Đức:

Ngân hàng Deutsche rửa hàng trăm triệu Euro

Thứ Năm, 06/12/2018, 09:53
Cổ phiếu Ngân hàng Deutsche lớn nhất nước Đức đã giảm tới 3,4% sau khi cảnh sát Đức đột kích các văn phòng của ngân hàng này tại Frankfurt hôm 29-11 với cáo buộc rửa tiền.


Hãng tin AP cho hay, khoảng 170 cảnh sát, nhà điều tra đã tham gia cuộc đột kích trụ sở chính tại Frankfurt và các văn phòng làm việc ở Eschborn và Gross-Umstadt của Ngân hàng Deutsche sau khi các nhân viên của Ngân hàng bị cáo buộc giúp khách hàng thành lập các công ty nước ngoài để rửa hàng trăm triệu Euro. Hàng ngàn hồ sơ điện tử và giấy tờ quan trọng của ngân hàng đã bị thu giữ. 

"Cuộc điều tra được tiến hành từ việc phân tích các tài liệu bị rò rỉ từ những đợt khai thuế trong những năm gần đây trong đó có cả thông tin được đăng tải trong cái gọi là "Hồ sơ Panama" công bố năm 2016",  phát ngôn viên của Văn phòng công tố Frankfurt, Nadja Niesen nói. 

Bà này cũng cho biết thêm, hai nhân viên của Ngân hàng Deutsche đang trong "tầm ngắm" điều tra có tuổi đời từ 46 đến 50 tuổi và có thể còn có thêm một số kẻ khác có liên quan. 

"Các phân tích từ "Hồ sơ Panama" và những tài liệu khác đã gây nghi ngờ rằng, Ngân hàng Deutsche Bank đã giúp khách hàng thiết lập cái gọi là các công ty nước ngoài trong thuế và tiền thu được từ các tài khoản của ngân hàng này mà không cần báo cáo", bà Nadija Niesen cho biết thêm. 

Các kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tính riêng trong năm 2016, hơn 900 khách hàng bị cáo buộc đã chuyển 311 triệu Euro (tương đương 351 triệu USD) cho một công ty được thành lập tại quần đảo Virgin thuộc Anh. 

Các nghi phạm, bao gồm cả hai nhân viên Ngân hàng Deutsche bị cáo buộc không báo cáo những giao dịch đáng ngờ này mặc dù đã có "đủ bằng chứng" để nhận thức được sự sai trái của việc này. Trong khi đó, cổ phiếu của ngân hàng đã bị giảm 50% trong một năm qua. 

Đại diện Ngân hàng Deutsche tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra và rằng trừng trị nghiêm những nhân viên làm sai cũng như tiếp tục điều tra thêm về những gì mà "Hồ sơ Panama" công bố về ngân hàng này.  "Các chi tiết khác sẽ được thông báo ngay khi chúng tôi được biết. Chúng tôi đang hợp tác đầy đủ với chính quyền", thông báo của Ngân hàng Deutsche cho biết.

Cảnh sát Đức đột kích trụ sở các văn phòng của Ngân hàng Deutsche hôm 29-11.
Rửa tiền đang trở thành một vấn nạn ngày càng gia tăng ở châu Âu, nơi một loạt vụ bê bối đã phơi bày sự lỏng lẻo của các luật lệ và quy định. Và đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng này gặp rắc rối với dòng tiền dơ bẩn. Tháng 1 năm 2017, Chính phủ Mỹ và Anh đã bị phạt hơn 600 triệu USD vì cho phép khách hàng chuyển 10 tỷ USD khỏi Nga mặc dù các nhà quản lý biết khoản tiền này đang dính líu đến tội phạm tài chính. 

Còn "Hồ sơ Panama" lại là một kho tài liệu bị rò rỉ của một công ty luật chuyên xử lý các công ty vỏ bọc cho hàng ngàn khách hàng giàu có trên khắp thế giới. Sở hữu một công ty vỏ bọc không phải là bất hợp pháp nhưng sử dụng nó để ẩn chủ sở hữu có lợi của một công ty hoặc chuyển tiền, làm cho nó quan trọng đối với việc xử lý và rửa tiền bẩn thì mới là phạm tội. Và Ngân hàng Deutsche đã giúp đỡ hoạt động của các công ty này. 

Một số chi nhánh của Ngân hàng Deutsche đã bị chính quyền Washington và châu Âu phạt vì không kiểm tra chính xác các chủ sở hữu có lợi của các công ty gửi tiền qua tài khoản của họ. Khi đó, nhiều nhà phân tích Mỹ đã nói rằng, bởi vì các giao dịch này có thể sinh lợi và trừng phạt là lỏng lẻo, các ngân hàng có ít ưu đãi để làm nhiều hơn mức tối thiểu theo yêu cầu của pháp luật để kiểm tra danh tính của một ngân hàng. 

"Ngay cả trong các trường hợp nghiêm trọng nhất, các ngân hàng thường chỉ phải trả tiền phạt để tham gia vào hoạt động tội phạm. Và chỉ coi đây đơn thuần là chi phí kinh doanh", Jimmy Gurule, cựu thư ký thực thi Bộ Tài chính Mỹ lo lắng. Gurule, hiện là giáo sư tại Trường Luật Notre Dame cho biết: "Việc không giữ các ngân hàng chịu trách nhiệm về rửa tiền khuyến khích hoạt động tội phạm như vậy, bao gồm cả việc rửa hàng trăm triệu USD". 

Gần đây nhất, ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch, Danske Bank, đã thừa nhận rằng khoảng 200 tỷ Euro (tương đương 235 tỷ USD) tiền đáng ngờ đã bay qua chi nhánh của Estonia từ năm 2007 đến năm 2015. Một quốc gia Baltic khác, Latvia, cũng nổi lên như một trung tâm rửa tiền lớn, với một thông tin rò rỉ năm 2014 cho thấy hàng chục tỷ USD đã được rót từ nước ngoài trong 4 năm, từ năm 2010 đến 2014. 

Chi Anh
.
.
.