Ê chề vì buông lỏng quản lý

Thứ Hai, 27/03/2017, 16:48
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thêm một lần ê chề bị hất khỏi Nhà Xanh. Nguyên nhân dẫn đến cơ sự tội tình này lại là do… tình. Ấy là tình cảm với bạn bè.


Bà có người bạn thân, ban đầu chỉ là vào Phủ tổng thống “giao lưu”, chơi với bạn để bạn đỡ buồn, dần dà cậy thân quen, giúp bạn là Tổng thống vài việc.

Kể cũng chẳng sao, bà Tổng thống cô đơn, giúp được bạn đỡ buồn cũng tự cho là “nhiệm vụ quốc gia”, giải khuây cho Tổng thống, giúp người đứng đầu đất nước xả xì choét, lấy thêm năng lượng để phục vụ.

Từ từ, từ những việc nhỏ, quen dần, bà bạn “tự chuyển hóa” tiến dần lên giúp Tổng thống những việc lớn hơn, lớn dần lên. Sau rồi, những lúc Tổng thống bận quá, nhờ luôn việc chữ nghĩa, sửa văn bản, cái nọ cái kia.

Phát huy tinh thần làm chủ, bà bạn tự phấn đấu, rèn luyện lúc nào không hay, để đến một ngày tự nêu cao tinh thần cống hiến hết sức mình để giúp Tổng thống, thảo luôn cho nhanh các văn bản.

“Người hầu kẻ làm” trong phủ từ nể ngại chuyển sang sợ hãi, trông thấy bạn Tổng thống mà kinh. Trong cơ chế tổng thống dân chủ, không phải bổng dưng kinh. Vì bà bạn ngày càng tác oai đến tác quái, hơn cả mẹ chồng chị dâu trong phủ.

La cà mọi ngõ ngách, nắm hết mọi chuyện từ trong bếp núc tới chuyện quan văn quan võ, mà chả ai dám hó hé, bà bạn lừ lừ lên quan oai, không chính thức mà ai cũng “vãi lúa”.

“Không phận sự miễn vào”, ừ, nhưng bà không phận sự gì đấy, nhưng bà cứ dựa hơi Tổng thống phán thế, có làm hay không thì… tùy. Ai dám hỏi lại, ai dám kiểm tra, ai dám đặt ra quy trình, nói gì đến phê bình, nhắc nhở.

Văn hóa phục tùng ngấm sâu trong các nhân viên phủ, như một cách tuân thủ văn hóa tuân nghe một chiều, như phận con ong cái kiến cúi đầu chấp hành.

Để đến khi chuyện tóe ra rồi mới sực “lật lại hồ sơ”. Đằng sau bà bạn này là ai?

Hóa ra là một nhóm buôn thần bán thánh, lợi dụng sự mê muội và tình cảm của bà để kiếm lợi. Và kẻ trong số này tự phong là mục sư, tự khoe có tài hô phong khiến vũ, để tiếp cận bạn bà rồi từ từ tiếp cận bà Tổng thống. Những điều chúng phán, không phải thần thánh phán, đều là những điều có lợi cho chúng, chỉ mượn lời thần thánh để che đậy.

Hóa ra cả một giới làm ăn tháu cáy. Các văn bản được kiểm tra lại mới hé lộ, cơ bản là đúng đấy, chỉ có vài từ ngữ được sửa sang chút đỉnh.

Nhưng ác cái, mấy cái từ văn vẻ hay ho tưởng vô hại ấy, hóa ra lại được lái có chủ ý, cho giới làm ăn dễ bề “diễn giải” văn bản, lái sang có lợi cho nhóm lợi ích. Các thông tư hướng dẫn thi hành luật mở rộng các khe hở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm lợi ích đứng sau.

Lúc xét xử luận tội Tổng thống, nhiều người còn thương giãi bày rằng bà Tổng thực ra chẳng biết gì, chỉ bị bọn xấu lợi dụng. Nhưng giấy trắng mực đen còn đó, và bà chủ phải chịu trách nhiệm với chữ ký, chạy đâu được.

Hơn thế nữa, kiếm được, nhóm lợi ích cũng tìm cách “lại quả” chút đỉnh. Gọi là quà, nhưng rất tình cảm, biết ơn người vừa là nạn nhân nhưng rõ là đồng phạm theo pháp luật.

Việc biếu xén tình cảm này, được diễn đúng kịch bản, có nhân chứng vật chứng, ghi lại nhiều cảnh  “tình thương mến thương”. Sau này làm bằng chứng tại tòa, những món này làm vật chứng kéo bà thành đồng phạm.

Hối lộ, ăn hối lộ là tội to. Chức to như bà Tổng còn dính, những lời phán, dạy dỗ của bà bị vứt ngay vào sọt rác. Không còn niềm tin, không ai thèm nghe, thay vào đó là các cuộc biểu tình khổng lồ đòi hất bà ngay tức khắc.

Chuyện phải đến đã đến. Bà Park từng ở Nhà Xanh khi cha bà làm Tổng thống. Mẹ bà chết vì bị ám sát do kẻ bắn chệch cha bà. Bà thay mẹ làm chân Đệ nhất phu nhân. Rồi cha bà cũng bị ám sát, bà còn lại trong nỗi buồn gia đình mênh mang.

Trở thành Tổng thống, cũng thuộc dạng con ông cháu cha, nhưng chỉ nhờ được danh tiếng, chứ không được nâng đỡ miếng nào, bà dần chiếm được tình cảm dân chúng là do đóng góp, tận tụy công việc.

Nhưng rồi, lu bu với công việc, bà lơ là công tác tổ chức cán bộ, mất cảnh giác trước những âm mưu lợi dụng của các nhóm lợi ích mà không biết,

Cha bà, cựu Tổng thống Park Chung-hee, người rốt cuộc chết không phải do các thế lực thù địch quốc tế, mà chết vì bọn phản bội trong nước. Chính kẻ chỉ huy lực lượng bảo vệ an ninh cho lãnh đạo ra tay bắn ông.

Con gái ông bơ vơ lúc tuổi đôi mươi, rồi cũng lên làm Tổng thống. Nhưng bà không học được bài học tự bảo vệ mình.

Cha mẹ bà, dù chết, nhưng cũng phần nào không nhục, vì chết dưới làn đạn của đối phương.

Còn bà “chết” vì sự dung túng cho cấp dưới làm bậy, một “cái chết” bởi những viên đạn bọc nhung, bọc đường.

Một dòng họ làm lãnh đạo đất nước đã ra đi, theo nhiều cách khác nhau. Và các cách ấy để lại cho thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc tiếp theo những bài học gì?

Mỹ Hạnh
.
.
.