Đường hầm bí mật của Ngô Đình Diệm

Thứ Sáu, 02/06/2017, 15:15
Cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, giết chết anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu làm lộ ra một đường hầm bí mật ở Dinh Gia Long. Đường hầm được xây dựng quy mô, hẳn được tính toán, chuẩn bị cho cuộc tháo chạy khi cần.


Anh em nhà Diệm - Nhu được cho là đã chạy theo đường hầm này vào quận 5, Đại Thế Giới, rồi vào Nhà thờ Cha Tam, nhưng vẫn bị giết chết.

Dinh Gia Long, tổng hành dinh của Diệm - Nhu, rộng khoảng 2ha, ở trung tâm Sài Gòn, nằm giữa 4 con đường: Gia Long (trước), Lê Thánh Tôn (sau), Pasteur (bên phải) và Công Lý (bên trái), do kiến trúc sư Alfres Foulhoux người Pháp thiết kế, xây dựng từ năm 1885 đến 1890.

Tòa nhà đẹp này, lúc đầu làm Bảo tàng Thương mại, sau làm nhà ở cho Thống đốc Nam Kỳ Hoefel. Sau năm 1975, dinh Gia Long (số 65 Lý Tự Trọng, quận 1) trở thành Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

 Khi dinh Độc Lập bị hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử dội bom hư hại nặng ngày 27-2-1962, nhà Diệm - Nhu dọn sang Dinh Gia Long ở. Từ đó, Dinh Gia Long trở thành Dinh Tổng thống và là nơi ở của gia đình họ Ngô tại Sài Gòn.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, anh em nhà họ Ngô vô Dinh Gia Long ở là một dấu hiệu không lành… Cái dớp được cho là dinh này từng bị quân Nhật ập vào bắt Thống đốc Nam Kỳ Hoefel trong cuộc đảo chính ngày 9-3-1945.

Dinh Gia Long do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, kỹ sư Phan Đình Tăng hoàn tất thiết kế kỹ thuật. Nhà thầu Trương Đăng Khoa khởi công từ tháng 5-1962, đến 30-10-1963 hoàn thành với tổng kinh phí hơn 12 triệu đồng.

Chi phí thi công đội giá, cao hơn dự toán, do tường dày hơn 1m, hơn dự kiến đến 0,4 m, làm thêm cầu thang B, hầm để máy phát điện, phòng truyền tin và một hầm nhỏ đựng các vật có mùi hôi hoặc cần được cất kín.

Đường hầm được đào sâu xuống mặt đất 4m, đúc bằng xi măng cốt sắt (170kg sắt/m3 bê tông), có tường dày đến 1m. Diện tích mặt bằng hầm 1.392,3m2 (30,6 x 45,5m), hai đầu tòa nhà chính là hai cầu thang dẫn theo bậc tam cấp xuống tầng hầm.

Cầu thang A (hướng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường cầu thang A xuống gặp 2 phòng liền nhau: phòng khách và phòng vệ sinh.

Cầu thang B (hướng đường Pasteur), xuống gặp phòng máy đèn. Từ phòng này đi xuống gặp ngay phòng của Ngô Đình Nhu và kế bên là phòng Ngô Đình Diệm có diện tích 17m2.

Căn hầm bí mật của Ngô Đình Diệm được xây dựng với kinh phí 12.514.114 đồng, một khoản tiền khổng lồ thời đó.

Nóc hầm được ngụy trang bằng nhiều chậu cây cảnh cùng hệ thống điện thắp sáng, nước sạch và cống dẫn thải. Theo thiết kế, hầm có thể chịu được các loại trọng pháo và bom 500kg.

Hầm được chia 6 phòng và thông với nhau qua một hành lang, bên dưới tùy từng đoạn được tráng xi măng hoặc lót gạch, thoát ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Pasteur bằng 2 lô cốt nhỏ.

Các pḥng làm bằng sắt tấm đúc nguyên khối, đóng mở bằng cách xoay bánh lái như cửa tàu thủy, phía trong có chốt sắt lớn,

Bên trong có đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc kết nối với bên ngoài. Nội thất đơn giản, chỉ có bộ trường kỷ, 1 chiếc bàn nhỏ và 1 chiếc ghế mây dành cho khách. Máy lạnh chưa kịp lắp, dù đã được nhập về.

Dù nhiều tin đồn, nhưng thực tế đường hầm chỉ là hầm cố thủ trong khuôn viên Dinh Gia Long, đề phòng những trường hợp bất trắc, đảo chính, chứ không phải đường thoát.

Để bảo đảm bí mật, các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng hầm chỉ ghi là “công tác xây cất ở Dinh Gia Long". Công việc đào hầm sử dụng 200 tù binh, chia thành 10 toán luân phiên đào suốt đêm, từ 12 giờ khuya.

Tù binh được đưa tới bằng xe bịt kín, bị bịt mắt cho tới khi vào điểm thi công. Tuy nhiên, trong bảng chiết tính lại có số tiền trả nhân công là 150.000  đôla, có thể là nhà thầu ghi khống để ăn chặn.

Hầm đến lúc được “đưa vào sử dụng thực tế”. 6 giờ 45 phút ngày 2-11-1963, Dinh Gia Long bị quân đảo chính tấn công. Diệm - Nhu được cho là đã xuống hầm, sử dụng hệ thống thông tin để gọi tiếp cứu, trước khi bỏ chạy theo đường này để ẩn náu tại Nhà thờ Cha Tam.

Do có mật báo, quân đảo chính đã điều một chiếc M.113 đến Nhà thờ Cha Tam chờ sẵn. Diệm - Nhu bị trói đưa lên xe rồi bị đánh đập và bị bắn chết.

Đường hầm bí mật này giúp Diệm - Nhu không chết tại Dinh Gia Long quận 1, mà chết cuối đường hầm ở quận 5.

Phương Nga
.
.
.