Eritrea:

Trẻ em bị chính phủ cưỡng bức làm nô lệ trong các trại lính

Thứ Năm, 22/08/2019, 10:44
Là quốc gia nằm ở vùng Sừng châu Phi, nơi có gần 4,5 triệu người, chính phủ Eritrea từng bị Liên hợp quốc lên án vì các hành vi lạm dụng dân quyền, như giết người phi pháp, tra tấn và đối xử với công dân như nô lệ.


Chỉ số nô lệ toàn cầu ước tính cứ 1.000 công dân ở Eritrea thì có 93 người sống trong cảnh nô lệ.

Biến làm nô lệ thay vì đào tạo

Một học sinh từng bị đưa đi đào tạo quân sự vào năm 2015 nói với các nhà điều tra của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW): "Khi bạn đến Sawa, bạn làm theo cái đầu của họ chứ không phải của chính mình". Học sinh này nói thêm: "Tôi không thấy tương lai ở đó. Tôi đã mất hết hy vọng".

Một học sinh khác nói: "Họ biến chúng tôi thành nô lệ, chứ không phải là đào tạo chúng tôi". Tại đây, các học sinh _bị đối xử tồi tệ, bị kỷ luật kiểu quân đội, phải gánh chịu những hình phạt thể xác và lao động cưỡng bức. Báo cáo cũng ghi nhận những trường hợp phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục.

Một báo cáo dài 87 trang do HRW công bố mới đây cho biết hệ thống giáo dục trung học ở quốc gia châu Phi Eritrea là một cỗ máy bắt buộc, trong đó học sinh buộc phải lao động, bị lạm dụng thể chất trong các nghĩa vụ vô thời hạn đối với chính phủ. Mô tả một cách ngắn gọn và dễ hiểu, Eritrea được so sánh như trại lính của châu Phi, theo bài phân tích của The Economist.

Theo Al Jazeera, báo cáo của HRW cho biết, đối với nhiều người Eritrea, bỏ trốn là cách duy nhất để thoát khỏi cỗ máy lạm dụng của nhà nước.

Mặc dù có một thỏa thuận hòa bình với Ethiopia vào tháng 7-2018, mang lại hy vọng cho sự cải cách theo hướng tốt lên, tuy nhiên chính phủ - đứng đầu là Tổng thống Isaias Afwerki từ năm 1993 - đã không ban hành những thay đổi có ý nghĩa trong hệ thống, báo cáo cho biết. Nghiên cứu của HRW cho biết nhiều người Eritrea đã dành cả đời thực thi các nghĩa vụ quân sự hoặc dân sự cho chính phủ. Báo cáo kết luận: "Loại hình nghĩa vụ quốc gia vô thời hạn này đã có tác động rõ ràng và lâu dài đối với quyền, tự do và cuộc sống của người dân Eritrea".

Nhiều người bắt đầu "nghĩa vụ" của mình từ khi còn là trẻ em, theo báo cáo của HRW.

Tổ chức này cho biết kể từ năm 2003, học sinh năm cuối của các trường trung học phải đi đào tạo tại trại quân sự Sawa, khu vực bị cô lập gần biên giới Sudan. HRW đưa ra báo cáo này sau khi phỏng vấn 73 học sinh và giáo viên trung học từng ở Eritrea trong giai đoạn 2014-2018 và hiện sống lưu vong ở Sudan, Ethiopia, Italia và Thụy Sĩ.

Nhiều người Eritrea bị biến thành nô lệ từ khi còn nhỏ.

Đói nghèo và thất học

Quay trở lại quá khứ, Eritrea không còn ổn định kể từ khi giành được độc lập cách đây 20 năm. Ở quốc gia này đã xảy ra hàng loạt các hành vi tội ác chống lại nhân loại. 

Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki đã lấy tình hình biên giới bất ổn như một cái cớ biện minh cho tình trạng nô lệ suốt đời của thường dân. Người dân nơi đây không được phép tự do đi lại trong nước. Điều này khiến hàng chục ngàn người Eritrea tuyệt vọng và trốn sang châu Âu. 

Tận dụng tình hình này, Ethiopia châm ngòi "ngọn lửa căm phẫn của người dân Eritrea" thúc đẩy biểu tình lật đổ Tổng thống Afwerki. Cả 2 quốc gia bắt đầu một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bằng cách hỗ trợ các nhóm nổi dậy và các phong trào phá hoại khác, khiến tình hình trong khu vực càng bất ổn hơn. 

Sau khi giành được độc lập, Eritrea phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn của một nước châu Phi nhỏ và nghèo. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp với hơn 70% dân số tham gia trồng trọt và chăn nuôi. Khu công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là công nghiệp nhẹ với công nghệ lạc hậu.

Do sự tàn phá của chiến tranh nên rất ít trẻ em được đến trường. Khoảng 1/4 số trẻ em đi học hoàn thành bậc tiểu học và chỉ có một số rất ít hoàn thành bậc trung học. Trong những năm đầu, học sinh được học bằng ngôn ngữ bản xứ, nhưng sau đó có thể được học bằng tiếng Anh hay tiếng A-rập. Sau bậc tiểu học, học sinh phải học bằng tiếng Anh.

Một thách thức nhiều năm tại Eritrea là đưa ra các giải pháp giáo dục bình đẳng và công bằng cho tất cả trẻ em. 27.2 % không được đến trường. Học sinh ở nông thôn vùng xa nhiều thiệt thòi nhất vì không được giáo dục đầy đủ. Hơn 31% trẻ em (7-14 năm) không được tới trường. 

Ngoài ra để tiếp cận với giáo dục, chất lượng  cũng là vấn đề.  Theo truyền thống, các bé gái ít được tới trường, ngoài ra, các ngành ít khuyến khích phụ nữ tới trường và đầu tư cho họ đi học. Tại gia đình khó khăn, các em bị bóc lột sức lao động, không được chăm sóc đầy đủ. 

Trường Vân
.
.
.