Đơn vị 731: Phòng thí nghiệm của quỷ dữ

Thứ Tư, 18/07/2018, 09:46
Câu chuyện kinh hoàng về Đơn vị 731 của Nhật chuyên tiến hành những thí nghiệm khủng khiếp trên người dưới vỏ bọc "nghiên cứu chiến tranh" trước và trong Thế chiến II lại một lần nữa được phơi bày trong cuốn sách có nhan đề “Đơn vị 731: Phòng thí nghiệm của ác quỷ, Auschwitz của phương Đông” được xuất bản gần đây.


Hơn 3.000 người, chủ yếu là người Trung Quốc và cả tù binh chiến tranh Nga, Anh, Mỹ đã bị các nhà nghiên cứu của Đơn vị 731 coi như chuột bạch để trị bệnh hoại tử vì tê cóng.

Đơn vị 731 được thành lập năm 1936 ở Cáp Nhĩ Tân, đông bắc Trung Quốc để quân đội Nhật hoàng tiến hành nghiên cứu về các mầm bệnh thời chiến, khả năng của vũ khí và những giới hạn của con người. Đơn vị được công bố rộng rãi là Cục Phòng chống dịch bệnh và xử lý nước Đạo quân Quan Đông. Được thành lập bởi Hiến binh của Đế quốc Nhật Bản, Đơn vị 731 được điều hành bởi Tư lệnh Ishii Shiro đến tận khi kết thúc chiến tranh.

Đơn vị 731 được đặt tại quận Bình Phòng thuộc thành phố Cáp Nhĩ Tân, thành phố lớn nhất trong chính quyền bù nhìn Mãn Châu Quốc (giờ là đông bắc Trung Hoa). Hơn 10.000 người - tức khoảng 600 người mỗi năm bị Hiến binh Nhật bắt giữ để làm vật thí nghiệm cho dự án 731. 

Hơn 95% tổng số nạn nhân chết trong trại tập trung ở Bình Phòng là người Trung Quốc và Hàn Quốc, bao gồm cả binh lính và dân thường. 5% còn lại là người Đông Nam Á, người ở Thái Bình Dương, người dân thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản, và một số nhỏ tù binh chiến tranh trong Thế chiến II.

Người chịu trách nhiệm chính về đơn vị 731, Trung tướng Shiro Ishii.

Hình ảnh về những nghiên cứu và thử nghiệm ghê rợn của đơn vị trên mới đây đã xuất hiện trong cuốn sách có nhan đề “Đơn vị 731: Phòng thí nghiệm của ác quỷ, Auschwitz của phương Đông”. Các bức ảnh cho thấy binh sĩ Nhật tham gia giải phẫu sống - tiến hành những cuộc phẫu thuật trên người sống để nghiên cứu các bộ phận và mô sống. 

Các thí nghiệm và giải phẫu trên nam, nữ và trẻ em đều được tiến hành trong tình trạng không tiêm thuốc tê để kết quả không bị thuốc tác động. Các tù nhân sẽ bị cho nhiễm bệnh, rồi sau đó, nội tạng của họ được lấy để các nhà khoa học nghiên cứu tác động của bệnh trước khi nó phân hủy.

Ngoài ra, tù nhân còn bị chặt tay chân để các nhà khoa học thuộc Đơn vị 731 nghiên cứu tình trạng mất máu. Tiếp đó, các bộ phận sẽ được gắn lại ở phía bên kia của cơ thể, các tài liệu ghi chép cho thấy.Các nhà khoa học Nhật còn dùng tù nhân để nghiên cứu các bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

Theo đó, các tù nhân nhiễm bệnh giang mai bị ép quan hệ tình dục với tù nhân khỏe mạnh để nghiên cứu virus lây lan như thế nào. Cũng theo các nhà sử học, các bác sĩ Nhật thời Thế chiến II đã tiêm máu động vật vào người sống hoặc buộc người nhiễm bệnh ở chung xà lim với người khỏe để tìm hiểu cách thức lây nhiễm bệnh.

Một số nạn nhân của Đơn vị 731 đã chết, một số khác được cho là bị chôn sống hoặc chết chìm. Ngoài việc tiến hành các thí nghiệm ghê rợn, Đơn vị 731 còn thả vi khuẩn gây bệnh thương hàn, tả và nhiều bệnh khác xuống hệ thống nước ở các làng của Trung Quốc. 

Theo Hội thảo quốc tế về tội ác của chiến tranh vi khuẩn năm 2002, số người bị giết bởi Quân đội Đế quốc Nhật qua thử nghiệm vi khuẩn trên người là khoảng 580.000 người. Theo một số nguồn khác, việc sử dụng vũ khí sinh hóa nghiên cứu bởi Đơn vị 731 đã dẫn tới hơn 200.000 cái chết của cả binh lính và dân thường Trung Quốc.

Ban đầu, Chính phủ Nhật phủ nhận sự tồn tại của Đơn vị 731. Tuy nhiên, năm 1998, Tòa án tối cao Nhật đã thừa nhận gián tiếp về lực lượng này qua một phán quyết. Người chịu trách nhiệm chính về Đơn vị 731 là Trung tướng Shiro Ishii cũng như nhiều nhân vật khác đã được Tòa án quân sự quốc tế khu vực Cận Đông miễn trừ xét xử sau khi họ giao cho Mỹ các dữ liệu thí nghiệm về mầm bệnh thời chiến.

Gần đây, Cơ quan lưu trữ quốc gia Nhật đã công bố tên của 3.607 thành viên của Đơn vị 731 khét tiếng, trong đó có 52 bác sĩ phẫu thuật, 49 kỹ sư, 38 y tá và 1.117 bác sĩ dã chiến. Đây là lần đầu tiên, hầu hết tên thật và địa chỉ của các thành viên Đơn vị 731 được tiết lộ trong các tài liệu chính thức. Những người có trong danh sách này có thể sẽ phải ra hầu tòa vì những tội lỗi man rợ họ gây ra năm xưa.

Hoài Linh
.
.
.