Erdogan: Tổng thống siêu quyền lực

Thứ Hai, 09/07/2018, 10:24
Ngày 24-6, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này, dù đây mới chỉ là kết quả kiểm phiếu chưa chính thức.


Truyền thông Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết với gần như toàn bộ số phiếu bầu đã được kiểm, ông Erdogan giành được 53%. Đối thủ gần nhất của ông Erdogan là ông Muharren Ince giành được 31%. Ông Erdogan cũng nói rằng liên minh cầm quyền do đảng AK Party của ông đứng đầu đã giành đa số ghế trong Quốc hội. Với 96% số phiếu bầu Quốc hội được kiểm, AK Party dẫn đầu với 42% số phiếu. Đảng đối lập chính CHP chỉ giành 23%.

Mạnh mẽ hơn Quốc hội

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm thay vì diễn ra vào ngày 3-11-2019. Ông Erdogan lý giải rằng việc có thêm các quyền lực mới sẽ giúp ông dễ dàng giải quyết những thách thức kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt, trong đó có việc đồng nội tệ lira giảm tới 20% giá trị so với đồng USD trong năm nay, cũng như thỏa thuận với lực lượng nổi dậy người Kurd ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại các nước láng giềng Iraq và Syria.

Theo Hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực sau cuộc bầu cử này, Tổng thống sẽ nắm giữ một quyền lực lớn. Đây là bản Hiến pháp được Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào năm 2017 trong một cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ ủng hộ 51%. Kết quả này sẽ gia tăng quyền lực cho Tổng thống, tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.

Bình luận về kết quả trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ, biên tập viên Gerd Höhler của tờ Handelsblatt (Đức) từng có bài viết "Quyền lực tuyệt đối cho Tổng thống Erdogan". 

Giới phê bình cho rằng Hiến pháp mới sẽ dẫn tới tập trung quyền lực quá nhiều trong tay một cá nhân, rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu cơ chế kiểm soát và cân bằng mà ở đó Tổng thống chỉ nắm quyền điều hành như nhiều quốc gia phương Tây. 

Theo quy định mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn Thủ tướng, còn Tổng thống thì được trao thêm những quyền lực mới bao gồm khả năng bổ nhiệm trực tiếp các quan chức cấp cao và quyền can thiệp vào hệ thống luật pháp.

Tiến sĩ Zenonas Tziarras, một chuyên gia chính sách đối ngoại người Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu trên Đài Sputnik: "Đây là một trong những cuộc bầu cử lịch sử, hệ thống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển sang mô hình tổng thống chế (một hệ thống chính phủ mà trong đó có một ngành hành pháp tồn tại và ngự trị tách biệt khỏi ngành lập pháp) và quyền lực tập trung nhiều cho tổng thống. Sự kiện này sẽ hoàn thành một bước chuyển giao về mặt xã hội, kinh tế, chính trị đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 15 năm qua".

Theo ông Zenonas Tziarras, sự thay đổi đáng kể nhất trong hệ thống chính trị lần này sẽ là tổng thống có khả năng điều hành bằng các sắc lệnh và Quốc hội đóng vai trò "yếu" hơn. Quốc hội vẫn sẽ duy trì một số quyền kiểm soát, đặc biệt là các sửa đổi Hiến pháp, nhưng tổng thống sẽ có quyền chỉ định thẩm phán đối với Tòa án Hiến pháp, cũng như phó tổng thống và các bộ trưởng… 

Nhà nước có thể mang hơi hướng chế độ chuyên chế, tùy thuộc vào thành phần Quốc hội sau bầu cử, xem liệu đảng Công lý và Phát triển (AKP) và đảng Phong trào Dân tộc còn duy trì được đa số ghế trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hay không, hay liên minh các đảng đối lập sẽ lên ngôi. Với kết quả sơ bộ, có lẽ liên minh cầm quyền đã giữ được thế đa số.

Những thách thức đang chờ

Ông Erdogan là Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 11 năm trước khi trở thành Tổng thống vào năm 2014. Ông mạnh tay củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính bất thành của một số tướng lĩnh quân đội vào tháng 7-2016. Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ đó, và 107.000 công chức và binh sĩ đã bị sa thải vì bị cho là dính líu đến âm mưu đảo chính. Hơn 50.000 người đã bị bỏ tù và xét xử.

Ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại Istanbul ngày 17-6

Việc ông Erdogan giành chiến thắng cho thấy số cử tri ủng hộ ông vẫn rất nhiều và lượng cử tri đi bầu cử đạt 90% là một con số rất cao thể hiện sự quan tâm của người dân đối với an ninh, phát triển của đất nước và người lãnh đạo đất nước. Đó là điều thuận lợi cho ông Erdogan khi đưa ra những quyết sách đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ mới. Khi là người nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối thì việc đưa ra các quyết sách và tổ chức bộ máy chính quyền, cũng như các chính sách đối nội không phải là khó đối với ông Erdogan.

Tuy nhiên, ngay cả trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Erdogan đã gặp phải nhiều thách thức. Trước hết đó là sự phân cực trong xã hội giữa những người ủng hộ và những người phản đối. 

Các chuyên gia cho rằng, ông Erdogan sẽ trở nên độc đoán hơn nữa sau cuộc bầu cử dù biết rằng nhiều công dân không còn ủng hộ ông nữa. Thương hiệu chính trị dân túy của ông sẽ tiếp tục chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh tế bắt đầu suy thoái và bất ổn với tỷ lệ lạm phát khoảng 11%, đồng nội tệ lira mất giá mạnh so với đồng USD, thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 53,3 tỷ USD trong 12 tháng qua.

Khủng bố là một mối lo lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các cuộc tấn công từ các chiến binh người Kurd ở biên giới với Syria và Iraq, cùng các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Trong khi phe đối lập luôn chống đối các chính sách cứng rắn của ông Erdogan. Kể từ cuộc đảo chính thất bại vào tháng 7-2016, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ở trong tình trạng khẩn cấp. Điều đó cho thấy, mối lo ngại về an ninh và sự bất đồng ngay trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn.

Đường lối đối ngoại

Từ lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn theo đuổi mục tiêu là nước Hồi giáo có tiếng nói, có vị thế ở khu vực Trung Đông. Do đó việc Tổng thống Tayip Erdogan chính thức tái đắc cử sẽ tiếp tục củng cố chính sách đối ngoại để khẳng định vai trò nổi bật giữa các cường quốc trong khu vực. 

Ông Erdogan đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng một vai trò tích cực ở Trung Đông và vấn đề Jerusalem. Thể hiện rõ khi ông đã phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 

Cuộc tấn công quân sự xuyên biên giới Syria, Iraq vừa qua là bằng chứng cho thấy ông Erdogan có tham vọng khu vực. Trong khi các nước khu vực coi Iran là mối đe dọa tồn tại mà họ phải đương đầu, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi nước này là một đối thủ khu vực và hàng xóm mà nó phải cạnh tranh và đôi khi hợp tác.

Ngoài ra, an ninh ở biên giới, chống khủng bố và vấn đề người Kurd là mối đe dọa lớn trong khi Tổng thống Erdogan luôn có các chính sách cứng rắn bằng việc tấn công quân sự, kể cả ngoài biên giới sẽ khiến cho khu vực thêm bất ổn và phức tạp. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU hiện đang trải qua giai đoạn đầy thách thức. Tuy nhiên, sự hợp tác này sẽ ngày càng quan trọng hơn so với trước đây. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên đầy đủ của khối này. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu ông Erdogan tái đắc cử, sự rạn nứt giữa khối và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phát triển sâu hơn bởi những chính sách mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thời gian qua bị cho là độc đoán, đi ngược lại các nguyên tắc, lợi ích của các nước EU, trong đó có việc không đưa ra các cải cách kinh tế tự do theo yêu cầu của các đối tác châu Âu, bất đồng liên quan đến vấn đề người nhập cư, cuộc chiến ở Syria.

Tuy nhiên, một mối quan hệ dựa trên chủ nghĩa thực dụng và hợp tác trên các lĩnh vực quan tâm chung như thương mại, di cư hoặc an ninh có thể xảy ra, mặc dù các cuộc đụng độ chính trị thường xuyên gần như chắc chắn sẽ tiếp tục. 

Quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị căng thẳng và suy yếu kể từ cuộc đảo chính năm 2016 và trong thời gian tới vẫn chưa được cải thiện khi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd, ủng hộ lực lượng đối lập và các lực lượng đảo chính  năm 2016. Hai bên đang có những mâu thuẫn trong vấn đề Syria. Mỹ cũng không thoải mái với một đồng minh NATO, ngày càng quan hệ mạnh mẽ với Nga, Iran cả về quân sự cũng như các vấn đề khác ở Trung Đông.

Như Sơn
.
.
.