Ethiopia:

Cảnh sát "tắm máu" người biểu tình ở nhiều nơi

Thứ Năm, 15/09/2016, 19:02
Lực lượng an ninh Ethiopia đã nổ súng bắn chết hơn 90 người trong các cuộc tuần hành phản đối tại những khu vực Oromiya và Amhara trong tuần đầu tháng 9. Trước đó, cũng có nhiều vụ giết người khác.


Theo Reuters, năm ngoái bất ổn nổi lên ở Oromiya trong vài tháng kéo dài cho đến đầu năm nay vì kế hoạch thu hồi đất trồng trọt dùng cho phát triển của chính quyền. Nhà chức trách hủy ý định trên hồi tháng 1-2016 nhưng biểu tình lại nổ ra phản đối các vụ bắt giữ những người thuộc phe đối lập.

Tuần đầu tháng 9, những người biểu tình hô khẩu hiệu chống chính quyền và yêu cầu chính quyền thả các chính trị gia đối lập. "Chúng tôi đã lên danh sách 33 người biểu tình bị giết bởi lực lượng an ninh bao gồm cảnh sát và binh lính, nhưng tôi chắc chắn danh sách sẽ còn dài" - ông Mulatu Gemechu, Phó Chủ tịch đảng đối lập Hội nghị Liên bang Oromo, cho biết.

Những vụ giết chóc xảy ra ở ít nhất 10 thị trấn trên khắp Oromiya, gồm Ambo, Dembi Doloi và Nekemt. "26 người bị thương, trong khi một số khác bị bắt" - ông Mulatu thông báo. Ở Amhara, người dân nói cảnh sát nã đạn thẳng vào đám đông biểu tình, vốn kéo dài cho đến ngày 8-9 tại thành phố Bahir Dar. "Các bệnh viện đầy người chết và bị thương", một nhân chứng thông tin.

Cảnh sát trấn áp biểu tình.

Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, vụ "tắm máu" ở Bahir Dar có thể xem là "giết người ngoài vòng pháp luật" và có ít nhất 30 người bị giết trong một ngày. Chính quyền Washington đã ra tuyên bố "quan ngoại sâu sắc" về tình trạng bạo lực tại Ethiopia - đất nước ở phía Đông châu Phi với số dân khoảng 91 triệu người.

Hãng tin nhà nước Ethiopian News đưa tin: "Các cuộc biểu tình mang tính bất hợp pháp" bởi "các lực lượng phản hòa bình" đã bị kiểm soát nhưng lại không đề cập gì đến thương vong. Trước đó, tại thủ đô Addis Ababa có cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình kéo dài nhiều ngày. Những người mục kích nói rằng, cảnh sát đã xô xát với người biểu tình ném đá tại ít nhất hai khu vực trong thủ đô.

Những người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 5 và tố cáo là có nhiều gian lận, đồng thời cũng để phản đối việc cảnh sát biểu dương lực lượng. Những cuộc tuần tiễu kéo dài một tuần được thực hiện trên khắp thủ đô, nơi phần lớn các cửa hàng đã đóng cửa, và có ít taxi và xe buýt trên các đường phố hơn so với ngày thường.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên McCormack của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhận định về tình hình trên rằng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phàn nàn về việc sử dụng bạo lực quá đáng của chính phủ còn phe đối lập thì lại cố tình khiêu khích bạo động.

Các giới chức bệnh viện cho biết, có khoảng 23 người chết và 150 người bị thương trong một vụ xô xát, và 8 người thiệt mạng sau đó. Hồi năm 2014, cảnh sát chống bạo loạn tại Ethiopia đã bắn chết 5 người và làm bị thương ít nhất 18 người khác trong một cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập tại thủ đô Addis Ababa.

Tại Ethiopia, các nhà lãnh đạo đối lập cao cấp đã xuất hiện trước tòa án sau khi bị nhà chức trách Ethiopia bắt giữ. Họ là nguyên nhân để xảy ra các cuộc chạm trán chết người giữa cảnh sát và những người biểu tình chống đối chính phủ. 24 người gồm thành viên phe đối lập, các nhà hoạt động tích cực cho nhân quyền và một số ký giả, đã không bị buộc tội.

Thế nhưng họ bị bác đơn xin tại ngoại hầu tra, và bị giới cầm quyền hạ lệnh tống giam thêm 14 ngày nữa. Những người trong cuộc đã bị bắt giữ vì bị tình nghi xúi giục để gây ra tình trạng bất ổn kéo dài nhiều ngày, dẫn đến cái chết của 46 người tại thủ đô Addis Ababa và những nơi khác năm 2012.

Chính phủ Ethiopia đã lên tiếng bênh vực hành động của cảnh sát trước các cuộc biểu tình trên các đường phố Ethiopia, họ nói rằng giới công quyền buộc phải ra tay để vãn hồi trật tự. Chính quyền Ethiopia coi các cuộc biểu tình là bất hợp pháp, và mô tả các cuộc biểu tình phản đối là những vụ bạo động.

Vân Trường (tổng hợp)
.
.
.