Đôi điều về nữ Trưởng đặc khu hành chính Hongkong đầu tiên

Chủ Nhật, 02/04/2017, 19:50
Sau khi giành được 777/1.163 phiếu bầu, cựu Chánh văn phòng chính quyền Hongkong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chính thức trở thành nữ Trưởng đặc khu hành chính Hongkong đầu tiên.

Bởi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã bỏ xa 2 đối thủ chính là cựu Cục trưởng Cục Tài chính Hongkong, ông Tăng Tuấn Hoa (còn gọi là John Tsang, nhận được 365 phiếu) và cựu Thẩm phán Hồ Quốc Hưng (còn gọi là Woo Kwok Hing, chỉ có 21 phiếu), trong cuộc bầu cử hôm 26-3. Theo giới truyền thông, số ủy viên của Ủy ban Bầu cử tham gia bỏ phiếu lên tới 1.186/1.200 người, đạt 99,33%, con số cao kỷ lục.

Theo thông báo trước đó của Ủy ban Bầu cử, trong đợt đề cử, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã giành được 580 phiếu đề cử, ông Tăng Tuấn Hoa nhận được 165 phiếu, còn ông Hồ Quốc Hưng nhận được 180 phiếu.

Giới chuyên môn cảnh báo, sau khi chính thức nhậm chức (1-7), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như làn sóng đòi dân chủ. Bởi hệ thống bầu cử từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014 và các thủ lĩnh sinh viên biểu tình khi đó từng đề nghị phổ thông đầu phiếu, nhưng bất thành.

Tỉ phú Hongkong Lý Gia Thành bắt tay bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại buổi bầu cử.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi đắc cử, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, sẽ ưu tiên hàn gắn chia rẽ và xoa dịu căng thẳng, thống nhất xã hội trong bối cảnh Hongkong đang đối mặt với tình trạng chia rẽ nghiêm trọng và ảnh hưởng tới việc cải cách chính trị tại đặc khu hành chính này.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng cam kết tuân thủ những lời hứa khi tranh cử, bao gồm việc triển khai thuế lợi tức "hai tầng", giảm thuế để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, giải quyết vấn đề giá nhà đất tăng cao bằng cách tăng nguồn cung đất đai và tăng chi tiêu giáo dục.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được dư luận đánh giá là nữ chính trị gia có năng lực đoàn kết người dân, đặc biệt là dung hòa các thế lực chính trị tại Hongkong.

Và trong mắt nhiều người, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là "nữ tướng" thông minh, chăm chỉ và có khả năng thúc đẩy những chính sách gây tranh cãi. Bởi khi lãnh đạo Văn phòng phúc lợi xã hội Hongkong (2000-2003), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng thắt chặt trợ cấp an sinh xã hội.

Trước khi trở thành Chánh văn phòng chính quyền Hongkong (2012), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng giữ nhiều chức vụ như Cục trưởng Cục Phúc lợi xã hội, Tổng Thư ký thường trực Cục Nhà ở và Quy hoạch đất đai, Trưởng Văn phòng Kinh tế-Thương mại Hongkong tại London (Anh), Cục trưởng Cục Phát triển Hongkong.

Vì lễ nhậm chức diễn ra đúng thời điểm Hongkong tròn 20 năm trở về với Trung Quốc (1-7-1997 – 1-7-2017), nên dư luận càng quan tâm tới chiến thắng của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (còn gọi là Carrie Lam, hay Carrie Lam Cheng Yuet-ngor), nhân vật từng gây chú ý sau khi được chọn làm người đàm phán với các lãnh đạo biểu tình năm 2014.

Và vì những người phản đối lo ngại trước sự cứng rắn của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể khiến vùng đất này thêm chia rẽ, nên một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nữ Trưởng đặc khu hành chính Hongkong đầu tiên là hàn gắn chia rẽ, vực dậy nền kinh tế và giải quyết các vấn đề như bất công xã hội, giá bất động sản leo thang. Nhiều người nói rằng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là người có kinh nghiệm trong việc giải quyết cuộc biểu tình năm 2007 và năm 2014.

Theo giới truyền thông, vì nhiều nghị sĩ Hongkong từng tẩy chay ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hongkong, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30-6, nên họ cũng coi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là phiên bản 2.0 của người tiền nhiệm. Bởi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được coi là chính khách thân Trung Quốc.

Hãng BBC vừa dẫn lời bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - hoan nghênh và khuyến khích người dân bày tỏ chính kiến, cũng như cam kết khai thác sức mạnh của giới trẻ. Đồng thời khẳng định duy trì "những giá trị cốt lõi" của Hongkong như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tôn trọng nhân quyền và luật pháp.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sinh năm 1957 tại Hongkong và là công chức của chính quyền thuộc địa Anh ở đây sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học của Đại học Hongkong năm 1980. Tuy được gọi là "bà đầm thép", nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng năn nỉ chồng con từ Anh trở về Hongkong để ủng hộ tinh thần cho mình khi quyết định ra tranh cử hôm 12-1-2017.

Trong cuộc phỏng vấn với cổng tin tức Citizen News về tin đồn "cặp bồ tại Anh", chồng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, thông tin trên tờ Apple Daily xuất phát từ quãng thời gian ông chăm sóc các con ở Anh, trong khi vợ làm việc ở Hongkong.

"Tôi có thể nói rằng, không hề có chuyện như vậy. Quan hệ giữa tôi và vợ rất tốt đẹp. Tôi chưa bao giờ làm điều gì sai trái đối với mối quan hệ của chúng tôi", chồng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định.

Về phần mình, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, tin tưởng 200% vào người đàn ông đã sống hơn 30 năm qua với mình.

Trịnh Huyền My
.
.
.