Đội quân "siêu nhận dạng" của cảnh sát Anh

Chủ Nhật, 13/10/2013, 09:37

Nhìn một khuôn mặt, nhận dạng và ghi nhớ nó trong đầu để rồi có thể tìm kiếm và phát hiện ra khuôn mặt này trong hàng vạn, thậm chí hàng triệu gương mặt khác mà bạn bắt gặp mỗi ngày. Đó là nhiệm vụ chính của đội quân "siêu nhận dạng" trong Sở Cảnh sát Scotland Yard (Anh). Những "siêu nhận dạng" này đã giúp cho công việc truy lùng tội phạm ở xứ sở sương mù trở nên dễ dàng hơn.

Không bao giờ quên một khuôn mặt

Vài năm trước, khi vừa chuyển tới sống ở London, một trong những người bạn mới quen của Jarett định giới thiệu cô với một người đàn ông trẻ đứng ở góc phòng tiệc mà họ đang tham dự. Jarett quay sang nhìn và thốt lên: "Ồ, tớ biết anh chàng này. Anh ý học cùng trước Hebrew hồi tớ học lớp 4". Vào thời điểm đó, Jarett đã 38 tuổi và không hề gặp chàng thanh niên này trong suốt gần 2 thập kỷ, kể từ khi họ còn là như cô bé, cậu bé. Vậy mà, cô vẫn nhớ khuôn mặt ấy. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy, có những người "siêu nhận dạng" như Jarett, nghĩa là họ có thể nhận dạng và ghi nhớ các khuôn mặt.

Não của họ có khả năng phân loại từng khuôn mặt người, từng đặc điểm nhận dạng họ; xác định khuôn mặt thay đổi từ người này sang người khác như thêm một bộ râu hoặc đã cạo râu, thay đổi kiểu tóc… và sau đó hồi tưởng lại khuôn mặt, phát hiện các khuôn mặt này trong những đám đông. Trên thế giới, cứ 100 người lại có 1 người được xếp vào loại "siêu nhận dạng" nhưng hầu hết những người này lại không biết rằng họ có kỹ năng đặc biệt mà chỉ cho rằng mọi người khác cũng có thể nhớ khuôn mặt giống như họ.

Ngay sau khi nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố, một nhóm nhà khoa học trong ngành cảnh sát Anh cũng đã xác định và nghiên cứu nhóm người "siêu nhận dạng". Trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 8, nhóm người "siêu nhận dạng" này đã được giao nhiệm vụ xem xét các nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp từ các năm có tổ chức Lễ hội Carnival ở Notting Hill để tìm và phát hiện những khuôn mặt đáng ngờ. Cuối cùng, những người này đã xác định được nghi phạm liên quan đến các vụ cướp bóc và một số tội phạm khác trong năm 2012 và ghi nhớ nó để quan sát, tìm hình ảnh về những kẻ này thông qua hình ảnh đầy đủ được chụp từ camera an ninh của thành phố.

Paul Hyland là một người giống như Jarett. Anh không bao giờ quên một khuôn mặt và thường trợ giúp cho lực lượng cảnh sát Scotland Yard để truy tìm tội phạm. Vài năm trước, cảnh sát London đã thu thập thông tin một tên tội phạm đã thực hiện 9 vụ cướp táo tợn. Một tháng sau khi nhìn thấy khuôn mặt tên trộm qua cảnh chụp, Paul Hyland đã phát hiện ra hắn khi đang bị tắc đường cùng 2 đồng nghiệp ở một khu phố trung tâm của London. Paul Hyland kể: "Tôi nhìn lên và thấy anh chàng này ra khỏi một trường đại học". Hyland nhớ lại và tin chắc rằng đây là khuôn mặt kẻ trộm mà anh đã xem nhưng các đồng nghiệp lại không tin là vậy. Hyland vẫn quyết định bắt giữ nghi can và tên  này sau đó đã thú nhận mọi tội lỗi. Hyland nói: "Nếu tôi gặp một người hoặc xem ảnh của họ thì tôi có thể nhận ra họ trong lần gặp thứ 2".

Vũ khí bí mật của cảnh sát Anh

Theo tin từ hãng Telegraph, từ năm 2011, khoảng 200 nhân viên cảnh sát London đã được tuyển vào đội hình ưu tú của "siêu nhận dạng" do Chánh Thanh tra Scotland Yard Mick Neville chỉ huy. Những nhân viên cảnh sát "siêu nhận dạng" này mỗi ngày làm việc từ 8-10 tiếng, trong đó nhiệm vụ chính của họ là nhớ toàn bộ các hình ảnh, khuôn mặt được xác định từ các camera giám sát an ninh hoặc những đoạn video có được tại hiện trường các vụ án…

Trong nhiều trường hợp, phát hiện của đội quân "siêu nhận dạng" này đã giúp cảnh sát London ngăn ngừa một số tội phạm như trộm cắp, mua bán ma túy hoặc tấn công người khác. Mick Neville nói: "Khi chúng tôi có một hình ảnh của tội phạm không xác định, tôi biết chính xác người mình cần nhờ vì gửi nó cho tất cả mọi người và nhận được một loạt các chỉ dẫn sai". Nhưng không phải ai cũng thực sự tin vào đội quân này. Đơn vị cảnh sát "siêu nhận dạng" chỉ được chú ý sau cuộc bạo loạn tại lễ hội Carnival Notting Hill hồi mùa hè năm 2011. Sau khi bạo lực xảy ra, Sở Cảnh sát London đã phải trải qua hàng trăm giờ để xem xét lại video giám sát.

Cho đến nay, đã có gần 5.000 vụ bắt giữ, khoảng 4.000 người trong số những người đã được nhận dạng dựa trên những phát hiện của 17 thành viên trong đơn vị cảnh sát "siêu nhận dạng". Hãng Guardian dẫn nguồn tin từ Sở Cảnh sát London cho hay, mỗi sĩ quan thuộc đơn vị này đã xác định được gần 300 nghi phạm. Cùng với đó là sự hỗ trợ của phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Hồi tháng 8, lễ hội đường phố lớn nhất châu Âu lại được tổ chức và lần này, đội quân của Mick Neville đã được huy động toàn lực. Họ được đưa vào một phòng điều khiển để nghiên cứu đoạn băng giám sát và phát hiện các rắc rối tiềm năng. Khi đó, một "siêu nhận dạng" đã nhìn thấy những gì ông nghĩ là một không chắc chắn.

Mick Neville, đội trưởng đội "siêu nhận dạng" của Cảnh sát Anh, "siêu nhận dạng" Idris Bada, "siêu nhận dạng" Paul Hyland.

Ngày hôm sau, các "siêu nhận dạng" nhìn thấy cùng một người và khi cảnh sát can thiệp, họ đã tìm thấy nghi phạm với cocaine. Mick Neville lưu ý rằng, các nhân viên của ông không phải là không thể sai lầm và nhận dạng của họ chỉ là sự bắt đầu của một trường hợp, sau đó cảnh sát bắt đầu tìm kiếm các bằng chứng khác.

Cho đến nay, khi Sở Cảnh sát London chính thức công nhận sự tồn tại của đơn vị siêu nhận dạng, Mick Neville mới phần nào yên tâm về cuộc sống và công việc của những người có trí nhớ khác biệt này. Mick Neville kể rằng, từ năm 1989, khi còn là thám tử thực tập ở Lambeth, ông đã phát hiện một điều rằng, camera quan sát được lắp đặt chỉ mang tính chất phòng ngừa và không có một hệ thống để trích xuất các bằng chứng và sử dụng chúng đúng cách. Thậm chí, có lúc ông cực đoan cho rằng camera là vô giá trị khi bị mắc kẹt trong hình ảnh camera quan sát quay những kẻ tình nghi trong một vụ cướp của sàn casino ở Stockwell. Ông đã cung cấp những ảnh này cho mạng lưới cung cấp tin của mình để xem họ có thể đặt tên cho bất kỳ khuôn mặt.

Mick Neville nhớ lại: "Một anh chàng nói những người này tham gia vụ cướp trên khắp London. Chúng tôi kiểm tra và thấy đúng là như vậy". Từ đó, Mick Neville bắt đầu chiến đấu cho một hệ thống là những người "siêu nhận dạng" với mục đích xác định nghi phạm. Không ai quan tâm.  "Họ nói rằng nó sẽ không bao giờ làm việc", ông nói. Sau đó, đến các cuộc bạo loạn tháng 8 năm 2011 và 200.000 giờ của đoạn phim từ camera quan sát. Hình ảnh của 4.000 kẻ tình nghi. Từ đó, tất cả mọi thứ mà Mick Neville đã chiến đấu trở nên có ý nghĩa.

Trong đội của Mick Neville hiện nay, Idris Bada là sĩ quan nhiều tuổi nhất. Ông đã trở thành nỗi ám ảnh của bọn tội phạm. Idris Bada mỗi ngày ghi nhớ khoảng 50 khuôn mặt thông qua các bản tin hình sự. Gary Collins là người đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết tội phạm cuộc bạo loạn năm 2011. Chính ông cũng là người đã giúp bắt giữ các thành viên của băng đảng Hackney. Martin Lotriet Haringey vừa là một "siêu nhận dạng", vừa là một siêu hacker…

Hiện để gia tăng các khả năng sẵn có của các thành viên trong đội, Mick Neville đã tìm đến Tiến sĩ hàng đầu về tâm lý học của Anh Josh Davies. Họ đang cùng tham gia một chương trình thử nghiệm mà ở đó, Josh Davies và Mick Neville tham vọng rằng sẽ giúp các “siêu nhận dạng” làm việc hiệu quả hơn. Các bài kiểm tra cũng sẽ được đưa ra đối với những người mới muốn tham gia đội quân “siêu nhận dạng” của Mick Neville. Cơ quan pháp luật Anh cũng đang xem xét khả năng sử dụng những “siêu nhận dạng” như nhân chứng chuyên môn tại tòa án trong các tình huống mà họ là người xác định tội phạm dựa trên những hình ảnh được cung cấp.

Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol nói rằng, không biết về bất kỳ lực lượng cảnh sát nào trên toàn thế giới sử dụng "siêu nhận dạng" tương tự như cảnh sát Anh. Tuy nhiên, khả năng của các "siêu nhận dạng" này thật sự ấn tượng

Hà Linh
.
.
.