Đức "mạnh tay" với an ninh mạng

Thứ Tư, 16/01/2019, 12:37
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer trong 6 tháng đầu năm 2019, nước này sẽ cập nhật luật bảo mật với nhiều biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người dân và ngành công nghiệp, cũng như tăng cường đào tạo cho giới chính trị gia và công chúng về cách sử dụng mật khẩu an toàn.


"Chúng tôi phải tính tới các biện pháp ngăn chặn", hãng Reuters trích tuyên bố hôm 8-1 của Bộ trưởng Nội vụ, khi ông Horst Seehofer cho biết, đã đề ra một số biện pháp nhằm củng cố an ninh, trong đó có kế hoạch thuê thêm hàng trăm chuyên gia an ninh mạng tăng cường cho lực lượng cảnh sát liên bang và Cơ quan an ninh mạng liên bang (BSI). Ngoài ra, còn thiết lập hệ thống cảnh báo sớm thông qua việc thành lập đơn vị sử dụng công nghệ để giám sát và ngăn chặn các vụ tấn công mạng. 

Theo ông Horst Seehofer trong 6 tháng đầu năm 2019, Chính phủ Đức sẽ cập nhật luật bảo mật với nhiều biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người dân và ngành công nghiệp, cũng như tăng cường đào tạo cho giới chính trị gia và công chúng về cách sử dụng mật khẩu an toàn. 

Động thái này diễn ra sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer phải nhanh chóng làm rõ vụ phát tán dữ liệu cá nhân của hàng trăm chính trị gia Đức, cũng như cách đối phó với vụ việc này. 

Khi trả lời phỏng vấn trên tờ Suddeutsche Zeitung, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết, ông chỉ được thông báo về vụ tấn công mạng vào sáng 4-1, nhưng khẳng định sẽ chia sẻ mọi thông tin có được tới công chúng. 

Theo hãng Bloomberg, những thông tin bị rò rỉ trong nhiều tuần qua thông qua một tài khoản mạng xã hội Twitter có tên "G0d". Hiện BSI đang điều tra vụ việc này. Từ cuối năm 2018, BSI đã đưa ra cảnh báo đối với 1 số doanh nghiệp Đức có thể trở thành mục tiêu của các vụ tấn công mạng dưới mọi hình thức. Vụ phát tán thông tin kể trên là lời cảnh tỉnh đối với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và giám sát.

Cảnh sát Đức khám xét căn hộ của nghi phạm.

Vụ xâm nhập dữ liệu quy mô lớn kể trên do 1 sinh viên mới 20 tuổi tiến hành. Trong tuyên bố đưa ra hôm 8-1 cảnh sát cho biết, đã bắt 1 người đàn ông bị tình nghi là thủ phạm gây ra vụ phát tán dữ liệu cá nhân của hàng trăm chính trị gia Đức, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. 

Theo tờ Der Spiegel, sau khi bị bắt, đối tượng này đã nhận tội và cho biết, không nhận thức được hành động của mình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Còn theo thông báo của Cơ quan cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA), sau khi các nhân viên điều tra tiến hành khám xét căn hộ của nghi can Jan Schuerlein tại khu vực trung tâm bang Hessen hôm 6-1, cảnh sát đã bắt đối tượng này. Hiện không rõ liệu vụ bắt giữ này có liên quan đến sinh viên kể trên hay không. 

Mấy ngày trước (4-1), kênh truyền hình ARD cho biết, tin tặc đã phát tán dữ liệu cá nhân của hàng trăm chính trị gia thuộc nhiều đảng phái lớn ở Đức, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel. Các dữ liệu bị phát tán bao gồm thông tin thẻ tín dụng, số điện thoại, địa chỉ, thư cá nhân, lịch sử đàm thoại cá nhân và bản sao thẻ căn cước. Tất cả các chính đảng ở Đức, ngoại trừ đảng AfD cực hữu, đều bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công kể trên. 

Theo người phát ngôn chính phủ Đức Martina Fiets, đây là vụ việc rất nghiêm trọng: "Như các bạn biết, dữ liệu cá nhân và tài liệu của hàng trăm chính trị gia đã bị công bố trên mạng. Dựa trên những phân tích đầu tiên, các chính trị gia và quan chức ở tất cả các cấp đều bị ảnh hưởng - từ Nghị viện châu Âu, Quốc hội Đức, tới các chính quyền và quan chức địa phương. 

Chính phủ Đức đánh giá đây là một vụ việc rất nghiêm trọng", người phát ngôn Martina Fiets nhấn mạnh. Tuy nhiên, người phát ngôn Martina Fiets cũng tuyên bố, vụ tấn công mạng kể trên không ảnh hưởng tới tài liệu nội bộ của Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel, cũng như mạng lưới nội bộ của chính phủ.

Về phần mình, khi trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Funke, Tổng Thư ký đảng trung tả SPD Lars Klingbeil cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel phải nhanh chóng làm sáng tỏ "những cơ quan nào biết chính xác thời điểm vụ việc xảy ra và hướng giải quyết vấn đề này". 

Ông Lars Klingbeil còn nhấn mạnh, việc này là cần thiết để bảo vệ nền dân chủ và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer phải sớm có câu trả lời về vụ tấn công kể trên. Còn theo người phát ngôn của đảng Linke, nhiều chính trị gia của họ đã bị phát tán dữ liệu cá nhân, trong đó có lãnh đạo đảng này ở Hạ viện Dietmar Bartsch. 

Theo giới truyền thông, trong năm 2018 đã xảy ra 1 vụ tấn công mạng lớn nhằm vào hệ thống máy tính của Bộ Ngoại giao Đức và cơ quan chức năng hiện vẫn đang tích cực điều tra vụ việc này. Được biết, nhà chức trách Đức đã đề nghị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ hỗ trợ điều tra, nhưng cho đến nay bóng dáng của kẻ gây ra vụ tấn công mạng kể trên vẫn chưa được tiết lộ.

Tuệ Sỹ
.
.
.