Nhân 68 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít (9/5/1945-9/5/2013):

Điều bí ẩn lớn nhất của đệ nhị thế chiến

Thứ Hai, 13/05/2013, 16:09

Rudolf Hess (1894-1987), nhân vật số hai của nhà nước Đức phát xít chỉ sau quốc trưởng A.Hitler, kẻ đã lĩnh một sứ mạng trọng trách trong năm 1941 - bay sang Anh "cầu hòa". Nhưng người đứng trước vành móng ngựa của Tòa án Quốc tế Nuremberg xử các tội phạm chiến tranh quốc xã lại không phải là Hess thật. Đó là ẩn số của lịch sử, một trong những điều bí mật nhất của thế kỷ XX vừa qua vẫn chưa được phanh phui…

Ngày 25/9/1973, Hew Thomas - bác sĩ phẫu thuật của Quân y viện Anh tại Tây Berlin - sững sờ khi phát hiện qua phim X quang buồng phổi của người đang đứng trước mặt ông: Rudolf Hess - tù nhân số 7 và cũng là kẻ còn lại duy nhất trong pháo đài Shpandow (nơi quân đồng minh dùng làm chỗ giam giữ những tên đầu sỏ phát xít). H.Thomas không thể tin ở mắt mình nữa!

Như nhiều bác sĩ quân y đồng minh khác, ông được thông báo là trong Thế chiến I, cựu "cánh tay phải" của Hitler đã bị thương nặng nơi lá phổi trái. Nhưng người này lại không có một vết tích gì trên buồng phổi cả, ảnh chụp đã minh chứng điều đó. Bác sĩ H.Thomas là một chuyên gia về các vết thương do súng đạn gây ra, ông biết rõ các vết thương loại này thường để lại dấu vết không thể phai mờ khi nạn nhân còn sống, với những cặp mắt của người ngoài nghề cũng dễ dàng nhận thấy qua phim X quang. "Lúc đó tôi nghĩ ngay chuyện bị thương của Hess trước đây hồi Đệ nhất Thế chiến chỉ là điều bịa đặt", H.Thomas nhớ lại.

Nhưng lương tâm của một nhà khoa học không để ông yên, ông quyết định thẩm tra lại mọi dữ kiện, rồi tìm được ở Tây Berlin bản sao chính thức hồ sơ bệnh án của R.Hess. Trong đó ghi rõ là ngày 8/8/1917 đã bị thương vì đạn ở phổi, vết thương khiến Hess phải nằm viện mất ba tháng. Nguồn tin này còn được bà Ilze Hess, vợ của tên cựu lãnh tụ quốc xã tái xác nhận.

Trong bức thư gửi cho bác sĩ H.Thomas, bà ghi: "Rudolf có nhiều sẹo nơi vết thương. Vốn là người từng ham thích thể thao, nhưng ông không thể chạy nhiều được nữa, thường hay thở dốc và ôm ngực vì vết thương tái phát". Bác sĩ H.Thomas không còn nghi ngờ gì nữa, người mà ông đã khám phổi không phải là R.Hess. "Sự thật luôn day dứt tôi!", ông khẳng định.

Rồi bác sĩ H.Thomas lần lại quá khứ, hướng tới một chuyến bay của ngày 10/5/1941, khi R.Hess cần phải tới được xứ Scotland để gặp các nhân vật lãnh đạo có trách nhiệm của Anh quốc, những người đang có ý định muốn thỏa thuận một "giao kèo ngầm", mong có được hòa bình với nhà nước quốc xã. "Nếu như không có gì trục trặc, thì mọi việc cần phải diễn ra đúng như vậy", H.Thomas thừa nhận.

Ông còn tìm ra Carehains Pinche, người đã có mặt trước khi Hess bay, thậm chí còn chụp được vài bức ảnh nữa. Ảnh vẫn còn được giữ lại, trên đó cho thấy rõ số hiệu máy bay của Hess. Nhưng chiếc phi cơ rơi ở Scotland sau đó, cả dưới động cơ cũng như trên thân có số không trùng với chiếc máy bay đã cùng Hess cất cánh từ căn cứ không quân Augsburg ở Bavaria. Ngay trên thân chiếc phi cơ mà hiện người ta còn giữ tại bảo tàng quân đội Anh ở Desford có sơn hàng chữ NJ + OQ, còn chính chiếc đã cất cánh từ nước Đức kia lại có số hiệu NIC-11.

Ngoài ra chiếc máy bay trong bảo tàng không có bộ phận để gắn bồn dự trữ nhiên liệu dưới cánh, còn chiếc phi cơ đã tới được Scotland kia lại có mang theo thùng dầu phụ, mà một chiếc thùng như vậy đã được người ta tìm thấy ngày hôm sau (11/5/1941) trên sông Clyde. "Việc hạ cánh giữa chừng là điều bị loại trừ - H.Thomas tiếp tục - Đường bay đã được radar Đức theo sát tới biển Bắc và sau đó là hệ thống radar dày đặc của lực lượng phòng không hoàng gia Anh "nắm cổ".

"Tôi đã nghiên cứu tất cả các biên bản hỏi cung R.Hess - bác sĩ H.Thomas tiếp tục - Tại sao một người được cử đi với lời thỉnh cầu về một hiệp định hòa bình, lại không hề đả động gì đến việc đó trước người Anh cả? Với một nhân vật "tầm cỡ" như Hess, làm sao lại có những hiểu biết rất mơ hồ về Đế chế đệ tam; cũng như cách xã giao của một kẻ đã từng là "lãnh tụ" xem ra rất… trái khoáy. Hiển nhiên người Anh quá rõ về vị "thượng khách" của mình, nên Thủ tướng W.Churchill hồi đó mới ra lệnh cấm chụp ảnh "tên tù binh" kia.

Và đó là một cách để thổi phồng thêm huyền thoại của câu chuyện mà London khăng khăng rằng Hess đến Anh là để đàm phán, còn giới tình báo Đức bắt đầu lan truyền một chiến dịch "tung hỏa mù", rằng Hess đã bỏ trốn và tới Anh "tị nạn". Trong nhà tù nối liền với nơi xử án ở Nuremberg, R.Hess luôn tách riêng ra khỏi những người cùng bị giam, không tham gia vào các câu chuyện của họ.

Còn ở pháo đài Shpandow sau khi phiên tòa lịch sử kết thúc, phạm nhân nào cũng bồn chồn mong mỏi được gặp người thân ngay, riêng Hess thì một mực từ chối. Mãi cho tới năm 1969, trọn 24 năm sau mới chấp nhận sự thăm viếng của gia quyến. "Cậu ấm" Wolf Rudiger Hess năm 1941 mới lên ba tuổi, làm sao mà dám khẳng định đã nhận đúng ra cha mình sau… 28 năm trời?

Theo H.Thomas thì mấu chốt của vấn đề nằm trong cuộc tranh giành quyền binh ở hàng ngũ chóp bu của nhà nước quốc xã. Điều rõ ràng là máy bay chở Hess đã bị bắn hạ trên vùng trời biển Bắc. Còn Thống chế H.Goering, kẻ cầm đầu lực lượng không quân phát xít "Luftwaffe" hiển nhiên là biết quá rõ về số phận của Hess.

Còn một giả thuyết nữa: Giới lãnh đạo quốc xã, những kẻ không tán thành quan điểm hòa hoãn với người Anh, đã lập mưu hại Hess. Họ đã giết Phó quốc trưởng R.Hess và thay vào bằng một kẻ khác giống y hệt, nhằm mục đích khiến cho "tiến trình hòa bình" tan thành mây khói. Với "kỳ tích" này, quân Đức đã phóng một mũi dao đạt hai mục tiêu là loại bỏ được kẻ bất đồng chính kiến Rudolf Hess và đánh lừa được quân Anh, bằng chứng là những trận không tập sau này với tính chất bất ngờ làm Anh quốc choáng váng

Trần Hồng (theo Historia)
.
.
.