Ethiopia: Bắt 9 cảnh sát cấp cao

Thứ Năm, 28/06/2018, 16:45
Phó Ủy viên cảnh sát Addis Ababa là một trong 9 viên chức cảnh sát cấp cao vừa bị bắt ngay sau khi diễn ra vụ tấn công bằng lựu đạn nhằm vào những người đang dự cuộc mít tinh ủng hộ tân Thủ tướng Abiy Ahmed ở trung tâm thủ đô, khiến ít nhất 3 người chết và 164 người bị thương.

Ủy viên trưởng Cảnh sát liên bang Ethiopia Zeynu Jemal cho biết, ngoài Phó Ủy viên cảnh sát Addis Ababa, một số quan chức cấp cao của Ủy ban Cảnh sát liên bang đã bị bắt vì đã không thể ngăn chặn vụ tấn công nhằm vào cuộc biểu tình sáng 23-6. 

Ông Ahmed Shide, Bộ trưởng đứng đầu Văn phòng Truyền thông của Chính phủ Ethiopia (GCAO) cho biết, trong số những cảnh sát bị bắt có 6 người bị nghi có liên quan tới cuộc tấn công bằng lựu đạn kể trên. 

Ngoại trưởng Sudan Al-Dirdiri Mohamed Ahmed đã gọi điện cho Ngoại trưởng Ethiopia Workneh Gebeyehu lên án vụ tấn công nhằm vào người dân vô tội, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hòa bình, an ninh và đoàn kết của nước này. 

Giới truyền thông dẫn nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng cho biết, số người chết có thể còn gia tăng vì có 6 người bị thương nặng. Còn theo đại diện Sở Cảnh sát thủ đô Addis Ababa, có 15 người bị thương nặng trong số hơn 100 người bị thương trong vụ tấn công nhằm vào những người ủng hộ Thủ tướng Abiy Ahmed hôm 23-6. 

Và cũng trong ngày 23-6, một vụ nổ đã gây hoảng loạn đối với hàng chục nghìn người dân ủng hộ ông Abiy Ahmed. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Abiy Ahmed đã gọi đây là mưu toan bất thành của các thế lực chống phá, không muốn chứng kiến một đất nước Ethiopia đoàn kết. 

Theo giới truyền thông, vụ nổ diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Abiy Ahmed kết thúc bài phát biểu của mình và nguyên nhân gây nổ được xác định là do lựu đạn. Và cuộc mít tinh diễn ra để biểu thị sự ủng hộ của người dân đối với các hoạt động của Thủ tướng Abiy Ahmed thực hiện kể từ khi nhậm chức.

Thủ tướng Abiy Ahmed ở trung tâm thủ đô Addis Ababa.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 4-2018, Thủ tướng Abiy Ahmed đã tạo ra nhiều thay đổi lớn tại Ethiopia, trong đó có việc thả tù nhân và hướng tới tự do hóa nền kinh tế. 

Ngày 19-4, Thủ tướng Abiy Ahmed (tuyên thệ nhậm chức hôm 2-4) đã đề nghị Nghị viện phê chuẩn việc thay đổi 6 vị trí bộ trưởng và bổ nhiệm 10 nhân vật mới. 

Ông Abiy Ahmed được người dân tin tưởng sẽ thực hiện các cuộc cải cách dân chủ, góp phần xoa dịu những căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc ở Oromya. Bởi tân Thủ tướng là đại diện sắc tộc Oromo đầu tiên lãnh đạo chính phủ sau 27 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân (EPRDF). 

Nhiều người dân Ethiopia bày tỏ hy vọng ông Abiy Ahmed sẽ góp phần thay đổi đường lối lãnh đạo của EPRDF và sớm ổn định tình hình đất nước. 

Ông Abiy Ahmed là người kế nhiệm Thủ tướng Hailemariam Desalegn, người phải từ chức hôm 15-2-2018, khi làn sóng biểu tình chống chính phủ do 2 sắc tộc lớn nhất Ethiopia tiến hành từ cuối năm 2015, khiến hàng trăm người thiệt mạng, gần 1 triệu người phải rời bỏ nơi ở do xung đột sắc tộc.

Theo giới truyền thông, sau khi ông Hailemariam Desalegn tuyên bố từ chức, ngày 17-2, Bộ trưởng Quốc phòng Ethiopia Siraj Fegessa đã bác bỏ khả năng quân đội lên nắm quyền. 

Động thái này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng bạo lực chống chính phủ. 

Đồng thời loại trừ khả năng thành lập chính phủ chuyển tiếp - tình trạng khẩn cấp được nhà chức trách áp đặt sau khi Thủ tướng Hailemariam Desalegn tuyên bố từ chức - người đứng đầu chính phủ và Chủ tịch đảng cầm quyền EPRDF, sẽ kéo dài trong 6 tháng và có thể kéo dài thêm 4 tháng, giống như thời điểm tháng 8-2017. 

Ethiopia từng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài từ tháng 10-2016 đến tháng 8-2017 nhằm dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ ở nhiều vùng, gây bạo lực khiến khoảng 500 người chết và 29.000 người bị bắt trong thời gian này. 

Được biết trước khi từ chức, ông Hailemariam Desalegn (giữ ghế Thủ tướng từ năm 2012) đã phóng thích thêm 1.500 tù nhân và như vậy, kể từ 1-1-2018 đến cuối tháng 2 đã có 7.500 tù nhân được trả tự do tại Ethiopia. 

Điều đáng nói là ngoài thủ lĩnh các đảng phái đối lập, nhiều đối tượng bị kết tội khủng bố và gây rối cũng được phóng thích trong đợt này. 

Ngày 21-6, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ vui mừng khi Ethiopia và Eritrea đạt được tiếng nói chung trong việc giải quyết những bất đồng lâu nay giữa 2 quốc gia châu Phi này. Ngày 20-6, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã thông qua việc thực hiện những bước đi hướng tới hòa bình. Ethiopia và Eritrea đã phát động cuộc chiến tranh biên giới trong giai đoạn 1998-2000, khiến hàng vạn người chết và những tranh cãi về khu vực biên giới, đặc biệt là thị trấn Badme luôn tạo tình trạng bất hòa giữa 2 nước.
Trịnh Huyền My
.
.
.