Đóng hồ sơ vụ án liên quan tới Tổng Giám đốc IMF

Thứ Hai, 26/12/2016, 10:26
Mặc dù bị Tòa Công lý Pháp buộc tội "tắc trách", nhưng uy tín cũng như ghế Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) của bà Christine Lagarde vẫn không bị ảnh hưởng. Bởi ngay sau khi bị Tòa Công lý Pháp kết tội, Ban lãnh đạo IMF đã ra tuyên bố, hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của bà Christine Lagarde.


Trong thông báo đưa ra hôm 19-12 (theo giờ địa phương), IMF không những tái khẳng định sự tin tưởng đối với bà Christine Lagarde, mà còn mong muốn tiếp tục được làm việc với cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, để giải quyết các thách thức khó khăn đang ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.

Theo giới truyền thông, tối 19-12 (theo giờ Việt Nam), Tòa Công lý Pháp chính thức buộc tội "tắc trách" đối với Tổng Giám đốc IMF, nhưng lại không đưa ra bất cứ mức phạt nào cho bà Christine Lagarde.

Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde.

Các thẩm phán cho rằng, việc nữ Tổng Giám đốc IMF quyết định hòa giải vụ kiện giữa nhà tài phiệt Bernard Tapie với Ngân hàng Credit Lyonnais, thay vì đưa ra tòa xét xử như thông lệ không phải là tắc trách, nhưng bà đã tắc trách khi không yêu cầu xem xét quyết định bồi thường số tiền 404 triệu euro (khoảng 438 triệu USD) cho đương sự năm 2008, dẫn tới việc lạm dụng công quỹ.

Tờ The New York Times cũng dẫn tuyên bố của Tòa Công lý Pháp (chuyên thụ lý các vụ việc liên quan tới thành viên trong nội các) đối với bà Christine Lagarde.

Giải thích về phán quyết khiến nhiều người ngạc nhiên, Thẩm phán Martine Ract Madoux cho biết, họ đã cân nhắc tới bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể diễn ra khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde gặp rắc rối.

Ngoài ra, bà Martine Ract Madoux còn khẳng định, danh tiếng và vị thế quốc tế của Tổng Giám đốc IMF cũng là một trong những lý do để họ đưa ra phán quyết kể trên.

Về phần mình, ngay sau khi phán quyết của Tòa Công lý Pháp được đưa ra, phát biểu tại cuộc họp báo ở Thủ đô Washington, Mỹ, bà Christine Lagarde cho biết (không có mặt khi tòa tuyên án), dù không hài lòng với quyết định của Tòa Công lý Pháp, nhưng sẽ không kháng cáo.

"Tôi không hài lòng với quyết định của tòa, nhưng có những thời điểm chúng ta phải bỏ qua mọi việc để tiến tới, và tiếp tục làm việc với những người đặt niềm tin vào mình. Và tôi rất vui vì không kháng cáo, để tập trung thời gian, sức lực và sự nhiệt tình của mình với sứ mệnh là người đứng đầu IMF", bà Christine Lagarde nhấn mạnh.

Trước đó (16-12), khi phát biểu tại tòa, bà Christine Lagarde khẳng định, luôn hành động có thiện chí và việc phải sống trong nghi ngờ 5 năm qua là một thử thách.

Ngày 13-12, Tổng Giám đốc IMF đã phủ nhận "có hành vi sai trái" khi xử lý trường hợp của nhà tài phiệt Bernard Tapie, khi còn là Bộ trưởng Tài chính Pháp (2007-2011), dẫn tới ngân khố quốc gia bị thiệt hại 404 triệu euro.

Ngoài ra, bà Christine Lagarde còn cho biết, đã bị sốc trước cáo buộc của cơ quan chức năng. Bởi theo cáo buộc của Tòa Công lý Pháp, bà Christine Lagarde đã phạm tội "tắc trách" và nếu bị kết án, có thể phải bóc lịch 1 năm cùng số tiền phạt 15.000 euro. Hơn 3 tháng trước (12-9), Tòa Công lý Pháp đã thông báo với bà Christine Lagarde về phiên xét xử (do hội đồng gồm 3 thẩm phán và 12 nghị sỹ được lựa chọn từ Thượng và Hạ viện Pháp tiến hành) trong tháng 12-2016, sau khi tống đạt lệnh triệu tập nữ Tổng Giám đốc IMF hôm 17-12-2015.

Được biết, luật sư của bà Christine Lagarde từng yêu cầu hoãn phiên xét xử bởi cuộc điều tra độc lập về vụ án này vẫn đang được tiến hành và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Trước đó, Tòa án Tối cao Pháp cũng từng bác đơn kháng cáo của nữ Tổng Giám đốc IMF. Giới chuyên môn cho biết, liên quan tới vụ án của nhà tài phiệt Bernard Tapie, ngoài bà Christine Lagarde, còn có Thẩm phán Stephane Richard.

Vụ án của Tổng Giám đốc IMF được Tòa Công lý Pháp đề cập hơn 5 năm trước (4-8-2011). Đến ngày 27-8-2014, Tòa Công lý Pháp mới quyết định mở cuộc điều tra chính thức đối với bà Christine Lagarde.

Theo giới truyền thông, ngoài việc nhận được sự "chống lưng" của Ban lãnh đạo IMF, bà Christine Lagarde còn được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ủng hộ - là nhà lãnh đạo mạnh mẽ của IMF, và tất cả chúng tôi đều tin tưởng vào khả năng chèo lái IMF của bà trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Giới chuyên môn cho rằng, việc cả 24 giám đốc của IMF đều coi đây không phải thời điểm để IMF rơi vào tình trạng không có người chèo lái - ủng hộ bà Christine Lagarde cho thấy, tổ chức này đang ở trong giai đoạn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Nhất là trong bối cảnh Anh quyết định rời Liên minh châu Âu, tương lai của Italia trong thị trường đồng tiền chung euro và nguy cơ về các cuộc chiến tranh thương mại thế giới sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Do đó, IMF cần có người điều hành giàu kinh nghiệm như bà Christine Lagarde.

Mạnh Phong
.
.
.