Edward Snowden "khẩu chiến" với Julian Assange

Thứ Hai, 15/08/2016, 16:27
Danh tính của Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và CIA lại được dư luận đề cập sau khi hãng Sputnik của Nga xác nhận, nhân vật này vẫn ổn. 

Bởi ngày 5-8, trang Twitter của Edward Snowden đăng một đoạn với 64 ký tự gồm số và chữ (bị xoá chỉ vài phút sau đó), được giải mã như một tín hiệu cảnh báo, dùng để báo hiệu rằng cựu nhân viên CIA và NSA có thể đã chết hoặc bị bắt.

Và dựa vào đó người ta sẽ công bố hàng loạt thông tin mật mà Edward Snowden lấy được trước đó. Bởi chỉ vài phút sau khi Edward Snowden đăng thông tin lên Twitter, nhiều trang web lớn cho phép chia sẻ và tải miễn phí bị đánh sập.

Edward Snowden và Julian Assange.

Và việc này được cho là để ngăn chặn Edward Snowden công bố các dữ liệu mã hoá và chia sẻ với nhiều người. Ngày 7-8, hãng Sputnik dẫn tuyên bố công khai trước đó của Edward Snowden, theo đó người ta phải cung cấp các tài liệu đã được mã hoá cho các nhà báo và cơ quan tin cậy, nếu cựu nhân viên CIA và NSA "gặp chuyện".

Trước đó (6-8), nhà báo Glenn Greenwald, một trong những cây bút của tờ The Intercept, chuyên đăng những tài liệu do Edward Snowden cung cấp, xác nhận cựu nhân viên CIA và NSA vẫn ổn. Nhà báo Barton Gellman cũng tuyên bố tương tự - tính mạng của Edward Snowden không có vấn đề gì.

Gần 3 tháng trước (16-5), nhà báo Glenn Greenwald từng tuyên bố, tờ The Intercept đã mở kho dữ liệu lưu trữ toàn bộ số tài liệu mật do Edward Snowden sao chép trước đó, cho các nhà báo và cơ quan báo chí, nhưng phải tuân thủ theo một số quy tắc do cựu nhân viên NSA và CIA soạn thảo.

Trước đó, Edward Snowden tuyên bố, muốn tiếp tục sống, làm việc tại Nga và không có kế hoạch rời khỏi xứ sở bạch dương. Và lời khẳng định này của cựu nhân viên CIA và NSA được Anatoly Kucherena, luật sư đại diện cho Edward Snowden công bố. Tuyên bố kể trên được đưa ra sau khi Giám đốc CIA John Brennan cho rằng (14-7), Edward Snowden nên quay lại Mỹ, hầu tòa và đối mặt với những cáo buộc chống lại mình.

Gần 1 năm trước (tối 5-10-2015), Edward Snowden từng tuyên bố: Tình nguyện ở tù và đề nghị việc này với chính phủ Mỹ nhiều lần, nhưng vẫn chưa được Bộ Tư pháp chấp thuận. Và nếu về Mỹ, Edward Snowden sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm vì bị kết tội gián điệp và không được xét xử công bằng.

Hôm 5-6, tờ The Japan Times dẫn thông tin của Edward Snowden cho rằng, mọi công dân Nhật Bản đều là đối tượng của chương trình giám sát do Mỹ khởi xướng. Edward Snowden từng làm việc tại căn cứ quân sự Mỹ ở Tokyo (2009-2011) nên tiết lộ của cựu nhân viên NSA và CIA được dư luận tin tưởng và quan tâm.

Điều đáng nói là những động thái kể trên diễn ra sau khi Edward Snowden chỉ trích WikiLeaks tiết lộ tài liệu mật, nhưng không chịu chọn lọc để loại bỏ các thông tin cá nhân nhạy cảm. Và một cuộc khẩu chiến đã diễn ra (hạ tuần tháng 7) giữa Edward Snowden và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Bình luận của Edward Snowden được đưa ra chỉ vài ngày sau khi WikiLeaks tiết lộ một số tin nhắn của các quan chức hàng đầu trong đảng Dân chủ Mỹ và hơn 19.000 email nội bộ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) bị rò rỉ trong một vụ hack hệ thống máy tính.

Edward Snowden khẩu chiến với Julian Assange.

Và sau khi Edward Snowden "khai hỏa", WikiLeaks lập tức tuyên bố: Cựu nhân viên CIA và NSA chỉ cố gắng "lấy lòng" ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và đang tìm cách cải thiện quan hệ với Washington. Theo giới chuyên môn, sự khác biệt giữa nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange với Edward Snowden chính là cách xử lý dữ liệu mà họ công bố trước dư luận.

Trong khi Edward Snowden làm việc với tờ The Washington Post và một số nhà báo để phơi bày chương trình giám sát của NSA một cách có chọn lọc, thì WikiLeaks thường đăng tải một lượng lớn thông tin. Giới chuyên môn chỉ trích WikiLeaks vì tiết lộ đường dẫn liên kết đến một trang web có chứa thông tin cá nhân của công dân Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính tối 15-7 vừa qua, khiến họ bị khốn đốn.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, vừa chính thức khởi động khuôn khổ pháp lý mới nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu trước sự do thám của Mỹ. Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Vera Jourova cho biết, "lá chắn cá nhân" này sẽ bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu và đảm bảo an ninh pháp lý cho các doanh nghiệp.

Đồng thời khẳng định, khuôn khổ pháp lý này sẽ tái lập lòng tin của người tiêu dùng trong bối cảnh các dữ liệu được chuyển cho Mỹ.

Dữ liệu bao gồm mọi thông tin cho phép xác định danh tính của một cá nhân theo cách trực tiếp như tên, họ hoặc ảnh, hoặc gián tiếp (số bảo hiểm xã hội hoặc số khách hàng). Trước đó, Mỹ và EC cho công bố thỏa thuận về vấn đề này (tháng 2-2016) nhằm thay thế thỏa thuận đã bị Tòa án công lý châu Âu bác bỏ hồi năm ngoái.

Thiện Lân
.
.
.