Điểm mặt dàn siêu vũ khí đốt tiền nhất của quân sự Mỹ

Thứ Ba, 01/11/2011, 13:40

Mỹ là nước chi tiêu ngân sách cho quốc phòng nhiều nhất thế giới với hơn 500 tỷ USD chỉ tính riêng năm 2010, chưa kể tới chi phí an ninh nội địa và bảo trì kho vũ khí hạt nhân quốc gia. Phần lớn ngân sách này được dùng để phát triển những vũ khí quân sự hàng đầu được cho là thế mạnh của công nghệ quốc phòng như các loại máy bay, xe tăng và tàu chiến.

Máy bay Northorp Grumman B-2 Spirit

Nếu các bạn có quan tâm đến lĩnh vực quân sự, đặc biệt là máy bay chiến đấu, thì cái tên B2 chắc hẳn không còn xa lạ gì. Máy bay tàng hình B-2 Spirit là mẫu máy bay ném bom do Mỹ sản xuất, bắt đầu được khai thác từ năm 1997 và thật sự là nỗi khiếp sợ đối với các kẻ thù của quốc gia này. Nói đến B-2 Spirit, ngoài kiểu dáng độc đáo, khác hẳn với những loại máy bay ném bom thông thường, chúng ta không thể không nhắc đến tính năng chống radar nổi tiếng của nó. B-2 Spirit có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ, thực thi các nhiệm vụ ném bom và trở về mà không để lại một dấu vết gì trên màn hình radar.

Mặc dù được chính thức giới thiệu vào tháng 4/1997 nhưng những ý tưởng đầu tiên về B-2 Spirit đã hình thành từ gần một thập kỷ trước đó. Mẫu máy bay ném bom này xuất phát từ một dự án bí mật có tên Máy bay ném bom công nghệ cao (Advanced Technology Bomber - ATB) vào năm 1979. Tại thời điểm này, cuộc chiến tranh lạnh vẫn đang diễn ra, ứng cử viên Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan đã tuyên bố sẽ khôi phục lại sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Vào ngày 22/8/1980, một nhân viên thuộc nội các của Tổng thống Jimmy Carter đã công bố với báo giới rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển nhiều mẫu máy bay mới, trong đó có cả ATB.

Chi phí cho dự án phát triển B-2 Spirit là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong công chúng Mỹ. Năm 1996, Văn phòng kiểm kê chính phủ (GAO) cho biết "đây là dự án phát triển máy bay ném bom có chi phí hoạt động cao nhất, tính trên mỗi chiếc máy bay xuất xưởng". Mỗi chiếc B-2 cần 119 giờ bảo dưỡng (so với mức 53 giờ của "pháo đài bay" B-52) và tốn 3,4 triệu USD/tháng tiền chi phí bảo dưỡng. Sở dĩ B-2 có mức phí cũng như thời gian bảo dưỡng cao là do yêu cầu cần có nhà chứa đủ rộng cho chiếc máy bay có sải cánh đến 52,4m này. Không những thế, nhà chứa phải đảm bảo các yêu cầu về nhiệt độ để bảo vệ lớp vỏ "tàng hình" của B-2.

Theo báo cáo của GAO, tổng chi phí cho mỗi chiếc B-2 tại thời điểm năm 1997 là 929 triệu USD. Đến năm 2004, Mỹ đã chi tổng cộng 44,75 tỷ USD (trị giá quy đổi năm 1997) cho dự án B-2. Chi phí này bao gồm phát triển, sản xuất, cơ sở vật chất và linh kiện dự trữ. Nếu chia đều cho số lượng máy bay được sản xuất thì mỗi chiếc B-2 ngốn của ngân sách Mỹ 2,13 tỷ USD.

Vào ngày 23/2/2008, chiếc B-2 Spirit of Kansas đã gặp tai nạn trên đường băng khi vừa cất cánh khỏi căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam. Cho đến lúc gặp nạn, chiếc B-2 này đã có tổng cộng 5.176 giờ bay, và nó cũng là chiếc B-2 đầu tiên xảy ra tai nạn. Tổ lái đã kịp thời thoát ra khỏi buồng lái, song máy bay đã bị phá hủy hoàn toàn. Thiệt hại của tai nạn này ước tính khoảng 1,4 tỷ USD. Công tác điều tra sau đó đã kết luận rằng nguyên nhân xảy ra tai nạn là do độ ẩm trong bộ cảm biến của máy bay khi căn chỉnh các dữ liệu về không khí. Độ ẩm đã làm sai lệch thông tin chuyển về hệ thống xử lý dữ liệu, gây ra các tính toán sai lệch về tốc độ cất cánh, cộng thêm với góc cất cánh không chuẩn đã khiến máy bay bị chếch một góc 30 độ khi đang cất cánh.

Chi phí cao, vai trò chiến lược trong hoạt động quân sự Mỹ, những bí mật về việc chế tạo lớp vỏ tàng hình là những nguyên nhân chính khiến cho chiếc B-2 Spirit không bao giờ được trưng bày dài ngày trước công chúng. Tuy nhiên, tính đến nay mẫu máy bay ném bom tàng hình nổi tiếng này cũng đã tham dự một số hội chợ hàng không nhất định.

Năm 2004, một phiên bản thử nghiệm của B-2 (không được gắn động cơ và phụ tùng) đã được trưng bày tại Bảo tàng Không quân quốc gia Mỹ ở bang Ohio. Từ năm 1989 đến 2004, Bảo tàng Không quân và không gian Nam Dakota đã trưng bày một bản mẫu của chiếc B-2 Spirit, có tỷ lệ bằng 60% sản phẩm thật. Bản mẫu này được Honda Bắc Mỹ sản xuất năm 1988 để phục vụ cho một chiến dịch quảng cáo của hãng. Tuy chỉ là bản mẫu, nhưng chiếc B-2 của Honda giống thật đến mức đã có ý kiến nghi ngờ Honda đã tiếp cận được với những tài liệu mật về dự án B-2. Honda tặng bản mẫu này cho Bảo tàng Nam Dakota vào năm 1989. Đến năm 2005, bảo tàng tiến hành hủy bản mẫu trên sau khi nhận được một chiếc B-1 Lancer để trưng bày.

Máy bay Bell-Boeing V-22 Osprey

Trực thăng Bell-Boeing V-22 Osprey (Chim ưng biển) là loại chiến đấu cơ lên thẳng đa năng, có thể cất, hạ cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn, khi hạ cánh có thể thực hiện thao tác giống như cách hạ cánh của máy bay phản lực thông thường. V-22 Osprey là sản phẩm trực thăng hoàn hảo của Mỹ, kết hợp những chức năng của máy bay trực thăng và máy bay phản lực với tầm hoạt động rộng, tốc độ cao và khả năng vận hành linh hoạt.

Chiếc máy bay này có tính năng vượt trội là ở độ cao đáng kể so với mực nước biển, vỏ động cơ cấu tạo đặc biệt có khả năng tự chuyển đổi thành tuabin phản lực cánh quạt tốc độ cao. 

Thêm nữa, hai cánh quạt có thể gấp lại gọn gàng, giúp thuận tiện trong việc bảo quản. Điểm độc đáo nữa của V-22 là khả năng triển khai tốc độ tác chiến chóng mặt tại bất kỳ chiến trường nào trên thế giới. Bell-Boeing V-22 Osprey có hai động cơ Rolls-Royce Allison T406/AE 1107C-Liberty, tổng công suất 9.180kw, sải cánh 11,6m, thân dài 17,5m và trọng lượng cất cánh tối đa 27.400kg. V-22 có thể chở 24 quân chiến đấu cùng với 9.072kg hàng hóa ở khoang trong hoặc 6.804kg hàng hóa khoang ngoài khi đạt tốc độ gấp đôi máy bay trực thăng. V-22 được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2007 trong cuộc chiến ở Iraq. Mặc dù trước đây, trong giai đoạn chế tạo và thử nghiệm từ năm 1991 - 2000, V-22 đã gây ra hàng loạt vụ tai nạn khiến 30 người thiệt mạng, nhưng thuỷ quân lục chiến Mỹ vẫn có ý định sẽ sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này tại chiến trường Afghanistan vào khoảng cuối năm 2011.

Từ năm 2008, chương trình sản xuất V-22 đã ngốn khoảng 27 tỷ USD của chính phủ Mỹ, và có giá khoảng 67 triệu USD/chiếc vào năm 2010.

Tàu sân bay USS George H.W. Bush

Tàu sân bay George H.W. Bush - chiếc cuối cùng thuộc dòng chiến hạm Nimitz của Hải quân Mỹ đã rời căn cứ hải quân Norfolk cùng 6.000 thủy thủ đến vùng biển Địa Trung Hải và Vịnh Persian để nhận nhiệm vụ đầu tiên. Tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN 77) được đặt theo tên Tổng thống thứ 41 của nước Mỹ (Bush cha), người đã từng là phi công trẻ nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2. Đây là tàu sân bay cuối cùng thuộc dòng chiến hạm Nimitz của Hải quân Mỹ. Việc chế tạo George H.W.

Bush bắt đầu được tiến hành tại xưởng đóng tàu Newport News từ năm 2001 bởi Tập đoàn Northrop Grumman. Đến 11 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 10/1/2009 tại Naval Station Norfolk, Virginia, Mỹ, trước sự chứng kiến của các thành viên gia định cựu Tổng thống Bush và đại diện lãnh đạo đất nước, lễ tiếp nhận George H. W. Bush vào biên chế Hải quân Mỹ được tiến hành, đánh dấu sự xuất hiện của George H. W. Bush trên bản đồ quân sự của Mỹ. Tàu sân bay George H.W.Bush là chiến hạm đắt nhất thế giới hiện nay. Theo ước tính, giá trị của George H. W. Bush vào khoảng 6,2 tỷ USD.

George H. W. Bush là chiến hạm sử dụng công nghệ năng lượng nguyên tử mới nhất của lực lượng Hải quân Mỹ. Tàu có tải trọng 102.000 tấn, dài 332,8m, rộng 76,8m, cùng một lúc có thể chứa đáp ứng 80 máy bay. Chính vì những thông số trên mà George H. W. Bush được đánh giá là chiến hạm lớn nhất thế giới - tuy ngắn hơn một chút so với USS Enterprise. Khi đưa vào vận hành, George H. W. Bush có thể đạt vận tốc trung bình trên 30 hải lý/giờ. Với 2 lò phản ứng hạt nhân, tàu có thể hoạt động trong 20 năm mà không cần tiếp nhiên liệu.

Với những công nghệ mới nhất hiện nay trong lĩnh vực quân sự, George H. W. Bush, con tàu được đánh giá là thân thiện với môi trường hơn các siêu tàu chiến trước đó. Trước George H. W. Bush còn có Dwight Eisenhower, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln, George Washington, Ronald Reagan,… thuộc dòng Nimitz mang tên của các Tổng thổng nước Mỹ.

Máy bay Boeing EA-18G Growler

Boeing EA-18G Growler là một phiên bản tác chiến điện tử mang tên lửa phòng vệ được sử dụng trên tàu sân bay và có khả năng diệt sóng rada cũng như gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc của kẻ thù bằng bức xạ từ. Trên thực tế, Boeing EA-18G Growler, phiên bản cải tiến từ loại máy bay F/A-18F Super Hornet, được sản xuất từ năm 2007, nhưng cho tới tháng 9/2009 mới bắt đầu được đưa vào sử dụng. Growler có độ sải cánh rộng hơn 13m và chiều dài thân trên 18m.

Boeing EA-18G Growler đã tham gia yểm trợ điện tử cho chiến dịch tại Libya. Đây là lần tham chiến đầu tiên của loại máy bay thay thế cho máy bay tác chiến điện tử trên hạm kỳ cựu EA-6B Prowler khét tiếng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ông Gortney nhấn mạnh rằng, Growler không chỉ đã khắc chế được các tên lửa đất-đối-không của Libya mà còn giúp cho quân nổi dậy đẩy lùi cuộc tấn công của quân chính phủ Libya.

Theo ông Gortney, các đòn không kích của máy bay Pháp, Anh và Mỹ (trong đó có máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier của thủy quân lục chiến Mỹ) đã chặn được bước tiến của quân chính phủ Libya ở cách thành phố Benghazi 16km về phía Nam. Thành công này có được phần nhiều là nhờ sự chi viện của máy bay tác chiến điện tử tối tân nhất của Mỹ Growler.

EA-18G Growler đã chế áp hiệu quả các kênh liên lạc của quân chính phủ và làm tê liệt các hệ thống tên lửa phòng không khá hiện đại Crotale và Osa còn sống sót sau các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Ý định để lại EA-18G trên không phận Libya để ngăn ngừa phòng không nước này bắn tên lửa vào máy bay liên quân cho thấy vai trò to lớn của Growler. Máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet đầu tiên được cải tạo thành máy bay tác chiến điện tử Growler vào năm 2007.

Cùng năm đó, hải quân Mỹ đã đẩy nhanh việc sản xuất máy bay tác chiến điện tử thế hệ mới và dự định bổ sung cho chúng những khả năng đặc biệt, ví dụ khả năng lây nhiễm virus máy tính vào các mạng chỉ huy/điều khiển của quân đội đối phương. Theo hải quân Mỹ, một chiếc Boeing EA-18G Growler có giá khoảng 67 triệu USD.

Máy bay Lockheed Martin F-35 Lightning II

Máy bay F-35 II do hãng Lockheed Martin sản xuất, nằm trong chương trình hợp tác phát triển máy bay tiêm kích Anh - Mỹ, và là loại máy bay đa năng có thể yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không. Một chiếc F-35 dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920km/h.

Chiếc F-35A mang số hiệu AF-7 được bàn giao cho không quân Mỹ tại nhà máy lắp ráp cuối cùng trong dây chuyền sản xuất F-35 tại Fort Worth, bang Texas, Mỹ. Sau đó, máy bay đã bay đến căn cứ không quân Edwards, bang California để tiến hành các hoạt động đánh giá khả năng hoạt động thực tế tại đây. Việc bàn giao này đánh dấu một cột mốc quan trọng của chương trình phát triển tiêm kích tiến công kết hợp JSF. Như vậy, phải sau 10 năm thử nghiệm, kể từ khi Lockheed Martin giành được hợp đồng cung cấp 1.763 chiếc F-35A cho Không quân Mỹ và 640 chiếc F-35B và F-35C cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, chiếc máy bay đầu tiên mới được chuyển giao cho Không quân Mỹ.

Larry Lawson, người quản lý chương trình phát triển F-35 của Lockheed Martin hồ hởi tuyên bố: "Hôm nay, chúng ta bắt đầu một cột mốc quan trọng để thể hiện tầm nhìn của chính phủ chúng ta và các khách hàng quốc tế".

Chương trình phát triển tiêm kích tiến công kết hợp JSF từng được mệnh danh là "tiêm kích nhiều tiền, lắm tiếng", phát triển liên tục bị trì hoãn với những lỗi trong thiết kế, còn kinh phí cho dự án liên tục bị đội lên. Đây là chương trình phát triển máy bay có sự tham gia của nhiều quốc gia nhất từ trước đến nay, gồm 9 nước. Sự chậm trễ khiến các quốc gia tham gia liên tục phàn nàn và xem xét lại kế hoạch mua sắm vũ khí. Quốc hội Mỹ cũng liệt chương trình JSF vào "tầm ngắm" do quá tốn kém, thậm chí, biến thể F-35B từng bị "khai tử" để chương trình sớm hoàn thành. Với sự kiện này, chương trình JSF đã đạt được những bước tiến quan trọng, vượt qua những sự chỉ trích gay gắt.

F-35A đã bước vào giai đoạn sản xuất đầu tiên, hiện tại đã có 8 trong tổng số 13 chiếc của đợt sản xuất đầu tiên được xuất xưởng. F-35B đã vượt qua các đợt thử nghiệm quan trọng, F-35C cũng đã sẵn sàng cho sản xuất loạt đầu tiên. Theo kế hoạch, không quân Mỹ sẽ chính thức đưa phi đội F-35A đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2017-2018. Theo một báo cáo của Không quân Mỹ, đến cuối năm 2011, sẽ có 20 chiếc F-35A đầu tiên được sản xuất và bàn giao để huấn luyện phi công. Song song với việc huấn luyện phi công, không quân Mỹ sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ khả năng của máy bay. Các sửa đổi nếu có sẽ được tiến hành sau đợt đánh giá này.

Những chiếc F-35A đầu tiên này thuộc biến thể rút gọn, các thông tin về môi trường xung quanh, mục tiêu, giao diện vũ khí sẽ được hiển thị trên bảng điều khiển, thay vì mũ bay tích hợp như bản thiết kế ban đầu. Hệ thống hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của chiếc F-35A sẽ được trang bị trong đợt sản xuất thứ hai. Lockheed Martin sẽ sản xuất F-35 theo nhiều block khác nhau, sau khi đưa vào hoạt động và đánh giá. Các thiếu sót (nếu có) sẽ được khắc phục cho block tiếp theo. Việc hoàn thiện máy bay qua các block khác nhau sẽ cho kết quả tốt hơn và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn là cố gắng hoàn thiện ngay trong đợt sản xuất đầu tiên.

Hiện tại, Mỹ có kế hoạch mua thêm hơn 2.000 máy bay F-35 với giá khoảng 122 triệu USD/chiếc. Nếu kí kết thành công, Lockheed Martin sẽ trở thành công ty chế tạo vũ khí quân sự đạt được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử với tổng giá trị khoảng 323 tỉ USD.

Máy bay McDonnell Douglas F/A-18 Hornet

F/A-18 Hornet là một loại máy bay phản lực chiến đấu hiện đại được công ty McDonnell Douglas thiết kế cho hải quân và thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ vào những năm 70 của thế kỷ trước, sau đó chuyển giao cho hãng Boeing chế tạo và phát triển thêm một số tính năng có thể dùng cho cả không quân nhiều nước khác trên thế giới. Một chiếc F/A-18 Hornet trị giá khoảng 57 triệu USD có nhiệm vụ chính là ném bom chiến thuật và yểm trợ trên không với tốc độ tối đa hơn 1.900km/h. Hiện nay, ngoài Mỹ còn một số quốc gia khác có quân đội được trang bị loại máy bay hiện đại này như Australia, Canada và Thụy Sĩ

Trần Tú (tổng hợp)
.
.
.