Europol và cuộc chiến chống rửa tiền

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:31
Châu Âu là một trong những trung tâm tài chính - chính trị của thế giới, nơi các hoạt động kinh tế diễn ra nhộn nhịp và có giá trị cao. Tội phạm trong nội tại châu Âu và tội phạm ngoài châu Âu tìm cách rửa tiền trong châu Âu với hy vọng số tài sản chúng biến thành hợp pháp sau rửa tiền sẽ an toàn trong một tổ chức xã hội phát triển.


Mỗi năm, hàng trăm tỷ USD tiền bất hợp pháp được tội phạm tẩy rửa tại châu Âu thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nguồn gốc tiền bẩn rất đa dạng như từ hoạt động mại dâm, lừa đảo, buôn bán ma túy, trộm cắp xe hơi hạng sang, bán độ, tổ chức nhập cư bất hợp pháp…, nhưng phổ biến nhất vẫn là nguồn tiền từ tội phạm tham nhũng.

Europol đã phát hiện một số hành vi các tổ chức khủng bố nước ngoài sử dụng tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp (như việc buôn lậu dầu, mua bán vũ khí, buôn người…) để thông qua các quỹ đầu tư hợp pháp, rót tiền vào cho các nhóm khủng bố nằm vùng trong lòng châu Âu, núp bóng các công ty, tập đoàn kinh tế.

Với số tiền khổng lồ có được, các nhóm này tìm mua vũ khí, tuyển mộ nhân lực và lên kế hoạch tấn công khủng bố ở châu Âu. Các đối tượng này tìm cách mua chuộc các cán bộ biến chất trong các cơ quan thuế, tài chính và cả cảnh sát để được che giấu hoạt động phạm tội.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các đối tượng rửa tiền ở châu Âu không chỉ rửa tiền thông qua dòng tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng mà sử dụng nhiều tiện ích của tiền ảo. Để kiểm soát, truy nguyên và thu hồi tài sản từ dòng tiền ảo này là một thách thức mới đặt ra đối với cảnh sát châu Âu.

Trong thời gian qua, Tổ chức cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) đã tích cực hỗ trợ các quốc gia thành viên về tin tức tình báo và kỹ thuật hình sự để phòng, chống tội phạm rửa tiền. Ba ưu tiên chính là phát hiện chính xác đối tượng liên quan và đấu tranh triệt để, tận gốc với các đối tượng rửa tiền.

Ủy ban chống tội phạm rửa tiền của Europol (ECAB) được thành lập với các sỹ quan cảnh sát kinh tế và chuyên gia tài chính nhiều kinh nghiệm chuyên nghiên cứu, thu thập, phân tích và tiến hành hỗ trợ cảnh sát các nước thành viên điều tra, truy tìm nguồn gốc tiền bẩn.

Với sự phối hợp chặt chẽ từ Interpol và mối quan hệ tốt với cảnh sát các nước ngoài châu Âu,  ECAB giúp cảnh sát các nước châu Âu phong tỏa tài sản và đóng băng nguồn tiền nghi ngờ có được từ hoạt động phạm tội để cảnh sát có thời gian xác minh, làm rõ trước khi số tiền đó bị các đối tượng tẩu tán.

Năm 2012, Europol là cơ quan sáng lập Mạng lưới chống rửa tiền toàn cầu (AMON) với sự tham gia của các chuyên gia phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên khắp thế giới.

AMON  đã chứng minh hiệu quả thông qua nhiều hoạt động giúp nâng cao năng lực điều tra chống rửa tiền của cảnh sát nói riêng và các cơ quan hành pháp nói chung, là cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động điều tra tội phạm rửa tiền xuyên biên giới.

Europol cũng thành lập Trung tâm dữ liệu thông tin tội phạm tài chính (FCIC). Với hơn 1.200 chuyên gia từ cảnh sát các nước châu Âu được quyền truy cập, FCIC là công cụ hữu hiệu và bảo mật cao để cảnh sát châu Âu chia sẻ thông tin, cập nhật những kiến thức cần thiết và thủ đoạn mới nhất của tội phạm rửa tiền, thông tin về  những đối tượng hoặc hoạt động tình nghi, hồ sơ đối tượng hoặc hồ sơ vụ án đã xảy ra liên quan đến rửa tiền….

Các phạm nhân được học nghề và lao động.

Cơ sở dữ liệu về tội phạm tham nhũng và tội phạm khủng bố quốc tế của Europol và Interpol được liên kết và chia sẻ giúp cảnh sát các quốc thành viên Europol theo dõi các đối tượng tham nhũng ngay từ đầu khi chúng có ý định nhập cảnh hoặc chuyển tài sản vào châu Âu nhằm ngăn chặn kịp thời hoạt động rửa tiền của chúng.

Năm 2016, Europol đã phối hợp với Interpol tổ chức một số hội thảo để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đề ra biện pháp đối phó với một thủ đoạn mới của tội phạm rửa tiền thông qua tiền ảo. Trong một chiến dịch lớn mang tên Usura, sau gần hai năm theo dõi, Europol đã phối hợp với cảnh sát Tây Ban Nha triệt phá hai đường dây tội phạm khét tiếng gốc Nga hoạt động ở Tây Ban Nha.

Cảnh sát đã bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ 191 bất động sản và 142 tài sản tài chính ảo cùng số tiền mặt 120.000 Euro. Tổng số giá trị tài sản thu giữ được lên đến 62 triệu Euro. Trong vụ án này, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn về công nghệ thông tin để rửa tiền có được từ hoạt động phạm pháp tại Nga và Tây Ban Nha.

Phạm Oanh
.
.
.