Điều tra vụ "rửa" 234 tỷ USD tại ngân hàng lớn nhất Đan Mạch

Thứ Bảy, 29/09/2018, 12:02
Ủy ban châu Âu (EC) vừa quyết định yêu cầu Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA) mở cuộc điều tra đối với ngân hàng lớn nhất Đan Mạch Danske Bank do liên quan tới vụ "rửa" 234 tỷ USD. Theo người phát ngôn của EC Christian Wigand, họ đã gửi thư tới EBA để yêu cầu điều tra về cơ chế giám sát của chi nhánh Ngân hàng Danske Bank tại Estonia.

Tờ Financial Times đã trích nội dung bức thư của EC gửi EBA - các nhà điều tra cần làm rõ những dấu hiệu vi phạm luật Liên minh châu Âu (EU) ở cả hội sở chính của Danske Bank và chi nhánh tại Estonia "với mức độ khẩn cấp cần thiết". Quyết định hôm 23-9 của EC được đưa ra sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Thomas Borgen của Ngân hàng Danske Bank tuyên bố từ chức gần 10 ngày trước (19-9). 

"Rõ ràng Danske Bank đã không thể thực hiện đúng nghĩa vụ trong vụ rửa tiền bị tình nghi ở Estonia. Tôi vô cùng hối tiếc về điều này", hãng Reuters trích lời CEO Thomas Borgen khi tuyên bố từ chức. Mặc dù CEO Thomas Borgen đã quyết định từ chức, nhưng theo kết quả điều tra nội bộ và tuyên bố của Chủ tịch Ole Andersen và Hội đồng Quản trị - không vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của họ đối với Danske Bank. 

Ông Thomas Borgen.

Được biết, Danske Bank đã không có hành động thích hợp từ năm 2007, sau khi bị giới chức Estonia cảnh báo cùng những thông tin từ đối tác của Đan Mạch cho biết, đã xảy ra hoạt động tội phạm, bao gồm rửa tiền tại chi nhánh Estonia với trị giá hàng tỷ rub/tháng. 

Tới khi vụ việc bị phát hiện tại chi nhánh Estonia hồi đầu năm 2014, Danske Bank vẫn không tiến hành điều tra đầy đủ và báo cáo việc này lên Hội đồng Quản trị. Danske Bank cũng cho biết, nền tảng IT của toàn hệ thống không được nâng cấp vì việc này quá tốn kém và đó là lý do chi nhánh ở Estonia không tuân thủ các thủ tục chống rửa tiền của ngân hàng này.

Theo kết quả điều tra của một công ty luật đối với Danske Bank (1 trong 25 ngân hàng lớn nhất châu Âu), trong giai đoạn 2007-2015, hơn 1.500 tỷ Kroner (khoảng 234 tỷ USD) đã được giao dịch thông qua chi nhánh của ngân hàng này tại Estonia. Trong số các tài khoản bị điều tra, khoảng 6.200 tài khoản có dấu hiệu khả nghi và Ngân hàng Danske Bank cũng không thể chắc chắn về số lượng tiền phi pháp được giao dịch tại chi nhánh ở Estonia. 

Theo đại diện của Danske Bank, chi nhánh của họ tại Estonia có nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Nga, Azerbaijan, Ukraine và một số nước thuộc Liên Xô cũ. Danske Bank cũng cho biết, chi nhánh Estonia đã giao dịch với khoảng 15.000 khách nước ngoài với tổng số tiền lên tới 234 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2015. 

Theo tờ Laundroamt, chi nhánh tại Estonia của Danske Bank có giao dịch liên quan từ Azerbaijan đến giới chính khách châu Âu. Giới truyền thông đưa tin, Danske Bank đang phải hứng chịu những chỉ trích cùng cuộc điều tra của giới chức Đan Mạch và Anh sau khi xuất hiện thông tin về những giao dịch bất hợp pháp lên tới 234 tỷ USD được thực hiện tại chi nhánh của ngân hàng này ở Estonia. 

Cơ quan Giám sát Tài chính Đan Mạch cũng quyết định mở cuộc điều tra để làm rõ những khuất tất tại Danske Bank. "Đây là một trường hợp nghiêm trọng", công tố viên nhà nước Đan Mạch Morten Niels Jakobsen nói với tờ The Wall Street Journal. Được biết, Danske Bank đang hỗ trợ công tố viên điều tra, làm rõ vụ bê bối tại ngân hàng này.

Cổ phiếu của Danske Bank đã giảm 5% sau khi vụ bê bối rửa tiền được công bố. Trước khi EC thông báo quyết định điều tra kể trên, giá trị vốn hóa thị trường của Danske Bank đã mất khoảng 1/3 trong vòng nửa năm qua, chủ yếu do lo ngại về khả năng giới chức Mỹ sẽ đưa ra hình phạt nặng đối với ngân hàng này. 

Tuy chưa có giấy phép hoạt động tại Mỹ, nhưng nếu Washington cấm các ngân hàng nước này giao dịch với Danske Bank, thì điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng lớn nhất Đan Mạch sẽ bị đứng ngoài hệ thống tài chính thế giới. Theo giới truyền thông, Danske Bank đã đóng tài khoản của Lantana Trade LLP (công ty gian lận doanh thu trong báo cáo tài chính) cùng 20 công ty khác từng giao dịch tại chi nhánh Estonia và tiếp tục đóng những tài khoản liên quan đến chủ sở hữu ẩn danh.

Báo cáo về vụ rửa tiền tại Ngân hàng Danske Bank được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát mới chuyên trách chống tội phạm tài chính. Hơn 20 ngày trước (7-9), thành viên ban lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure cho biết, châu Âu cần có một cơ quan chung để chống rửa tiền sau nhiều vụ việc xảy ra trong hệ thống ngân hàng của các quốc gia thành viên EU. Ông Benoit Coeure khẳng định, ECB ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào dẫn tới giải pháp ứng phó với nạn rửa tiền ở châu Âu.
Phạm Huy Anh
.
.
.