Dốc sức truy tìm hung thủ vụ khủng bố ở Ai Cập

Thứ Ba, 28/11/2017, 22:06
Tính tới tối 25-11, đã có ít nhất 305 người chết (trong đó có 27 trẻ em) và 128 người bị thương trong vụ khủng bố ngày 24-11, nâng tổng số người thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công vào nhà thờ Al-Rawdah, ở phía Bắc Sinai lên 433 người.


Bộ Nội vụ Ai Cập đã nâng cấp cảnh báo an ninh ở mức độ tối đa ở tất cả các tỉnh, thành phố sau vụ tấn công khủng bố hôm 24-11. Các biện pháp an ninh đã được tăng cường xung quanh các nhà thờ, các cơ sở quan trọng và thiết yếu, các trụ sở cảnh sát, an ninh, rạp chiếu phim và nhà hát, cũng như trụ sở các bộ và cơ quan ngoại giao. 

Cơ quan dịch vụ truyền thông quốc gia Ai Cập (SIS) nhấn mạnh, vụ tấn công vào nhà thờ Al-Rawdah cho thấy bản chất man rợ của các tổ chức khủng bố mà Ai Cập đang phải đối mặt. Các phần tử khủng bố đã thay đổi mục tiêu và cho thấy sự sụp đổ của chúng khi tấn công vào người dân và nhà thờ Hồi giáo. 

Điều này cũng cho thấy mục tiêu thực sự của các vụ tấn công khủng bố không phải là một chế độ chính trị hay một thể loại cụ thể, mà là gây bất ổn về an ninh, ổn định và cuộc sống của người dân. Trong khi đó, giới chuyên môn coi vụ tấn công nhà thờ Al-Rawdah chứng tỏ IS vẫn còn khả năng gieo rắc sự chết chóc, bất chấp việc mất gần hết lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Với 305 người chết, vụ đánh bom và xả súng bên trong nhà thờ al-Rawda ở thị trấn Bir al-Abed hôm 24-11 được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra trong lịch sử hiện đại của Ai Cập. 

Tuy chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng từ trước đến nay hầu hết các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Bắc Sinai chủ yếu là do nhóm Ansar Beit Al-Maqdis thuộc IS thực hiện. Theo công tố viên và các nhân chứng, có từ 25 đến 30 tay súng mặc quần áo ngụy trang và mang cờ đen đi trên 5 chiếc xe bán tải khi tấn công vào nhà thờ Al-Rawdah và những người gặp nạn khi đang cầu nguyện. 

"Chúng vừa bắn vào mọi người vừa chạy khỏi đền thờ. Chúng bắn cả vào xe cứu thương", một nhân chứng nói với hãng Reuters. Theo tờ The Guardian, nghi phạm lớn nhất là chi nhánh của IS ở địa phương. Nhóm này có tên gọi Wilayat al-Sinai (Nhà nước Hồi giáo ở Sinai), tổ chức được coi đứng sau vụ một máy bay hành khách Nga rơi ở Sinai, khiến 224 người thiệt mạng năm 2015. 

Các nạn nhân được khẩn trương chuyển vào bệnh viện sau vụ tấn công.

Các nạn nhân là người Hồi giáo Sufi, một nhánh của dòng Hồi giáo Sunni và bị IS coi là "kẻ bội giáo". IS từng tuyên bố, sẽ loại bỏ người Sufi khỏi Sinai nói riêng và Ai Cập nói chung. Theo thống kê của cảnh sát, Wilayat al-Sinai có khoảng 1.000 thành viên, là một trong hơn 10 chi nhánh được IS lập ra khắp Trung Đông năm 2014.

Ngày 25-11, quân đội Ai Cập đã điều chiến đấu cơ không kích một số chiếc xe được sử dụng trong vụ tấn công nhà thờ Al-Rawdah, tiêu diệt toàn bộ người trên xe. Việc này được tiến hành sau khi Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi tuyên bố, sẽ trả đũa vụ khủng bố bằng "sức mạnh tối đa". 

Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp. Trong tuyên bố trên truyền hình Ai Cập, Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi ngoài việc lên án mạnh mẽ cuộc tấn công khủng bố, còn khẳng định quân đội và cảnh sát sẽ đáp trả đối với các hành động khủng bố trong thời gian tới để đảm bảo sự ổn định và an ninh đất nước. 

Giới chức Ai Cập thông báo, sẽ xử lý vụ tấn công ở mức "trường hợp an ninh quốc gia cực kỳ khẩn cấp". Chính phủ đã tuyên bố quốc tang 3 ngày. Thiếu tướng Alaa El Din Abdel-Meguid, chuyên gia an ninh Ai Cập cho rằng, vụ tấn công cho thấy các phần tử khủng bố đã thất bại khi nhắm vào mục tiêu là các cơ quan, tổ chức Nhà nước và đã chuyển sang tấn công các mục tiêu dân sự, nhà thờ.

Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã lên án và chỉ trích vụ tấn công khủng bố hôm 24-11. Trên trang Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "một vụ tấn công khủng bố kinh hoàng và hèn nhát nhằm vào những tín đồ vô tội và không có khả năng tự vệ tại Ai Cập". Tổng thống Nga Putin đã gửi lời chia buồn tới Tổng thống Ai Cập, đồng thời xác nhận Moskva sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với nước này trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Theo giới truyền thông, 4 năm qua, Chính phủ Ai Cập tuy không ngừng đẩy mạnh cuộc chiến chống lại sự nổi lên của các phần tử khủng bố, nhất là tại Bắc Sinai, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Từ năm 2013, IS đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố, khiến hàng trăm cảnh sát và binh sĩ Ai Cập bị chết. 

Anh Phương
.
.
.