Đức: "Thiên đường" rửa tiền của tội phạm có tổ chức

Thứ Hai, 03/11/2014, 14:00

Thông tin đăng tải trên trang DW (Đức) cho hay, Bộ Nội vụ nước này phát đi thông điệp lo ngại về mối đe dọa ngày càng hiện hữu của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Berlin đang trở thành "thiên đường" rửa tiền của nhiều băng nhóm tội phạm.

Tội phạm có tổ chức gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm

"Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vẫn là mối đe dọa lớn. Dù phải tập trung vào những điểm nóng ở Syria, Iraq và các khu vực khủng hoảng khác nhưng sự hiện hữu của tội phạm có tổ chức không thể bị lãng quên", ông Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức cho biết khi trình bày báo cáo về tình hình tội phạm có tổ chức ở Đức vào thứ tư tuần trước. "Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, hai quốc gia ứng viên vào EU là Albania và Serbia đã không hoàn toàn hợp tác với các nhà chức trách Đức trong việc điều tra tội phạm có tổ chức". 78% tội phạm có tổ chức ở Đức liên quan đến tội phạm ở 128 quốc gia trên toàn thế giới, nhiều nhất là Italia, các nước vùng Balkan, Romania, Nga, Georgia và Hà Lan.

"Bộ Nội vụ và Văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang tiến hành 580 cuộc điều tra liên quan đến tội phạm có tổ chức vào năm 2013, tăng 2% so với năm trước. Số lượng các nghi phạm đã tăng 15%, khoảng hơn 9.000 người. Tổng cộng, tổ chức tội phạm gây thiệt hại cho kinh tế Đức hàng tỷ USD mỗi năm", Kinzig, một chuyên gia về pháp luật hình sự và tội phạm có tổ chức tại Đại học Tübingen nói với phóng viên DW. "Trước khi xảy ra sự kiện khủng bố 9/11, tội phạm có tổ chức là một vấn đề lớn. Tuy nhiên sau đó, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố dường như làm người ta quên mất điều này", ông Kinzig nói. Cũng theo ông Kinzig thì tình hình gia tăng tội phạm có tổ chức "đặc biệt đáng lo ngại". Số lượng các nghi phạm từ Lithuania, Ba Lan và Albania tăng đáng kể trong năm 2013.

Hoạt động của tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi.

Thiên đường rửa tiền

Thông tin từ Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) cho biết, tội phạm rửa tiền ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại ở Đức và công tác đấu tranh với tội phạm này rất khó khăn. Khoảng 13.000 trường hợp bị nghi ngờ hoạt động rửa tiền vào năm ngoái - một con số kỷ lục kể từ năm 1993, khi Luật phòng, chống rửa tiền của Đức có hiệu lực. Với đạo luật này, các ngân hàng phải báo cáo các giao dịch lớn cho Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang (BaFin). Theo báo cáo của BKA, giao dịch từ Italia, Nga, Ukraine và Belarus là những nơi có nhiều điểm đáng ngờ nhất. "Đức chưa thể ngăn chặn được các hoạt động rửa tiền. Vẫn còn nhiều thách thức trong đấu tranh với tội phạm rửa tiền", ông Gerhard Schick, thành viên của Đảng Xanh nói. "Nhiều giao dịch thương mại và giao dịch hàng hóa được thực hiện nhưng bản chất là hoạt động rửa tiền", ông Ziercke, người đứng đầu BKA nhận định.

Các nhà điều tra cho biết, thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để rửa tiền ngày càng tinh vi. Có nhóm tội phạm cung cấp cờ bạc bất hợp pháp trực tuyến, ước tính doanh thu đạt khoảng 120 triệu euro mỗi năm. Một cách thức khác để hợp pháp hóa tiền "bẩn" là tiến hành thủ tục phá sản. Theo một nghiên cứu mới được công bố dựa trên kết quả khảo sát ở 70 quốc gia trên khắp thế giới, Đức là một trong những nơi "tiềm ẩn" nhiều hành vi trốn thuế nhất, xếp trên Thụy Sĩ, quần đảo Cayman, Luxembourg.

Theo báo cáo của Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Milan, tội phạm có tổ chức gây thiệt hại khoảng 100 tỷ euro trên toàn EU mỗi năm. Số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động tống tiền, buôn bán ma túy, vũ khí được "hợp pháp hóa" bằng cách đầu tư vào các ngành công nghiệp như xây dựng, kinh doanh thực phẩm và quần áo, giao thông vận tải, quán bar và nhà hàng. "Nơi nào có nhiều tiền sẽ dễ có hoạt động rửa tiền. Vì vậy, các nhóm tội phạm luôn tìm cách mua chuộc các chính trị gia, thâm nhập vào lĩnh vực chính trị và hành chính", Michele Riccardi, tác giả của báo cáo nói với DW. Bộ trưởng De Maiziere thừa nhận rằng, số vụ rửa tiền mà các nhà chức trách Đức phát hiện chỉ khoảng 1/4  trong tổng số các vụ việc. "Đức sẽ tăng cường hoạt động chống rửa tiền bằng mọi cách", ông De Maiziere nói. Các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ủy ban châu Âu tại Brussels nhận định, Đức chưa "mạnh tay" với tội phạm rửa tiền

P. Tường (Tổng hợp)
.
.
.