EU xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Bảy, 12/12/2020, 08:21
Khi mà Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới thì không chỉ Mỹ mà ngay cả EU cũng cần đưa ra cách tiếp cận mới cho mình.

Sự trỗi dậy của phương Đông

Theo số liệu được Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) công bố thì khu vực Châu Á -Thái Bình Dương với 15 quốc gia và vùng lãnh thổ được theo dõi nằm ở Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á - không tính Triều Tiên - chiếm 1/3 dân số thế giới đã đóng góp 35% tổng sản lượng GDP toàn cầu trong năm 2019 vừa qua. Đây là mức tăng trưởng vượt trội so với con số 26% của 20 năm trước đó khi ADB bắt đầu theo dõi kinh tế khu vực này.

Trong năm 2019, các nền kinh tế của khu vực đã tiếp nhận hơn một phần ba tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của khu vực cũng tăng từ 28,4% vào năm 2000 lên tới 36,5% vào năm 2019. Hơn một nửa số nền kinh tế trong khu vực đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP từ 4% trở lên trong năm qua so với mức tăng trung bình 2% của toàn cầu. Bên cạnh đó, vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì các chỉ số kinh tế của năm nay vẫn nêu bật tầm ảnh hưởng không ngừng gia tăng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thương mại và đầu tư toàn cầu.

EU đang muốn gia tăng quan hệ với các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương khác ngoài Trung Quốc.

Một dự báo cho thấy đến năm 2040 có thể GDP của khu vực này sẽ chiếm tới 50% của toàn cầu khi mà Trung Quốc và cả ASEAN đều vẫn đang ở vào những thời điểm vàng để phát triển. Những con số đó đã khẳng định Châu Á-Thái Bình Dương là đầu tàu của nền kinh tế thế giới ở hiện tại và cả trong tương lai nữa.

Chính sức mạnh từ sự bùng nổ kinh tế đó đang đem lại cho Châu Á - Thái Bình Dương một vị thế lớn hơn trên bản đồ chính trị thế giới. Giờ đây, các quốc gia trong khu vực đã vươn tầm ảnh hưởng đến những nơi xa nhất của thế giới. Trung Quốc đang là đối tác lớn nhất của Châu Phi và không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở cả Nam Mỹ, Trung Đông. Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam cũng đang phát ra tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề khu vực và thế giới. ASEAN với tư cách là tổ chức khu vực đã trở thành đối tác lớn của tất cả các cường quốc trên thế giới. Phương Đông đang thực sự trỗi dậy.

Cần một tầm nhìn mới

Sự lớn mạnh dĩ nhiên cũng đem đến nhiều vấn đề hơn từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khiến cho các đối tác của họ phải quan tâm đến. Sau Mỹ, đến lượt các quốc gia Châu Âu cũng đang cho thấy những thay đổi trong chính sách tiếp cận của mình.

Sau khi Bộ ngoại giao Đức công bố tài liệu chiến lược về Châu Á - Thái Bình Dương cách đây 2 tháng thì mới hôm 20 tháng 11 vừa qua, đến lượt Hà Lan làm điều tương tự. Tuy đây là những báo cáo riêng lẻ của từng quốc gia nhưng nó vẫn phản ánh một sự thay đổi nhận thức vô cùng quan trọng của cả Châu Âu nói chung về khu vực này.

Trong phát biểu của các nhà lãnh đạo ngoại giao hai nước này khi công bố tài liệu đều nhấn mạnh đến việc "EU mong muốn phát triển một tầm nhìn riêng về khu vực".Tư duy này của các nhà lãnh đạo Châu Âu đã nhen lên từ 2 năm trước khi Pháp là nước đầu tiên công bố chiến lược riêng về khu vực này. Đây là một xu hướng tất yếu khi mà Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng hơn với Châu Âu trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - EU ngày càng xa cách.

Rõ ràng, đã đến lúc EU cũng cần đưa ra tiếng nói của mình đối với những vấn đề nóng hổi đang xảy ra ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới này. Một động thái quan trọng cho cái gọi là "chiến lược mới" với khu vực của EU là việc họ mở rộng mối quan hệ với các đối tác khác ngoài Trung Quốc trong khu vực. Châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy rõ tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc có thể dẫn đến tắc nghẽn cả những hàng hóa thiết yếu như thiết bị y tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chống dịch của EU. Các tài liệu chiến lược mới của cả Đức và Hà Lan đều đề cập cụ thể đến Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và một số nước ASEAN như những đối tác thương mại thay thế cho Trung Quốc.

Đồng thời, các quốc gia EU cũng muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, tránh xa cuộc tranh chấp giữa họ với Trung Quốc. Đức đã cảnh báo "các đường phân chia mới ở khu vực sẽ làm suy yếu lợi ích kinh tế của nước này". Trong suốt 4 năm qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do ông Donald Trump khởi xướng đã liên tục tạo sức ép lên các quốc gia EU đẩy họ vào thế phải lựa chọn vô cùng khó khăn. Ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden, người mà giới truyền thông Mỹ cho rằng sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới đây, hứa hẹn đưa ra những chính sách mềm mỏng hơn thì điều này cũng không xua tan hết những lo ngại của các quốc gia EU về tác động của cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường đối với mình.

Một điểm rất mới trong báo cáo của Đức, quốc gia đang ở vị trí dẫn dắt EU là việc họ tuyên bố sẵn sàng mở rộng hợp tác an ninh, quốc phòng với các quốc gia trong khu vực. Đây là một tuyên bố đầy bất ngờ đến từ Đức, quốc gia từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã cắt giảm hoạt động quân sự của mình, theo đuổi chủ nghĩa hòa bình và quân đội nước này được xác định là chỉ có nhiệm vụ phòng thủ. Nhưng đây cũng có thể nói là xu thế chung của Châu Âu khi họ đang dần tách ra khỏi cái ô phòng thủ của Mỹ và có những lợi ích đáng kể cần bảo vệ tại khu vực này.

Khi EU cũng xoay trục

Để bảo vệ lợi ích cũng như gia tăng ảnh hưởng của mình, trong thời gian qua, các nước EU đã có những động thái rất cụ thể. Trong 2 năm 2019 và 2020 vừa qua, nghị viện EU đã liên tiếp thông qua những Hiệp định thương mại tự do (FTA) riêng lẻ với hai đối tác mới trong khu vực là Singapore và Việt Nam. Đây được coi là động thái cụ thể nhất của EU trong việc "mở rộng giỏ hàng" của mình bởi trước đây họ chỉ duy trì những FTA với hai đối tác lớn truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau FTA với Việt Nam, EU được cho là đang tiến tới những hiệp định tương tự với các đối tác lớn khác như Indonesia hay Ấn Độ. Trong khi đó một FTA với Trung Quốc vẫn chưa được xét đến cho dù đối tác này đã nhiều lần thể hiện mong muốn.

Việc mở rộng hợp tác thương mại với các quốc gia lân cận này sẽ giúp EU vừa đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng, vừa giúp EU có thêm đối trọng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Sự xuất hiện của hải quân EU trở nên thường xuyên hơn trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, hôm 10 tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer đã có cuộc thảo luận trực tuyến với người đồng cấp Nhật Bản mới nhận chức là ông Kishi Nobuo. Trong cuộc thảo luận, bà Kramp-Karrenbauer đã nêu lên quan điểm của Đức với những vấn đề nóng trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như bày tỏ sự quan tâm của Đức với việc hợp tác an ninh chặt chẽ hơn trong khu vực.

Cuộc gặp cũng cho biết Đức sẽ đưa một tàu khu trục tới để "đảm bảo an ninh hàng hải" trong năm 2021 cũng như sẽ tham gia các cuộc tập trận hàng hải trong thời gian tới. Đây được coi là cuộc "dấn thân" mạnh mẽ nhất của nước Đức trong lĩnh vực nhạy cảm này. Một bước đi nối tiếp Pháp, quốc gia mà từ năm 2018 đã khẳng định mình là cường quốc có hiện diện quân sự tại khu vực này.

Những động thái của EU hướng sự chú ý về Châu Á trong thời gian qua là tất yếu khi mà vai trò của Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng trong các tính toán chiến lược toàn cầu. Cái khó của EU là họ cũng là một liên minh gồm nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi nước đều có lợi ích và quan tâm khác nhau ở từng vấn đề đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm như an ninh quốc phòng. Làm thế nào để hợp nhất những quan điểm khác nhau này thành một chiến lược chung luôn là câu hỏi khó trả lời. Nhưng khi mà Pháp và Đức đã đi đầu thì việc Hà Lan tiếp bước cũng là tất yếu. Đó sẽ là khởi đầu cho một cái gọi là "chiến lược xoay trục" của Châu Âu từ Tây sang Đông.

Tử Uyên
.
.
.