Elizabeth Van Lew nữ điệp viên xuất sắc thời kỳ nội chiến Hoa Kỳ

Thứ Tư, 07/03/2012, 10:54

Không ai có thể ngờ rằng một trong những điệp viên hoạt động hiệu quả nhất của chính phủ Liên bang suốt thời kỳ nội chiến Hoa Kỳ lại là một phụ nữ liễu yếu đào tơ có tên là Elizabeth Van Lew. Trong quá trình cuộc phân tranh Nam - Bắc kéo dài 4 năm, bà đã âm thầm thu thập và gửi nhiều thông tin tình báo có giá trị cho chính phủ Liên bang và thậm chí còn tạo dựng thành công một mạng lưới gián điệp riêng của mình.

Nội chiến Hoa Kỳ và sự xuất hiện của một nữ điệp viên đặc biệt

Nội chiến Hoa Kỳ là cuộc tranh chấp quân sự giữa Chính phủ Liên bang và 11 tiểu bang phía Nam Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19. Năm 1861, sau khi đắc cử Tổng thống, Abraham Lincoln muốn xóa bỏ thể chế nô lệ ở Hoa Kỳ. Trước ngày Lincoln nhậm chức, 7 tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ phản đối chính sách cởi mở này và tuyên bố ly khai chính phủ Liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm Tổng thống. Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận chính phủ Liên minh miền Nam. Khi quân miền Nam tấn công đồn Sumter, Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ và đã có thêm 4 tiểu bang khác gia nhập phe miền Nam chống lại lực lượng Liên bang miền Bắc. Cuộc phân tranh Nam - Bắc kéo dài 4 năm và kết thúc khi quân miền Nam đầu hàng vào năm 1865.

Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến, cả hai phía chính phủ Liên bang và Liên minh miền Nam đều không thể ngờ đến khả năng và vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc thu thập thông tin tình báo – một hoạt động đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ về tinh thần, ý chí và thể chất, vốn được cho là chỉ thích hợp với đàn ông. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình cuộc nội chiến diễn ra, đã có hàng trăm phụ nữ hoạt động như những đặc vụ mật, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình để phụng sự cho lý tưởng và con đường họ theo đuổi.

Và một trong những nữ tình báo hoạt động hiệu quả nhất trong hàng ngũ của chính phủ Liên bang chính là điệp viên Elizabeth Van Lew (25/10/1818 – 25/9/1900), sinh ra tại Richmond, Virginia (Hoa Kỳ). Cha của bà – John Van Lew – là một nhà kinh doanh tài ba và sở hữu khá nhiều nô lệ. Từ nhỏ, Elizabeth theo học tại trường Quaker thuộc bang Philadelphia – nơi bà được giáo dục về sự bất công của chế độ nô lệ và từ đó sớm hình thành tư tưởng giải phóng nô lệ.

Sau khi người cha qua đời vào năm 1843, anh trai của Elizabeth đã tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Họ quyết định trả tự do cho những người nô lệ từng phục vụ gia đình mình bấy lâu nay. Thậm chí, Elizabeth khi đó còn dùng toàn bộ số tiền được thừa hưởng lại từ người cha là 10.000 đô la (tương đương 200.000 đô la ở thời điểm hiện nay) để mua lại một số nô lệ ở chợ nô lệ Richmond, sau đó giải phóng và giúp đỡ họ có điều kiện ổn định cuộc sống.

Với tư tưởng ủng hộ sự nghiệp giải phóng nô lệ, thật dễ hiểu khi Elizabeth Van Lew ngay lập tức đi theo con đường đấu tranh của chính phủ Liên bang, chiến đấu vì lý tưởng của Tổng thống Abraham Lincoln. Khi cuộc nội chiến xảy ra, Elizabeth bắt đầu gia nhập vào đội ngũ những người ủng hộ tổng thống thuộc phe chính phủ Liên bang miền Bắc. Tuy nhiên, do sống ở miền Nam, ở phía bên kia chiến tuyến, bà buộc phải hoạt động một cách bí mật trong vai trò của một nữ điệp viên và tạo vỏ bọc cho mình là một nhân vật trung thành với lý tưởng của chính phủ Liên minh miền Nam.

Trong vòng 4 năm cuộc nội chiến diễn ra, nhiệm vụ của Elizabeth là lặng lẽ thu thập mọi tin tức tình báo có giá trị cho đại diện của chính phủ Liên bang, cung cấp thực phẩm và thuốc men cho các tù nhân chiến tranh là lính Liên bang và giúp họ lên kế hoạch trốn thoát, ngoài ra còn tạo dựng một mạng lưới tình báo riêng của mình. “Elizabeth Van Lew được đánh giá là điệp viên thành công nhất của chính phủ Liên bang trong thời kỳ nội chiến” – William Rasmussen – người phụ trách Bảo tàng Lịch sử Virginia – cho biết.

Nhà tù Libby

Elizabeth Van Lew có cơ hội đầu tiên phục vụ cho chính phủ Liên bang sau khi Manassas  –  một trong số những trận chiến đầu tiên của cuộc nội chiến – diễn ra vào tháng 7 năm 1861. Khi đó, do không có nơi để giam giữ các tù nhân Liên bang bị bắt tại Richmond, chính phủ Liên minh đã đưa số tù binh trên vào giam trong một nhà kho thuốc lá – nơi sau đó đã được đổi tên thành nhà tù Libby. Nhà tù này nhanh chóng trở thành một địa chỉ giam cầm khét tiếng bởi những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của nó đã khiến hàng trăm tù nhân phải chết vì đói khát, bệnh tật và tuyệt vọng.

Trong tình huống đó, Elizabeth đã tình nguyện trở thành một y tá làm việc trong nhà tù, nhưng đề nghị của bà đã bị quản giáo – Trung úy David H. Todd – từ chối. Quyết không bỏ cuộc, Elizabeth đã tới gặp Tướng John H. Winder thuộc phe Liên minh rồi vận dụng chiêu bài “mỹ nhân kế” để vừa tâng bốc vừa kiên trì thuyết phục vị tướng này cho phép hai mẹ con bà được cung cấp thực phẩm, sách và thuốc men cho các tù nhân của nhà tù Libby.

“Chúng tôi đã nhận được những lời đe dọa đến tính mạng hoặc bị trục xuất khỏi Richmond nếu không chấm dứt những nỗ lực giúp đỡ tù binh của mình. Chúng tôi bị coi như những kẻ thù ngoại lai của chính phủ Liên minh” – Elizabeth đã tâm sự như vậy trong những trang nhật ký bí mật của bà.

Tuy nhiên, càng đối mặt với nguy hiểm, Elizabeth càng không hề nao núng mà ngược lại, quyết tâm chiến đấu của bà lại trở nên mạnh mẽ hơn. Elizabeth vẫn tiếp tục tìm cách gửi thông tin tới các tù binh bằng cách sử dụng những đĩa thức ăn được thiết kế đặc biệt với ngăn đựng bí mật và liên lạc với họ thông qua những tin nhắn được giấu kín trong các cuốn sách. Ngoài ra, bà còn hối lộ các quản giáo để có thể cung cấp thêm thực phẩm, quần áo cho tù nhân và được phép đưa tù nhân bị bệnh tới các bệnh viện – nơi bà có thể trao đổi riêng với họ. Thậm chí, Elizabeth còn bí mật giúp đỡ các tù nhân lên kế hoạch vượt ngục, sau đó cho họ trú ẩn một thời gian ngắn tại chính nhà riêng của mình.

Mạng lưới tình báo của chính phủ Liên bang

Tháng 12 năm 1863, hai trong số những người lính Liên bang được Elizabeth Van Lew bí mật giúp vượt ngục thành công khỏi nhà tù Libby đã kể lại sự việc này với Tướng Benjamin Butler. Ấn tượng với câu chuyện về Elizabeth, Tướng Butler đã cử một trong hai người lính đó quay lại Richmond, chuyển tới Elizabeth lời đề nghị tuyển dụng bà làm điệp viên cho quân đội Liên bang. Elizabeth nhanh chóng nhận lời và trở thành người đứng đầu mạng lưới tình báo của Butler và là nguồn cung cấp thông tin chính về tình hình quân sự xảy ra tại Richmond. Bà được đào tạo và hướng dẫn các kỹ thuật tình báo như viết điện báo bằng mật mã hoặc chất lỏng không màu sau khi kết hợp với sữa sẽ chuyển sang màu đen.

Ngày 30/1/1864, Elizabeth gửi bức điện mật đầu tiên tới Tướng Butler, thông báo rằng phe Liên minh đã lên kế hoạch chuyển tù nhân từ nhà tù đông đúc ở Richmond đến nhà tù Andersonvill tại Georgia. Trong bức điện, bà còn đưa ra ý kiến về số lượng binh sĩ cần huy động để tấn công kẻ địch và giải thoát tù nhân, đồng thời lưu ý Tướng Butler không nên đánh giá thấp quân đội Liên minh. Tướng Butler ngay lập tức gửi báo cáo của Elizabeth tới Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ khi ấy là Edwin Stanton – người sau đó đã ra lệnh cho quân đội bất ngờ tấn công vào Richmond. Tuy nhiên, trong trận chiến này, phe Liên minh đã giành được thắng lợi do được cảnh báo từ trước bởi một binh sĩ phản bội thuộc lực lượng Liên bang.

Sau thất bại trên, một chiến dịch giải cứu tù binh khác được lên kế hoạch. Ngày 14/2/1864, với những thông tin chi tiết về đường đi lối lại của nhà tù Libby do Elizabeth cung cấp, 100 binh sĩ Liên bang đã cùng nhau đào một đường hầm thông từ nhà tù ra đường phố nhằm trốn thoát. Cuộc vượt ngục mặc dù không hoàn toàn thành công bởi một nửa số tù binh không may mắn đã bị bắt lại, nhưng cũng đã mang đến niềm hy vọng cho chiến trường miền Bắc. Một lần nữa, Elizabeth lại đảm nhận nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm, thuốc men và hỗ trợ tù nhân trong các nhà tù ở Richmond.

Ngày 1/3, quân đội Liên bang lại tổ chức giải cứu tù nhân ở Richmond nhưng không thành công. Trong trận chiến lần này, Đại tá 21 tuổi Ulric Dahlgren và Tướng H. Judson Kilpatrick là hai người chỉ huy cuộc tấn công. Dahlgren – người đã bỏ lại chân phải của mình tại chiến trường Gettysburg – đã bị giết trong cuộc giao tranh và hầu hết quân sĩ của ông đều bị bắt. Ngày hôm sau, lính Liên minh miền Nam đã chôn cất Dahlgren nhưng ngay sau khi nghe thông tin về việc Dahlgren và người của ông có nhiệm vụ ám sát Jefferson Davis – Tổng thống chính phủ Liên minh, họ đã lập tức quay trở lại đào xác Dahlgren lên, chặt chân tay rồi treo trước một nhà kho gần đường sắt để đám đông chứng kiến. Vài giờ sau, xác của Dahlgren được hạ xuống và bị chôn tại một nơi bí mật theo lệnh của Jefferson Davis.

Căm phẫn trước hành động đáng sợ của phe Liên minh, Elizabeth Van Lew quyết tâm tìm kiếm bằng được ngôi mộ bí mật nơi chôn giấu Dahlgren. Bà đã đề nghị những điệp viên đáng tin cậy nhất của mình tham gia vào kế hoạch. Nhóm điệp viên của Elizabeth đã lần tìm ra tung tích và khai thác thông tin của một người đàn ông đã chứng kiến việc chôn cất bí mật trên, sau đó đưa thi thể Dahlgren trở về gia đình ông một cách an toàn.

Điệp viên xuất sắc mang tiếng là kẻ phản bội

Đến tháng 6/1864, mạng lưới gián điệp của Elizabeth Van Lew đã tăng lên đến hơn một chục người. Ngoài những điệp viên hoạt động chính thức cho chính phủ, Elizabeth còn tạo dựng thêm một mạng lưới không chính thức với các điệp viên nam và nữ, da trắng và da đen, làm chân rết trong việc thu thập và cung cấp thông tin tình báo trên diện rộng. Đánh giá về hiệu quả công việc của Elizabeth, Tướng Ulysses S. Grant thuộc phe Liên minh đã từng có lời khen ngợi: “Những thông tin cô cung cấp là những tin tức có giá trị nhất mà tôi nhận được từ chiến trường Richmond trong thời kỳ chiến tranh”.

Sau một chiến dịch trường kỳ và căng thẳng, cuối cùng, Tướng Grant cũng đã đánh chiếm được RichmondPetersburg vào tháng 4/1865. Khi đó, Elizabeth vinh dự được là người đầu tiên cắm lá cờ Hoa Kỳ trên nóc tòa thị chính. Có được chiến thắng này cũng nhờ một phần không nhỏ vào công sức của nữ điệp viên xuất sắc Elizabeth Van Lew – người sau này đã được đích thân Tướng Grant cũng như rất nhiều nhân vật chủ chốt trong chính phủ Liên bang gửi lời cảm ơn chân thành vì dấu ấn đặc biệt của bà trong thành công của chiến dịch.

Bên cạnh đó, Elizabeth còn nhận được một khoản tiền thưởng nhỏ từ chính phủ để ghi nhận công trạng, tuy nhiên để đổi lại, Elizabeth đã chấp nhận mất đi phần lớn tài sản riêng cũng như địa vị xã hội của mình trong quá trình hoạt động. Sau thời kỳ tái thiết, bà ngày càng bị dân chúng Richmond tẩy chay và bị coi như “kẻ thù ngoại lai” của chính phủ Liên minh. Về cuối đời, do đã hiến tặng tài sản của gia đình cho hoạt động tình báo, Elizabeth phải sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ một số gia đình người Boston giàu có từng được bà giúp đỡ trong thời kỳ chiến tranh.

Ngày 25/9/1900, Elizabeth Van Lew qua đời, thọ 82 tuổi. Mặc dù là một điệp viên có nhiều công trạng với chính phủ Liên bang Hoa Kỳ và là thành viên danh dự của Lực lượng tình báo quân sự nhưng đối với một số người miền Nam, cho đến tận bây giờ, Elizabeth Van Lew vẫn bị xem là một kẻ phản bội

Mai Châu
.
.
.