Đức:

"Nóng" tình trạng tảo hôn trong làn sóng người tị nạn

Thứ Năm, 15/09/2016, 19:06
Trung tâm đăng ký thông tin người nước ngoài của Đức cho hay, hiện có 1.475 trẻ em người nước ngoài sống tại Đức được liệt kê là "đã kết hôn" trên giấy tờ chính thức. Điều đáng lo ngại hơn là, trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều.


Người tị nạn Syria "đứng đầu bảng"

Theo bản báo cáo, đa số những người "bị mắc kẹt" trong nạn tảo hôn là nữ, với 1.152 người. Trong khi phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nằm trong làn sóng tị nạn đến từ khu vực Trung Đông thì cũng có trường hợp đến từ các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Trong tổng số gần 5.000 trường hợp tảo hôn, Syria đứng "đầu bảng" với 664 trường hợp, ngoài ra còn có: Afghanistan 157 trường hợp, Iraq 100 trường hợp, Bulgaria 65 trường hợp, Ba Lan 41 trường hợp, Romania 33 trường hợp và Hy Lạp 32 trường hợp.

Hơn 2/3 những người đăng ký kết hôn trong độ tuổi từ 16 đến 18, có 361 trẻ em dưới 14 tuổi hiện đang sinh sống tại Đức. Báo cáo cũng cho biết thêm, dữ liệu lưu trữ ít thông tin về người chồng hoặc ngày kết hôn của họ. Tuy nhiên, người tị nạn không có nghĩa vụ phải cung cấp chi tiết về tình trạng hôn nhân của mình.

Bản báo cáo về tình trạng tảo hôn ở Đức được cho là "một bài toán pháp lý hóc búa" trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Trong khi pháp luật liên bang Đức cấm hôn nhân dưới 18 tuổi (tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được phép kết hôn trong trường hợp nhất định). Bên cạnh đó, cũng có tiền lệ pháp lý quy định rằng, hôn nhân thực hiện ở nước ngoài là hợp pháp nếu hôn nhân đó là hợp pháp tại quốc gia mà họ đăng ký kết hôn.

Phần lớn các cặp vợ chồng trẻ con nằm trong làn sóng tị nạn đến từ khu vực Trung Đông.

Những tranh luận

Theo các phương tiện truyền thông Đức, bài toán về việc có công nhận hay không tình trạng tảo hôn trong làn sóng người tị nạn đang gây nên những tranh luận trái chiều trong giới chính trị nước này. Một cô gái 14 tuổi cưới anh họ 21 tuổi ở Syria. Hai người cùng nhau chạy trốn khỏi cuộc nội chiến và đã đến Aschaffenburg. Tại đây, Văn phòng Phúc lợi trẻ từ chối công nhận hôn nhân của hai người và yêu cầu giữ cô gái lại để chăm sóc vì lý do cần phải bảo vệ trẻ em. Chồng cô bé làm đơn kiện lên Tòa án gia đình nhưng bị xử thua.

Tòa án khu vực Bamberg đã tiếp nhận vụ án và trích dẫn các nguyên tắc trong luật pháp của Đức là, cuộc hôn nhân tiến hành ở nước ngoài phải được công nhận theo pháp luật của nước xuất xứ. Giới chức thành phố Aschaffenburg đã yêu cầu Tòa án liên bang ra quyết định. Hiện vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Đức hiện cần một chính sách nhất quán để giải quyết những cuộc hôn nhân liên quan đến trẻ vị thành niên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức - Heiko Maas đã thành lập một nhóm các chuyên gia để nghiên cứu, đưa ra giải pháp cho vấn đề nan giải này. Câu hỏi chính mà các thành viên của nhóm phải tìm ra lời giải đáp là cuộc hôn nhân của những người tị nạn trẻ ở nước ngoài có được công nhận hay không trên lãnh thổ Đức.

Nhiều nhà lập pháp đã kêu gọi một lệnh cấm hoàn toàn về hôn nhân trẻ em, ngay cả khi nó đã được cho phép ở quốc gia đăng ký kết hôn vì thực tế cho thấy, không ít trẻ em bị ép kết hôn với đàn ông lớn tuổi. Trong một dự thảo nghị quyết, các thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã viết rằng: "Một cô gái 11, 13 hoặc 15 tuổi thuộc về các nhà trường, không phải trong cuộc hôn nhân".

Bộ trưởng các vấn đề gia đình, Manuela Schwesig cũng lên tiếng phản đối việc công nhận nạn tảo hôn. Bà trích dẫn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em nói rằng: "Trẻ em có quyền được chơi, được giáo dục và chăm sóc y tế. Trẻ em cần có tuổi thơ trong sáng. Chính vì vậy, hôn nhân cưỡng ép không nên được chấp nhận". Myriam Bohmecke của tổ chức từ thiện trẻ em Terre de Femmes cho rằng, cần xóa bỏ tất cả đám cưới trẻ con. 

"Chúng tôi không nói rằng, bọn trẻ buộc phải ly hôn nhưng cuộc hôn nhân không nên được công nhận", Myriam Bohmecke nói.

Chuyên gia Bohmecke của tổ chức Terre des Femmes cho biết, rất nhiều trẻ vị thành niên hiện nay được kết hôn trong các trại tị nạn ở Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong điều kiện bất ổn về mọi mặt, các bậc cha mẹ cho con kết hôn sớm như một cố gắng để đảm bảo tương lai cho con gái mình. Ngoài ra, các gia đình cũng sợ rằng, con gái sẽ là đối tượng bị tấn công tình dục trong trại tị nạn nên cho kết hôn cũng chính là cách để bảo vệ con gái.
Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.