Europol phối hợp với Interpol truy quét tội phạm buôn người

Thứ Năm, 26/10/2017, 18:59
Europol vừa phối hợp với Interpol và Tổ chức Cảnh sát biên giới (Frontex) của châu Âu triển khai một chiến dịch chống buôn người tại nhiều quốc gia.


Trong chiến dịch diễn ra từ ngày 9 đến 13-10 tại 19 quốc gia châu Âu, cảnh sát đã bắt 16 đối tượng tình nghi, giải cứu 34 trẻ vị thành niên và 1.072 người đang trong tình trạng "dễ bị tổn thương hoặc bị lạm dụng", 

Trong chiến dịch vừa kết thúc hôm 20-10, lực lượng cảnh sát đã bắt 74 đối tượng buôn người. Europol và Interpol cho biết, trong khuôn khổ 2 chiến dịch kể trên, cảnh sát đã thẩm vấn hơn 240.000 người liên quan và họ tập trung vào các trung tâm tiếp nhận người di cư và cửa khẩu biên giới, vốn là những "điểm nóng" về bóc lột tình dục, ép buộc nạn nhân ăn xin và phạm tội. 

Europol phối hợp với Interpol truy quét tội phạm buôn người.

Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), số người tị nạn và di cư tới châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2017 tuy đã giảm, nhưng nhiều người đang đối mặt với nguy cơ bị thiệt mạng và lạm dụng bởi họ vẫn phải dựa vào mạng lưới vận chuyển của bọn buôn người. 

Vẫn theo UNHCR, tình trạng bạo lực và lạm dụng thường xảy ra trên hành trình của người tị nạn, nhiều người bị bạo lực tình dục, tra tấn và bắt cóc đòi tiền chuộc. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa kết thúc cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 19 và 20-10, tại Thủ đô Brussels (Bỉ), để thảo luận về các chủ đề cấp bách nhất hiện nay như nhập cư. 

Lãnh đạo các nước EU đã đánh giá những biện pháp được triển khai nhằm kiểm soát làn sóng nhập cư trên tất cả các ngả vào châu Âu, để đưa ra các biện pháp bổ sung cần thiết để hỗ trợ các nước thành viên ở những vị trí cửa ngõ ra vào châu Âu.

Thủ tướng Anh Theresa May vừa cảnh báo, châu Âu đang phải đối mặt với các mối đe dọa gia tăng từ chủ nghĩa khủng bố, tội phạm mạng và tình trạng di cư bất hợp pháp. Do đó, các quốc gia châu Âu cần sát cánh để đương đầu với những thách thức kể trên "vì lợi ích chung". 

Ngoại trưởng Estonia Sven Mikser từng nhấn mạnh, các nước cần trao đổi thông tin và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác khi những tư tưởng cực đoan ngày càng len lỏi và "bám rễ" vào tiềm thức của nhiều người thông qua nhiều loại hình phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet. 

Hơn 20 ngày trước (2-10), NATO và EU khánh thành Trung tâm châu Âu chống các mối đe dọa hỗn hợp (Hybrid CoE) tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan để tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin và đối thoại. 

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Frederica Mogherini khẳng định, việc khánh thành Trung tâm đã phản ánh mức độ hợp tác chưa từng có giữa EU và NATO. 

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, Hybrid CoE sẽ đóng góp quan trọng vào an ninh khu vực. Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã đề cập đến việc cần tránh thổi phồng các mối đe dọa.

Tổ chức Cảnh sát biên giới (Frontex) triển khai chiến dịch chống buôn người.

Đại hội đồng lần thứ 85 của Interpol (gồm 190 quốc gia thành viên) diễn ra tại Bali, Indonesia vừa quyết định triển khai hệ thống kiểm soát và phát hiện hộ chiếu giả có tên gọi là I-Checkit. 

Theo giới chuyên môn, với việc ứng dụng I-Checkit, các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực giao thông vận tải, ngân hàng và du lịch tại bất cứ quốc gia thành viên Interpol nào đều có thể cập nhật thông tin từ kho cơ sở dữ liệu của Interpol để kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng giấy tờ giả để tiến hành giao dịch bất hợp pháp. 

Cảnh sát Đức từng cảnh báo, IS đang sở hữu khoảng 11.100 hộ chiếu trắng của Chính phủ Syria và có thể điền nhận dạng của các tay súng thuộc tổ chức này để trà trộn vào dòng người di cư, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện. 

Riêng trong năm 2016, giới chức di trú Đức đã phát hiện 8.625 hộ chiếu giả. Chuyên gia người Đức Peter Neumann vừa khuyến cáo, mối đe dọa khủng bố sẽ tiếp tục là một thách thức trong nhiều năm tới ở châu Âu. Theo ông Peter Neumann, kể cả khi IS bị triệt tiêu, các nhóm khủng bố nguy hiểm khác vẫn có thể hình thành để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu.

Liên hợp quốc đã ra nghị quyết thành lập một cơ quan mới (theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres) để trợ giúp các quốc gia thành viên thực thi chiến lược chống khủng bố. 

Theo đó, các chức năng liên quan đến chống khủng bố của Cơ quan phụ trách các vấn đề chính trị của Liên hợp quốc (DPA) được chuyển cho Cơ quan Chống Khủng bố mới và do một Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách. 

Tổng Thư ký Antonio Guterres coi chống khủng bố và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực là một trong những ưu tiên cao nhất của Liên hợp quốc nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. 

Phạm Huy Anh
.
.
.