Động thái mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Thứ Hai, 05/10/2020, 14:35
Chính quyền Mỹ hôm 27-9 đã áp đặt các lệnh cấm đối với Tổng Công ty bán dẫn quốc tế Trung Quốc (SMIC). Động thái này được cho là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn trong nước của Trung Quốc.


Được thành lập vào năm 2000, SMIC được xem là công ty tiên phong trong tiến trình sản xuất bán dẫn hiện đại của Trung Quốc và giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc và thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Thị trường của Trung Quốc hiện vẫn rất lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Năm ngoái, nước này nhập khẩu lượng chip trị giá hơn 300 tỷ NDT (44 tỷ USD) và thị trường của họ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với sự tham gia của các nhãn hiệu điện tử tiêu dùng trong nước.

SMIC là công ty lớn thứ hai của Trung Quốc bị liệt vào Danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

SMIC trong tháng 7 vừa qua từng tuyên bố kế hoạch xây dựng một phân xưởng trị giá 7,6 tỷ USD ở Bắc Kinh, tập trung vào bộ vi xử lý 28 nm với mục đích sản xuất khoảng 100.000 tấm wafer 12 inch mỗi tháng.

Theo thống kê của Credit Suisse, khoảng 40% nhà sản xuất chip toàn cầu sử dụng thiết bị của các công ty Mỹ như Applied Materials và Lam Research; có tới 85% sử dụng phần mềm của các công ty Mỹ như Cadence, Synopsys và Mentor. Nói cách khác, gần như không thể tìm được một nhà sản xuất chip nào có thể hợp tác với Huawei. Giờ đây, nếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng không thể có được phần mềm và thiết bị sản xuất chip của Mỹ do lệnh trừng phạt, điều này sẽ tác động lớn hơn cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, cũng như trong trường hợp với Huawei và hàng chục công ty Trung Quốc khác bị Mỹ trừng phạt, vấn đề chính không phải là mối liên hệ của SMIC với tổ hợp công nghiệp- quân sự hay mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của các nước khác. Chỉ đơn giản là Mỹ muốn duy trì vị trí độc quyền của mình trên thị trường chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác. Sau cùng, điều này mang lại cho Washington những đòn bẩy để gây ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Ở đây nói về việc đảm bảo an ninh cho vị trí bá chủ của Mỹ. Nếu các đồng minh của Mỹ bắt đầu trang bị cho các hệ thống quân sự những công nghệ và thiết bị liên lạc của các công ty không phải của Mỹ thì họ sẽ thoát khỏi tầm kiểm soát của Mỹ.

Ngoài ra, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Mỹ. Trung Quốc không phải là đồng minh của phương Tây, nhưng nước này đã tham gia vào việc xây dựng các quy tắc chung trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, và thậm chí chiếm vị trí hàng đầu trong một số ngành. Mỹ không thể chấp nhận thực tế này. Điều này chỉ đơn giản là không thể tưởng tượng được đối với các nước phương Tây.

Do đó, Mỹ bắt đầu liên tục trấn áp Huawei, sau đó trấn áp TikTok, và bây giờ cả SMIC. Mục tiêu chính của họ là duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ và phương Tây trong cách mạng công nghiệp, tạo ra các quy tắc và luật lệ, và duy trì các sự kiện trong tầm kiểm soát của họ.

Theo các chuyên gia, với tư cách nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, SMIC có khả năng phần nào bù đắp tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với Huawei. Các sản phẩm của SMIC vẫn còn tụt hậu so với các chip tiên tiến nhất. Trong khi SMIC chỉ có thể sản xuất chip ở tiến trình 14nm, thì TSMC và Samsung đã hoàn thiện tiến trình 5nm.

Kích thước của bóng bán dẫn càng nhỏ thì lượng điện năng tiêu thụ càng thấp. Tuy nhiên, chip 14nm có sức cạnh tranh và nhiều nhà sản xuất đồ điện tử ở Trung Quốc dựa vào sản phẩm của công ty trong các hoạt động của họ. Sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, Huawei bắt đầu mua một tỷ lệ đáng kể chip từ SMIC. Theo nhà sản xuất chip Trung Quốc, Huawei chiếm tới 20% đơn đặt hàng của công ty. Các hạn chế của Mỹ đối với SMIC sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ cao Trung Quốc, vì các nhà sản xuất đồ điện tử ở Trung Quốc đã đặt nhiều hy vọng vào SMIC.

Sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa tin về những hạn chế mới, cổ phiếu SMIC trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm 6% và tại Sàn giao dịch Hồng Kông - 5%.

Nhưng, về dài hạn, các biện pháp của Mỹ nhằm cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, sẽ giúp Trung Quốc đạt được sự độc lập về công nghệ và xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của riêng mình.

Lợi thế của toàn cầu hóa và sự phân công lao động quốc tế là ở chỗ: Mỗi quốc gia có thể sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá trong lĩnh vực mà họ giỏi nhất. Nhưng, điều này không có nghĩa là một nước phát triển về công nghệ không thể tạo ra năng lực cốt lõi trong một số lĩnh vực. Đó chỉ là vấn đề chi phí. Khi Mỹ cấm Google cung cấp một loạt dịch vụ cho các sản phẩm của Huawei, đã có vẻ như những chiếc điện thoại thông minh của Huawei không có hệ điều hành Android và Google Play sẽ trở nên vô dụng. Tuy nhiên, sau một vài tháng, Huawei đã ra mắt smartphone chạy hệ điều hành Harmony OS cũng như hệ sinh thái Huawei Mobile Services (HMS).

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.