EU chia rẽ vì tiền?

Chủ Nhật, 26/11/2017, 17:53
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ: Anh phải đạt được nhất trí về "hóa đơn ly hôn" trong vòng 2 tuần, nếu không sẽ không có các cuộc đàm phán khác về Brexit.


Rõ ràng, EU đang muốn dồn Anh vào chân tường để buộc họ chi trả nhiều nhất có thể cho việc rời khối. Chân tường của Anh chính là hạn chót nước này phải giũ áo ra đi. Theo điều 50 Hiệp ước Lisbon, Anh phải ra đi vào tháng 3-2019 dù có đạt được thỏa thuận nào hay không (trừ khi 27 quốc gia thành viên thống nhất gia hạn thời hạn chót này).

Như vậy, nếu không khéo đàm phán, Anh có thể sẽ phải trắng tay rời EU, mà giới chuyên môn gọi là Brexit “cứng”. Trong kịch bản này, Anh sẽ không còn kết nối được với thị trường chung, tức sẽ gặp những rào cản về thuế quan, ngoại giao trong xuất khẩu, thu hút lao động và các hoạt động khác.

Kịch bản Anh yêu thích nhất là Brexit “mềm”. Theo đó, Anh dù Brexit, không còn bị ràng buộc bởi các luật chung của EU, nhưng vẫn có thể tiếp cận thị trường rộng lớn EU, lao động vẫn tự do lưu chuyển... Dĩ nhiên, để đạt được mức độ “mềm” càng nhiều càng tốt, London sẽ phải trả một cái giá tương ứng. Và đó chính là “hóa đơn ly hôn”.

Mặc dù đã có những tuyên bố cứng rắn ở London về việc chuẩn bị cho sự ra đi mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, Anh sẽ nỗ lực hết sức để tránh một kết quả gây tổn thất cho đất nước. Hiện nay, Thủ tướng Anh Theresa May đã có sự nhượng bộ quan trọng, đồng ý Anh sẽ tiếp tục đóng góp vào ngân sách EU khoảng 10 tỷ euro/ năm, giúp khối này giải quyết lập tức chuyện tiền bạc trong 2 năm còn lại của kế hoạch ngân sách 7 năm 2014-2020.

Tuy nhiên, có 2 lý do khiến số tiền nêu trên là chưa đủ. Thứ nhất, EU trên thực tế vay mượn từ tương lai bằng cách đưa ra những cam kết chi tiêu và sẽ chi trả sau đó. Điều này có nghĩa là ngay cả sau năm 2020, EU vẫn phải tiếp tục thanh toán các khoản chi tiêu cam kết trong kế hoạch 7 năm hiện tại. Những hóa đơn chưa thanh toán này ước tính lên đến 254 tỷ euro vào cuối năm 2020. Trong đó, ước tính số tiền nước Anh phải trả có thể lên đến 20 tỷ euro.

Thứ hai, EU đang đối mặt các khoản nợ ước tính lên đến 67 tỷ euro vào cuối năm 2016 và muốn London gánh vác một phần số tiền này. Khi đó, Anh có thể phải chi thêm 30-40 tỷ euro, bên cạnh 20 tỷ euro phải trả trong quá trình chuyển tiếp.

Vấn đề là Chính phủ Anh đang đối mặt những hạn chế chính trị trong việc chi trả những khoản tiền nêu trên. Ngoài ra, chính phủ của bà May sẽ phải đương đầu phản ứng của công chúng liên quan đến những gì phải trả để bảo đảm Anh tiếp cận được thị trường EU thời hậu Brexit. Các bộ trưởng đảng Bảo thủ đang có rạn nứt sâu sắc về chuyện nên nhượng bộ EU bao nhiêu, đe dọa khiến đàm phán sụp đổ vào cuối năm nay.

Với rất nhiều sự tập trung dành cho diễn biến chính trị ở London, người ta dễ dàng quên đi thực tế rằng ngân sách EU sẽ phải đối mặt với một tương lai khắc nghiệt ngay cả khi nhận được khoản tiền đáng kể từ vụ "ly hôn" Anh.

Thực tế, việc EU khăng khăng đòi nước Anh trả thêm tiền là dấu hiệu của những căng thẳng sẽ xảy ra sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. EU sẽ mất một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách khối này, vốn đứng thứ hai sau Đức vào năm 2015.

Những ai hy vọng sự hào phóng to lớn từ những nước giàu còn lại có thể sẽ thất vọng. Tuy nhiên, nếu các nước nghèo nhận được ít hơn, điều này sẽ khiến sự chia rẽ trong lòng EU - nổi lên rõ rệt suốt cuộc khủng hoảng đồng euro - thêm nghiêm trọng.

Thời điểm đó, các nước như Phần Lan không muốn đóng góp tiền cho các khoản giải cứu, trong khi một số quốc gia chịu cảnh thắt lưng buộc bụng.

Dù hiện nay EU có thể “đồng lòng” theo đuổi hóa đơn Brexit. Thế nhưng, một khi Anh rời khỏi EU, các cuộc cãi vã vì tiền sẽ bắt đầu.

Trần Đức Tân
.
.
.