Điệu Tango vĩnh biệt

Thứ Ba, 14/05/2013, 17:39

Cách đây một thập niên, năm 2003 có một vụ án liên quan đến một Việt kiều mà trong giới ăn chơi về đêm ở TP HCM đều biết tiếng. Đó là Nguyễn Quý còn được gọi là Quý “Việt kiều”. Liên quan đến cái chết của doanh nhân Việt kiều này vẫn là chuyện tình, tiền, thù hận…và tất nhiên không thoát khỏi vòng vây của ân oán giang hồ mà môi trường làm ăn, cạnh tranh bất chính cũng đang nổi lên, diễn biến khốc liệt và phức tạp.

Khi TP HCM mở cửa cùng với cả nước đón nhận đầu tư nước ngoài và làn sóng Việt kiều về thăm quê hương kết hợp với tìm kiếm cơ hội làm ăn trở nên tấp nập. Do đó nhu cầu vui chơi, giải trí cũng được mở rộng để đáp ứng với sự phát triển kinh tế và xu thế hội nhập, trong đó hoạt động vũ trường, nhà hàng bia ôm là lãnh vực sôi động, phức tạp không chỉ thu hút giới trẻ trong nước học đòi ăn chơi, Việt kiều về nước với nhiều mục đích khác nhau, giới doanh nhân thành đạt muốn được hưởng thụ nhu cầu giải trí mà có cả những băng nhóm giang hồ chọn thế giới vũ trường, bia ôm làm đất để hoạt động.

Cách đây một thập niên, năm 2003 có một vụ án liên quan đến một Việt kiều mà trong giới ăn chơi về đêm ở TP HCM đều biết tiếng. Đó là Nguyễn Quý còn được gọi là Quý “Việt kiều”. Liên quan đến cái chết của doanh nhân Việt kiều này vẫn là chuyện tình, tiền, thù hận…và tất nhiên không thoát khỏi vòng vây của ân oán giang hồ mà môi trường làm ăn, cạnh tranh bất chính cũng đang nổi lên, diễn biến khốc liệt và phức tạp.

Vụ án đã gây xôn xao dư luận vì những nguyên do kể trên, đồng thời cũng do liên quan tới một vũ nữ chân dài, hoa hậu của một vũ trường nổi tiếng. Công tác điều ra phá án trải rộng, nhiều diễn biến phức tạp, đấu trí căng thẳng...

Những trinh sát, điều tra viên tham gia vụ án đã không ngại vất vả, khó khăn, thận trọng lần tìm đầu mối từ mớ bòng bong giống như một cuộn chỉ rối trong môi trường phức tạp đó để cuối cùng bắt được thủ phạm vô cùng xảo quyệt, có nhiều kinh nghiệm xóa dấu vết và thủ đoạn đối phó với Công an. Do yêu cầu của những người trong cuộc và lý do nghiệp vụ nên nhân vật đã được đổi tên.

Kỳ 1: Người trong tầm ngắm

Trần Vinh gấp cuốn sổ tay công tác bước ra khỏi phòng họp của lãnh đạo, anh tranh thủ phổ biến ngắn gọn cho tổ trinh sát ba người mà anh làm tổ trưởng về vụ án mà tổ của mình vừa nhận nhiệm vụ điều tra. Trần Vinh bị ám ảnh bởi cái tên Hùng bò, đối tượng mà anh đã ghi vắn tắt lý lịch vào sổ tay công tác và cẩn thận gạch dưới bằng bút đỏ.

Đồng nghiệp cùng tổ điều tra của Trần Vinh đi bên cạnh: nữ trinh sát Hoàng Mai và Lê Văn đều chăm chú lắng nghe. Vừa rồi trong phòng họp thủ trưởng Vũ Hùng cũng kiệm lời như mọi khi giao mục tiêu công tác cho tổ của Trần Vinh, anh chỉ khéo léo gợi ý để các trinh sát phát huy tính độc lập trong suy luận của mình và thật sự sáng tạo trong công tác xác minh, điều tra. Đó là cá tính của Vũ Hùng mà Trần Vinh là người hiểu rõ hơn ai hết.

Vụ án này cũng thế: một băng giang hồ cộm cán chuyên đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, bảo kê quán bia ôm, vũ trường… dưới trướng của một ông trùm núp bóng công ty kinh doanh gỗ có văn phòng trụ sở ở Q3 TP HCM và chi nhánh, nhà xưởng ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Một cái tên khá quen thuộc trong giới làm ăn là Hoàng Dũng tức Dũng gỗ, còn có biệt danh Dũng râu, doanh nhân trẻ, thành đạt, là trùm của băng nhóm này mà Hùng bò là thành viên, đàn em thân cận của Dũng râu. Tuy nhiên đối với các trinh sát được giao nhiệm vụ điều tra chuyên án tới lúc đó Dũng râu cũng chỉ là một cái tên rất mơ hồ, chưa có ấn tượng gì ngoài gương mặt của người đàn ông có bộ râu quai nón như Trần Vinh hình dung.

Quán cà phê hộp nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi quận 1 buổi trưa một ngày đông khách. Ba trinh sát mặc thường phục bước vào quán chẳng ai chú ý, giờ này người ta đang mải ăn trưa, uống cà phê, tán chuyện ồn ào khiến không gian trong quán tuy rộng cũng hết sức náo nhiệt. Trần Vinh chọn chiếc bàn phía ngoài sảnh có cửa kính, bên cạnh hồ cá nhỏ với thác nước nhân tạo đang đổ xuống từ hòn non bộ được lắp ghép bằng những khối đá nhiều hình thù cổ kính, bám đầy rêu xanh.

Trong lúc ăn sáng, Hoàng Mai hỏi Trần Vinh về đối tượng mà cô phải tiếp cận. Trần Vinh cho biết đó là một vũ nữ trẻ đẹp, hoa hậu của vũ trường “Đom Đóm Xanh” trên đường Đồng Khởi, một “chân dài” có giá trị cả ngàn đô la. Hoàng Mai hơi bâng khuâng cho công việc sắp tới vì vũ trường là nơi cô chỉ nghe nói chứ chưa một lần đặt chân vào.

Hoàng Mai hình dung đó là một nơi ăn chơi phức tạp. Ở đó toàn những cô gái “chằn ăn trăn quấn”, ăn tục, nói phét, hút thuốc, đánh bài và…dám rạch mặt, xẻo lỗ tai tình địch mà dù cô là một trinh sát cũng không khỏi lo lắng, e ngại nếu phải bước chân vào đó một mình. Nhưng Lê Văn đã giải thích rằng “nghe nói” khác xa với “mục sở thị”. Huống chi nghề trinh sát là phải tiếp cận sự thật và chỉ có sự thật mới được kết luận được vấn đề.

Còn Trần Vinh thì động viên Hoàng Mai và cho biết sẽ không để cô vào vũ trường một mình mà lúc nào cũng có đồng đội hỗ trợ. Nhưng đó là chuyện sau này, trước mắt Trần Vinh phân công Hoàng Mai ngày mai lên đường về quê của Thảo Sương để tìm hiểu gia cảnh và bản thân cô ấy trước khi bỏ học lên thành phố làm gái nhảy ở vũ trường “Đom Đóm Xanh”. Việc này cần hơn. Chuyện ở vũ trường để anh và Lê Văn lo.

Đêm cuối tuần ở vũ trường Đom Đóm Xanh hầu như không còn một bàn trống. Khi Trần Vinh và Lê Văn bước vào, người quản lý vũ trường ăn mặc chải chuốt, cổ thắt nơ hình con bướm thái độ lễ phép, chiều khách đưa thẳng đến chiếc bàn nhỏ sát góc pise nhảy. Đây có lẽ là bàn “sơ cua” của anh ta dành để tiếp khách quen. Ở quán bar hay vũ trường nào cũng thế, nhưng Trần Vinh và Lê Văn tới đây lần đầu, không phải là khách quen.

Lúc cả hai ngồi xuống bàn, Trần Vinh nhìn Lê Văn trong vùng sáng tối lờ mờ do ánh sáng đèn từ sàn nhảy lên. Cả hai đang làm quen với thứ ánh sáng mờ ảo này thì má mì Ánh Mai lập tức đến bàn Trần Vinh, tự nhiên như …trong vũ trường, nước hoa thơm phức, nụ cười như sẵn trên môi, váy đầm màu đen, một bên xẻ đến hông, lồ lộ một chiếc chân trần đến ngộp mắt.

Sau khi nhấp một hớp rượu màu nâu sóng sánh, ướt môi, Ánh Mai cất giọng ngọt ngào gợi ý hai ông khách cần kêu “đào” để tiếp rượu và nhảy cho vui vẻ thì sẽ chọn á hậu, hoa khôi cho, bảo đảm không vừa ý không lấy tiền. Khi nghe Trần Vinh yêu cầu Thảo Sương thì má mì Ánh Mai giẫy nẫy bảo rằng hết sức đáng tiếc vì Thảo Sương đã có người bao trọn gói rồi, không thể điều sang bàn khác được. Ánh Mai còn ỡm ờ rằng Thảo Sương đang ngồi bàn với anh “Quý Việt kiều”. Ngay cả bàn anh Dũng râu và Hùng bò, khách ruột của cô ả cũng không yêu cầu được Thảo Sương nữa là khách lạ như Trần Vinh và Lê Văn.

Theo bàn tay chỉ của má mì Ánh Mai, Trần Vinh nhìn về chiếc bàn ở giữa, sát pise nhảy. Cũng chỉ thấy lờ mờ những bóng người, những gương mặt và những chai rượu mạnh xếp thành vòng tròn giữa bàn. Ai là “Quý Việt kiều” tức Nguyễn Quý trong số mấy thanh niên ngồi ở đấy? Còn Thảo Sương không khó lắm để nhận ra cô ta.

Trần Vinh lại hướng về một chiếc bàn khác, ồn ào hơn cách không xa bàn Nguyễn Quý, đó là một chiếc bàn đôi kê sát lại, trong bàn có năm thanh niên và năm cô “đào”, trên mặt bàn cũng có những chai rượu mạnh xếp thành vòng tròn và mọi người hình như đang say. Dũng râu và Hùng bò đang có mặt ở đó, hai đối tượng trong tầm ngắm của tổ trinh sát Trần Vinh.

Không phải đợi lâu, khi cô ca sĩ Bạch Yến được giới thiệu từ hải ngoại về ra đứng trước sân khấu hát bài “Vũ nữ thân gầy”, điệu Tango rộn rã nổi lên thì Nguyễn Quý dìu Thảo Sương ra pise nhảy. “Quý Việt kiều” có khác, ăn mặc đúng thời trang, sang trọng, đầu đinh vuốt gel dựng đứng, nhảy Tango rất sành điệu, bay bướm. Còn Thảo Sương không lầm lẫn vào đâu được, cô là một gái nhảy nổi bật lên trong đám “đào” của vũ trường nổi tiếng trẻ đẹp và rất “chảnh” này. Nguyễn Quý và Thảo Sương đúng là một cặp nhảy đẹp đôi.

Một cặp nhảy sát bên Nguyễn Quý và Thảo Sương là Hùng bò, giữa lúc sàn nhảy sôi động, rộn rã với điệu Tango hút hết ánh mắt mọi người vào đấy, bỗng Trần Vinh thấy Nguyễn Quý khuỵu xuống ôm chân rồi lập tức đứng lên nắm lấy cổ áo Hùng bò.

Sàn nhảy tán loạn, do đứng gần một bàn khách sát pise nên Hùng bò với lấy một chai bia đập “bốp” xuống cạnh bàn và chuẩn bị đập thẳng xuống đầu Nguyễn Quý. Lê Văn đứng bật dậy tính nhảy ra can thiệp nhưng Trần Vinh kịp kéo anh lại vì nhanh hơn cả Lê Văn, từ trong bàn, Dũng râu lao ra, bằng một động tác rất nhanh gọn của người có võ nghệ Dũng râu hất tay Hùng bò, bẻ ngoặt ra sau và tước lấy chai bia bể cổ sắc nhọn.

Giọng Dũng râu đanh gọn:    

- Hùng bò, không được hỗn với anh Quý.

Số phận nghiệt ngã

Hoàng Mai một mình với chiếc ba lô dễ thương đựng hai bộ quần áo và vài thứ vật dụng cá nhân cần thiết trên vai, áo pull ngắn tay, quần bò gọn gàng giống như một nữ sinh đi dã ngoại, cô tìm đến nhà Thảo Sương ở tít xã biển Bình Thắng của huyện Bình Đại-Bến Tre đã hơn năm giờ chiều. Bà Ba Nhàn, mẹ của Thảo Sương khoảng 60 tuổi, một bà cụ ốm yếu, quần áo tuềnh toàng, dáng lam lũ, mái tóc bạc gần hết, mắt nheo nheo nhìn cô gái lạ mặt như dò hỏi.

Hoàng Mai cho biết cô là bạn của Thảo Sương từ thành phố về thăm người bà con ở trong thị trấn, nhân tiện Thảo Sương nhờ cô ghé thăm bà luôn. Khi được bà Ba Nhàn cho biết Thảo Sương nói với bà lên thành phố bán cà phê, có lẽ công việc rất bận nên không thấy Thảo Sương về thăm thì Hoàng Mai “nhập vai” luôn, cô giới thiệu với bà Ba Nhàn mình cũng bán cà phê chung với Thảo Sương và động viên bà mẹ tội nghiệp rằng việc bán cà phê thì bận suốt, ít có ngày nào rảnh trừ khi mình có việc cần phải xin chủ nghỉ vài hôm.

Thế nào rồi Thảo Sương cũng sẽ về thì bà Ba Nhàn rất vui. Sau vài tiếng ho khan, bà than thở hiện tại bà bệnh rất nặng có nhắn lên cho Thảo Sương hay. Nhưng cô chỉ gửi ít tiền về cho bà uống thuốc chứ không nói khi nào về, khiến bà trông đứng trông ngồi. Thật tội.

Hoàng Mai lấy trong ba lô ra một gói trà, cây bánh pía Sóc Trăng và túi trái cây mua ở chợ huyện trước khi đến nhà để làm quà tặng bà Ba Nhàn. Nhìn những thứ bày ra trên bàn, bà Ba Nhàn trách khéo rồi ân cần mời Hoàng Mai tối nay ngủ lại để bà hỏi thăm công việc làm ăn của Thảo Sương trên thành phố.

Hoàng Mai không thể từ chối nhiệt tình của bà cụ. Vả lại nếu không ngủ lại đây thì cô cũng phải vào thị trấn thuê phòng khách sạn để nghỉ… nhìn quanh ngôi nhà trống vắng, đơn sơ không có vật dụng gì đáng giá, chỉ được cái nhà kín đáo, lợp tôn, vách xây tường, nền tráng xi măng sạch sẽ có hai phòng ngủ, một phòng khách nhỏ và gian bếp phía sau.

Bà Ba Nhàn lại ở một mình nên Hoàng Mai thấy cô ngủ lại đây tốt hơn là ở khách sạn. Thế là bà Ba Nhàn mở cửa phòng của Thảo Sương cho Hoàng Mai vào, cô quăng ba lô lên giường rồi đi tham quan một vòng, trong lúc bà Ba Nhàn lui cui nấu cơm.

Sáng hôm sau theo chỉ dẫn của bà Ba Nhàn, Hoàng Mai đi ra cảng cá Bình Thắng, tìm đến công ty thu mua hải sản Thành Đạt, nơi trước đây Thảo Sương đã xin vào làm kế toán một thời gian sau khi nghỉ học ở cuối năm lớp 12. Giám đốc công ty là Tư Đạt, vợ tên Năm Cúc, cả hai vợ chồng đều có mặt tại công ty khi Hoàng Mai đến tiếp xúc. Hoàng Mai phải đóng giả là cán bộ Phòng Tổ chức của công ty mà Thảo Sương nộp đơn xin việc, cô về đây để xác minh, tìm hiểu thêm về Thảo Sương trước khi có đề nghị tuyển dụng.

Tư Đạt chỉ nói chung chung, nhận xét ỡm ờ về cô kế toán cũ của công ty nhưng bà Năm Cúc thì cay nghiệt: “Con đó mà làm việc gì, nó vào làm kế toán cho tôi một thời gian rồi… quyến rũ chồng tôi, mượn 30 triệu đồng nói là sửa nhà cho mẹ. Bị tui phát hiện âm mưu dụ dỗ chồng tui nên nó mới nghỉ ngang lên thành phố. Nhưng tui đố nó giựt được 30 triệu, tiền mồ hôi nước mắt của tui, có mà bỏ xứ đi luôn thì may ra”.

Thái độ ấp úng của Tư Đạt khi đề cập tới Thảo Sương với vẻ áy náy, ngượng ngùng cho Hoàng Mai biết là lời vợ ông không thật. Giọng lưỡi của bà Năm Cúc biểu hiện sự ghen tuông, thù oán Thảo Sương vì có thể Tư Đạt đã có tình ý gì với cô kế toán trẻ đẹp mà bà ta bắt gặp.

Chuyện Thảo Sương mượn tiền sửa nhà sau cơn bão số 5 càn quét qua xã biển Bình Thắng là có thật, nhưng cô không phải bỏ việc để giật 30 triệu đồng mà bỏ việc vì không thể tiếp tục công việc ở công ty và muốn lên thành phố tìm việc làm để có cơ hội trả nợ cho bà Năm Cúc. Chuyện này Hoàng Mai đã nghe bà Ba Nhàn kể với cô đêm qua trong tiếng nấc nghẹn, nước mắt sụt sùi vì nỗi nhớ thương con của bà mẹ nghèo.

Ông Ba Nhàn, cha của Thảo Sương là dân đánh cá chuyên nghiệp từ thời trai trẻ. Ông theo tàu của chủ đánh cá xa bờ và không may gặp cơn bão lớn và tàu đã bị chìm, ông đã không trở về khi Thảo Sương mới 15 tuổi. Từ đó hai mẹ con bà Ba Nhàn rơi vào cảnh túng quẫn, Thảo Sương vừa đi học vừa làm mướn phụ với mẹ nhưng đến khi bà Ba Nhàn ngã bệnh và ngôi nhà bị bão đánh sập thì sự suy sụp của gia đình nghèo này đã xuống tới đáy khiến Thảo Sương phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền trả nợ.

Hoàng Mai đã tìm đến Công an xã Bình Thắng để xác minh thêm về Thảo Sương, và khi cô trở ra bến xe Bình Đại để trở về thành phố thì trong sổ tay công tác của người nữ điều tra đã ghi đầy đủ về số phận của một con người. Người đó lại là một cô gái nhỏ hơn Hoàng Mai vài tuổi, ở tuổi này Hoàng Mai cũng phải nghỉ học sớm vì hoàn cảnh nghèo. Cha hy sinh trong kháng chiến, mẹ bệnh tật mất sức lao động nên cô cũng phải ra đời kiếm sống, vượt qua số phận để vươn lên.

Mỗi người có một số phận và ngã rẽ khác nhau, Thảo Sương đã không may mắn vươn lên như Hoàng Mai mà rẽ vào một ngõ cụt. Rất có thể Thảo Sương thiếu ý chí vượt qua số phận, nhưng rõ ràng trong hoàn cảnh hiện tại cô thật đáng thương.

Tổ điều tra của Trần Vinh họp với lãnh đạo phòng lúc 3h chiều, kịp lúc Hoàng Mai đi công tác về. Vũ Hùng, chỉ huy đội điều tra nói với Thành Minh, Phó ban chuyên án:

- Nhìn Hoàng Mai mang ba lô trên vai, áo pull, quần bò, tóc đuôi gà, chẳng ai đoán nổi cô ấy là một trinh sát, chỉ giống nữ sinh lớp 12 thôi.

Thành Minh vui vẻ nhìn Hoàng Mai vừa ngồi xuống ghế:

- Tưởng em không về kịp buổi họp, đang mong. Thế nào, công việc tốt đẹp chứ?

- Vâng, ổn hết ạ.

- Thôi Trần Vinh báo cáo chuyện xảy ra ở vũ trường “Đom Đóm Xanh” đêm đó đi.

Sau khi Trần Vinh báo cáo, Thành Minh gật gù:

- Cậu ngăn không cho Lê Văn can thiệp việc Hùng bò và Nguyễn Quý xảy ra trên sàn nhảy của vũ trường là đúng. Vì làm thế sẽ hỏng bét. Cái chính là ta muốn đối tượng bị theo dõi trong một vụ án ngầm tự tạo ra sơ hở mà hành động của Hùng bò là một sơ hở ta cần có.

Lê Văn gãi đầu, ngượng ngùng:

- Em chỉ thấy lúc ấy cần phải can thiệp trước khi quá muộn. Nếu cái chai bia bể cổ sắc nhọn ấy mà đánh xuống đầu anh chàng “Quý Việt kiều” là toi đời hắn ngay. Sẽ có áng mạng nghiêm trọng.

Võ Hùng lắc đầu:

- Cậu không phải là… bảo vệ vũ trường, cũng không phải cảnh sát hình sự đang làm nhiệm vụ mà là một trinh sát điều tra. Hơn nữa hai nhóm này chắc chắn sẽ không để xảy ra đánh nhau vì một chuyện cỏn con do Hùng bò vô tình giẫm lên chân Nguyễn Quý.

- Không phải vô tình mà là cố tình đấy anh ạ- Trần Vinh nói.

Thành Minh gật đầu tán thành:

- Chính xác, nói chính xác hơn đây là một kịch bản do nhóm Dũng râu viết sẵn và Hùng bò “diễn”.

- Nhưng để làm gì?- Lê Văn hỏi.

- Để làm cái việc mà chúng muốn làm. Nhưng thôi, chuyện này phân tích sau, giờ thì nữ trinh sát Hoàng Mai người đi công tác xa về có gì báo cáo anh em nghe đi.

Hoàng Mai lật sổ tay công tác, hắng giọng…nhưng cùng lúc ấy chuông điện thoại di động của Vũ Hùng reo. Anh bấm máy nghe và hốt hoảng hỏi lớn:

- Cái gì, cậu nói gì, một vụ án mạng ở khách sạn Hoàng Cầu đường Thủ Khoa Huân à? Được rồi, chúng tôi tới ngay.

Cái chết bất ngờ

Khi Thành Minh và Tổ điều tra của Trần Vinh đến người hiếu kỳ đã vây kín phía trước khách sạn Hoàng Cầu. Đây là một khách sạn 5 tầng lầu, nằm ở khu vực trung tâm quận 1 cách cửa phía Tây chợ Bến Thành khoảng 300m. Các đồng nghiệp Công an phường Bến Thành và Công an quận 1 đã có mặt giữ hiện trường vụ án, Nguyễn Loan hướng dẫn Thành Minh và Trần Vinh lên cầu thang tới căn phòng 302, người chết là Nguyễn Quý.

Trần Vinh không khỏi ngỡ ngàng vì tối qua ở vũ trường “Đom Đóm Xanh” anh cũng chỉ mới thoáng nhìn gương mặt nạn nhân trong bóng tối của vũ trường và thoáng rõ nét hơn khi anh chàng này nhảy với Thảo Sương bản Tango cuối cùng. Một thanh niên trẻ, điển trai, đầy sức sống có những bước nhảy đẹp mà bây giờ lại nằm đây, ở lằn ranh cuối cùng của sự sống.

Theo yêu cầu của Thành Minh, Quản lý khách sạn Hoàng Cầu dành cho Tổ điều tra Trần Vinh một căn phòng trống ngay ở tầng 3 để ghi nhận lời khai ban đầu của nhân viên khách sạn trong ca trực tối qua.

Tiếp tân khách sạn tên Toàn khai Nguyễn Quý đăng ký phòng 302 ở một mình được khoảng một tuần, đêm qua ông khách về rất khuya, khoảng gần 1h sáng bằng xe taxi trong lúc trời mưa nên không nhìn rõ chiếc taxi thuộc hãng xe nào, chỉ biết đó là loại xe 4 chỗ ngồi sơn màu xanh trắng. Ông khách bước xuống xe với một cô gái cao, trẻ đẹp, giống như người mẫu, ông khách phòng 302 có lẽ đang trong cơn say nên được cô gái dìu vào thang máy.

Tưởng đây là bạn gái của ông khách sẽ ngủ lại đêm và vì là khách là “VIP” của khách sạn, nên tiếp tân không làm phiền. Một lúc sau đó cô gái trở xuống bằng cầu thang bộ, vẻ vội vã và kêu một chiếc taxi đi trong cơn mưa. Chiếc taxi này không đậu rước khách tại khách sạn mà do cô gái gọi tới.

Nhân viên phục vụ phòng tên Thu Cúc khai cô vào làm ca chiều, chờ hoài không thấy ông khách phòng 302 ra ngoài ăn cơm như thường lệ, cô tới gõ cửa phòng với mục đích báo cho khách biết cô phải vào làm vệ sinh phòng. Không thấy khách lên tiếng, thử lay ổ khóa thì cửa khóa trái bên trong.

Thu Cúc đợi hồi lâu không nghe động tĩnh gì, sinh nghi, cô dùng chìa khóa của tiếp tân mở cửa thì một cảnh tượng hãi hùng hiện ra. Ông khách nằm chết dưới chân giường ở tư thế người ngửa ra sau, máu ướt đẫm chiếc áo sơ mi màu xanh, con dao Thái Lan cán vàng còn cắm trên ngực.

Kỳ sau: Lời khai của nhân chứng

Từ Kế Tường
.
.
.