ông, Yitzhak Rabin, có hầu hết những tràng pháo tay cho thỏa thuận của Israel vào năm 1993 với nhà lãnh đạo Palestine, Yasser Arafat.

Nhà môi giới tài ba

Dù sao, dấu ấn của ông Peres cũng được kéo dài. Là một công chức trẻ sớm thành danh, ông đã môi giới các hợp đồng vũ khí, giúp các đối tác mặc quân phục của ông có những vũ khí cần thiết. Ông phá vỡ lệnh cấm vận vũ khí với những thủ đoạn sáng tạo, chẳng hạn như mua máy bay chiến đấu dưới danh nghĩa đạo cụ phim, và “tìm thấy” tàu khu trục bị rò rỉ và xe tăng gỉ ở những nơi chúng đã thành vô dụng. 

Ông mặc cả rất giỏi, khiến các nước giàu đại hạ giá cho “nước nhỏ, bị bao vây” Israel. Ông cũng lôi kéo được sự cảm thông từ cộng đồng quốc tế đối với đất nước Israel phục quốc. Có thể nói, ông đã khiến nhiều quy tắc bị phá vỡ. Jimmy Hoffa, Chủ tịch Công đoàn Teamsters của Mỹ, đã trở thành một người bạn thân của Peres. Và ông đã đưa Israel xích lại gần Tây Đức thông qua việc chè chén với Franz-Josef Strauss.

Có lẽ thành tựu lớn nhất của ông là một thỏa thuận bí mật với Pháp, đặt nền móng cho kho vũ khí hạt nhân không được thừa nhận của Israel. Chỉ đến năm nay ông Peres mới gián tiếp thừa nhận nó, khi cho rằng nhờ đó người Ả Rập mới nhận ra rằng Nhà nước Do Thái không thể bị xóa sổ, do đó đặt nền móng cho một nền hòa bình một phần. 

"Có 2 điều không thể thực hiện mà không nhắm mắt: Tình yêu và hòa bình. Nếu bạn cố gắng thực hiện với đôi mắt mở, bạn sẽ chẳng đi đến đâu", ông nói với tờ New York Times vào năm 2013.

Chính trị gia chải chuốt

Peres chuyển từ các dịch vụ dân sự sang chính trị bầu cử, nhưng khá khó khăn để tạo dấu ấn trong Đảng Lao động, nơi ông đã phục vụ từ tuổi thiếu niên. Ông kín đáo đặt nền móng cho phong trào tái định cư của người Do Thái ở Bờ Tây sau năm 1967, tại thời điểm nó vẫn chưa được giới chính trị Israel coi trọng. Đồng minh thân cận nhất của ông là Moshe Dayan, nhưng vị đại tướng này cũng không mấy mặn mà với ông. David Ben-Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel, đánh giá cao tài năng của Peres nhưng không bao giờ tâm sự với ông.

Vấn đề sâu xa là ông không phải một phần trong nền văn hóa sabra của Israel, mà như một người nhập cư từ Ba Lan ở tuổi 11. Tiếng Hebrew của ông vẫn c̣n giọng mũi Ba Lan. Ở một đất nước tôn sùng chủ nghĩa anh hùng quân sự, ông chỉ là một người đàn ông bảnh bao. 

Không giống như nhiều người Do Thái thuộc thế hệ mình, Peres không chống lại Đức Quốc xã hay khoác lên mình bộ đồng phục trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Israel vào năm 1948. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông dành nhiều thời gian phung phí cho bàn trang điểm, bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ và gần đây là việc ăn kiêng giữ dáng.

Cuối cùng, ông cũng vươn tới những vị trí đỉnh cao, làm lãnh đạo đảng Lao động vào năm 1977. Nhưng xui xẻo là lúc đó các đảng tôn giáo và dân tộc cực đoan đang phát triển mạnh, cử tri chỉ trích đảng Lao động yếu nhược. Vì vậy, Peres lãnh đạo đảng trong 5 lần bầu cử, nhưng chưa bao giờ giành được chiến thắng hoàn toàn.

Bồ câu hòa bình

Dù giúp xây dựng cỗ máy chiến tranh của Israel, bản thân Peres lại hóa thành một con chim bồ câu. Ông cho rằng Israel giờ đây đã đủ mạnh mẽ, nên có thể đạt được an ninh thật sự thông qua các thỏa hiệp. Ông phản đối vụ đánh bom lò phản ứng hạt nhân của Iraq tại Osiraq vào năm 1981, dù hầu hết người Israel cho rằng đó là một đại chiến công. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc ký Hiệp định Oslo, hiệp định đầu tiên giữa Israel và Palestine, trong đó viết họ sẽ "phấn đấu chung sống trong hòa bình".

Đảng Lao động đã giành chiến thắng vào năm 1992, nhưng dưới sự dẫn dắt của Rabin. Hai năm sau, Peres nhận được giải Nobel Hòa bình cùng với Rabin và Arafat. Ông được tôn trọng ở nước ngoài, nhưng vẫn không được ưa chuộng ở quê nhà. Ông quay lại văn phòng sau vụ ám sát Rabin vào năm 1995. Tuy nhiên, cơ hội để đạt được hòa bình với người Palestine đã bị thổi bay bởi hàng loạt vụ đánh bom cảm tử Hồi giáo và chiến tranh của Israel ở Liban. Ông đã bị Binyamin Netanyahu đánh bại trong gang tấc vào năm 1996.

Một thế hệ mới các nhà lãnh đạo đảng Lao động cố gắng buộc ông nghỉ hưu nhưng không thành công. Thay vào đó, ông trở thành Tổng thống vào năm 83 tuổi, dù chức vụ này chủ yếu mang tính nghi lễ ở Israel. 

Là người đứng đầu nhà nước, nhưng ông đã bị bịt miệng, và buộc phải lên tiếng ủng hộ các chính sách của Thủ tướng Netanyahu khi xuất hiện trước công chúng. Dù vậy, ông đã chỉ đạo ngành tình báo ngăn chặn các kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân của Iran. 

Ông có một câu nói để đời vào năm 2013: "Không có sự thay thế nào khác cho hòa bình. Thật vô nghĩa khi tiến hành chiến tranh".

Vĩnh Ðông
.
.
.