Edward Snowden "tái xuất giang hồ"

Thứ Hai, 17/10/2016, 12:33
Vanessa Rodel phải chuyển đến nơi ở mới và sống cùng với mẹ, 2 con gái và 1 phụ nữ đến từ Philippines, sau khi căn hộ cũ bị chính quyền Hongkong cắt tất cả các khoản tiền hỗ trợ, vì cô từ chối trả lời những câu hỏi về Edward Snowden.


Đây là một trong những thông tin được đề cập trong bộ phim mới của Hollywood về Edward Snowden.

Và những người từng che chở Edward Snowden tại Hongkong nay xuất hiện ngoài đời bằng xương bằng thịt sau một thời gian dài im lặng. Bộ phim "Snowden" dựa trên câu chuyện có thật và các nhà làm phim đã cung cấp thêm những chi tiết mới xung quanh việc Edward Snowden đã ẩn náu như thế nào tại Hongkong.

Vanessa Rodel không thể ngờ người cô che chở là một trong những nhân vật đang bị truy nã gắt gao nhất thế giới. "Ôi Chúa ơi! Người bị truy nã gắt gao nhất thế giới đang ở trong nhà tôi!", Vanessa Rodel kể lại.

Edward Snowden.

Vanessa Rodel kể, cô và con gái mới sinh ngủ trên sàn nhà bếp để nhường chỗ cho Edward Snowden. Cô đã mua thiết bị cho máy tính xách tay của Edward Snowden và thức ăn. "Edward Snowden thích đồ ngọt", Vanessa Rodel nhớ lại.

Vanessa Rodel rời Philippines đến tị nạn tại Hongkong và trở thành một trong những người quyết định công bố bí mật được giấu kín hơn 3 năm qua - những người dân nghèo đã thay nhau che chở cho người đàn ông xa lạ.

"Chúng tôi là một phần của lịch sử bởi đã làm những điều tốt đẹp", Supun Kellapatha, người Sri Lanka tị nạn tại Hongkong, từng nhường chiếc giường của gia đình mình cho Edward Snowden nói. Và các gia đình này đã xuất hiện trong bộ phim "Snowden".

Và sự giúp đỡ từ những người cùng cảnh ngộ phải sống xa quê hương là điều Edward Snowden không bao giờ quên. "Đây là những người tị nạn không có gì. Họ sống trong tình trạng vô cùng bấp bênh, nhưng không ngần ngại bảo vệ tôi. Họ tin tưởng tôi", Edward Snowden nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times tại Moskva hồi tháng trước.

Luật sư Robert Tibbo, người đại diện cho Edward Snowden tại Hongkong cho biết, đã khuyên cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và CIA nên ở với những gia đình người tị nạn trong một khu vực đông dân cư. Bởi đó là nơi cuối cùng người ta để mắt tới khi truy tìm Edward Snowden.

Theo ông Robert Tibbo, các sự kiện được mô tả trong phim giống với thực tế. Vị luật sư người Canada này đã đề ra chiến lược che giấu Edward Snowden - đầu tiên là thoát khỏi nơi đang ở (khách sạn Mira) mà không bị phát hiện.

Sau đó, luật sư Robert Tibbo dẫn Edward Snowden đến một số gia đình ông từng đại diện cho họ. Trong bộ phim "Snowden", sau khi nhận phát tán thông tin bí mật của tình báo Mỹ, Edward Snowden đã tới ẩn náu tại Hongkong hơn 10 ngày, trước khi bay sang Nga.

Trong khi đó, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng vừa công bố cáo buộc Edward Snowden là "nhân viên tệ hại", dối trá về lý lịch cá nhân và đã "gây thiệt hại khổng lồ" cho an ninh quốc gia Mỹ.

Cáo buộc này được tóm tắt 4 trang trong báo cáo chính thức 36 trang của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Theo đó, Edward Snowden là "kẻ phản bội" đối với đồng nghiệp và đất nước và không được coi là đối tượng được pháp luật bảo vệ.

"Edward Snowden không phải là anh hùng, là kẻ phản bội sẵn sàng quay lưng với đồng nghiệp và đất nước", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes tuyên bố. Edward Snowden đã phản đối báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

Nhiều tổ chức nhân quyền đã vận động giảm tội cho Edward Snowden, trước khi Tổng thống Barack Obama nghỉ hưu, nhưng theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest, không có khả năng này. Chiến dịch xin ân xá diễn ra sau khi bộ phim về Edward Snowden được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế.

Chiến dịch bắt đầu bằng bản kiến nghị trực tuyến có tên "tha thứ Snowden" đuôi .org và việc này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ thẳng thừng bác bỏ một đơn thỉnh cầu với 160.000 chữ ký ủng hộ việc tha thứ cho cựu nhân viên NSA và CIA.

Tờ New York Times vừa dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết (5-10), ông Harold Thomas Martin, 51 tuổi, nhân viên Công ty Booz Allen Hamilton chịu trách nhiệm về hầu hết các hoạt động mạng nhạy cảm nhất của NSA, hiện đối mặt với mức án 10 năm tù giam vì tội ăn cắp tài sản Chính phủ và 1 năm vì tội xóa bỏ tài liệu mật. Ông Harold Thomas Martin bị bắt vì tội ăn cắp các mã nguồn có độ bí mật cao do NSA phát triển để hack hệ thống tin học của chính phủ các nước khác. Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các tài liệu được cho là bị ông Harold Thomas Martin ăn cắp "có vai trò trọng yếu đối với an ninh quốc gia". Nhưng theo các luật sư của ông Harold Thomas Martin, không có bằng chứng cho thấy thân chủ của họ có ý định phản bội tổ quốc. Booz Allen Hamilton là công ty từng thuê Edward Snowden, và đang tích cực hợp tác với FBI sau khi ông Harold Thomas Martin bị bắt.

Khắc Tuấn
.
.
.