FBI vẫn truy nã không tặc

Thứ Năm, 16/02/2017, 12:20
46 năm sau vụ cướp máy bay táo bạo trên không phận Mỹ, Cục cảnh sát liên bang Mỹ (FBI) vẫn tiếp tục truy nã tên không tặc D.B. Cooper.


Ngày 6-1-2017, một nhóm chuyên viên khoa học khẳng định nhờ họ sử dụng kính hiển vi đặc biệt, đã phát hiện có hơn 100.000 phân tử gồm cerium, strontium, sulfide và titanium trên chiếc cà-vạt mà Cooper bỏ lại trên chiếc máy bay bị cướp Boeing 727 của hãng bay Northwest Orient trước khi hắn nhảy dù rồi biến mất vào đêm 24-11-1971, mang theo số tiền chuộc 200.000 USD (khoảng hơn 1,17 triệu USD theo thời giá hiện nay).

Nhóm khoa học nhận xét các phân tử này từng được hãng sản xuất máy bay Boeing sử dụng nơi các chiếc máy bay vận tải siêu thanh trong các năm 1960-1970. Trưởng nhóm nghiên cứu Tom Kaye nhận định các bằng chứng này cho thấy Cooper có thể là nhà thầu, hoặc nhân viên của hãng Boeing nên phải đeo cà-vạt. Kaye nói: “Hắn đeo cà-vạt đi vào nơi sản xuất nên hẳn hắn là kỹ sư hoặc quản đốc tại một trong các nhà máy của hãng này”.

Vụ không tặc

FBI khẳng định cuộc điều tra một trong những vụ hình sự bí ẩn nhất Mỹ vẫn chưa thể kết thúc, vì chưa thể xác minh rõ được tên không tặc Cooper là ai. Đêm 24-11-1971, chiếc máy bay Boeing 727 của hãng hàng không Northwest Orient cất cánh từ Portland (bang Oregon) đi Seattle.

Tên không tặc đeo kính đen và thắt cà vạt có kim cài, mua một vé máy bay giá 20 USD với cái tên Dan B.Cooper.Trên đường bay, sau khi kêu một ly whisky và hút vài điếu thuốc, hắn chuyển tờ giấy cho một nữ tiếp viên nêu hắn có bom. Rồi hắn cho cô xem chiếc va-li đen chứa dây điện, những thỏi đỏ  và bảo đó là phương tiện đánh bom. Hắn yêu cầu máy bay hạ cánh ở Seattle để đổi 36   hành khách lấy 4  chiếc dù và số tiền chuộc 200.000 USD.

Bức vẽ nhận dạng Cooper.

Sau khi được đáp ứng các yêu cầu và chiếc máy bay  được tiếp nhiên liệu, “Cooper” buộc cơ trưởng chuyến hướng bay đến Mexico, nhưng ở đâu đó trên không phận tây nam bang Washington, hắn mở cửa dự phòng  nhảy dù trốn thoát trong đêm mưa bão gió lớn với chiến lợi phẩm cùng hai chiếc dù. Thời tiết xấu khiến vài ngày sau cảnh sát mới có thể mở cuộc truy lùng nhưng chẳng ai còn trông hoặc nghe thấy Cooper nữa. FBI cho rằng hắn chết vì thời tiết khắc nghiệt.

Tháng 2- 1980, một cậu bé tìm thấy 3 cọc tiền 5.800 USD bằng tờ 20 USD đang phân hủy ở dọc sông Columbia gần Vancouver (Canada). Năm 2001, FBI nói họ tìm thấy dấu DNA trên kim cài cà vạt Cooper bỏ lại trước khi nhảy dù.

Cooper đã chết ?

Mãi đến gần đây, FBI mới có một đầu mối đáng tin cậy, tập trung vào một nghi can đã chết già hơn 10 năm nay. Thông tin từ một cựu nhân viên tư pháp nói người này có thể là Cooper. FBI tìm dấu tay hoặc DNA của ông ta để so sánh với dấu vân tay Cooper để lại trên 8 đót thuốc lá, tờ tạp chí... Họ cũng tìm dấu tay trên một món đồ của người chết nhưng không có kết quả, nên chỉ có thể hợp tác với người thân của ông ta để có những món đồ khác. FBI giấu mọi thông tin về ông ta, với lời giải thích không thể nêu tên vì sợ gia đình ông ta có thể bị giới truyền thông và người viết sách về Cooper làm phiền.

Chiếc máy bay bị cooper buộc hạ cánh ở Seattle.

Gần đây nữa, bà Marla Cooper ở bang Oregon) nói với hãng truyền hình NBC News bằng chứng đủ mạnh liên kết ông  bác quá cố Lynn Doyle Cooper dính líu vụ không tặc táo bạo, để FBI kết thúc cuộc điều tra. Bà Marla nói bà cảm thấy có lỗi do đã giữ bí mật gia đình suốt 40 năm qua. Bà kể bà được 8 tuổi khi ông bác Lynn Doyle  Cooper đến thăm nhà dịp lễ Tạ ơn 1971 (một ngày sau vụ không tặc) với những vết thương trên người mà ông ta bảo là do bị tai nạn xe hơi.

Bà Marla nói ông bác rất thích nhân vật truyện tranh Dan Cooper, điều có thể giải thích tại sao tên không tặc có tên D.B Cooper. Sau này, bố mẹ bà tin L.D. Cooper là tên không tặc. Bà Marla nói sau ngày ấy, bà không gặp lại ông bác nữa và được nghe nói ông bác qua đời năm 1999. Bà cũng cho rằng khi nhảy dù, Cooper đã bị mất hết số tiền cướp được.

Hồi tháng 8-2011, bà Marla đã ra mặt, nhận là nguồn tin mà FBI gọi là “một đầu mối mới có ý nghĩa”. Họ đã lấy mẫu DNA và tìm dấu tay trên một cần đàn guitar từng của ông bác Lynn Doyle Cooper. Họ cũng so sánh nhiều ảnh chụp ông này với những bức vẽ nhận dạng tội phạm của cảnh sát. 

Dù dấu vết ngón tay chưa được kiểm tra và chứng cứ DNA chưa tương hợp, bà Cooper nói bà đã gặp một nữ nhân viên FBI và được người này cho biết bằng chứng do bà cung cấp đủ để kết thúc cuộc điều tra: “Cô ấy bảo tôi rằng dù kết quả kiểm tra dấu tay thế nào chăng nữa, họ vẫn sẽ đóng lại hồ sơ sau chuyện này. Cô ấy nói: “Tôi cảm thấy chắc chắn bác của bà đã làm vụ đó”. Nếu đúng như thế thì việc gì phải tiếp tục cuộc điều tra ?”.

Nhưng mọi người không tin lời bà Marla. Có nhiều cho rằng bà tung tin để có lợi cho bà: Marla vừa dự và phát biểu tạo một cuộc hội thảo kỷ niệm 40 năm vụ không tặc của Cooper. FBI lập tức nhấn mạnh bà Marla chỉ là “một nhân chứng đáng tin cậy”. Và dù các xét nghiệm DNA vẫn chỉ cho kết quả dương tính, các nguồn tin từ FBI nói vẫn chưa thể bảo đảm chính xác 100 %, do vụ việc đã xảy ra quá lâu và không dám chắc chắn rằng họ đã được mẫu DNA đúng là của tên không tặc. Nhưng người phát ngôn của FBI nói Lynn Doyle Cooper “chưa bị gạt ra khỏi danh sách nghi can”, và cuộc điều tra vẫn được tiếp tục, dựa vào tất cả các đầu mối đáng tin cậy.

Tự nhận Cooper

Nhiều người cũng tự xưng là Cooper, nhưng bị phủ nhận do không đúng nhân dạng, không có kinh nghiệm nhảy dù và sau này không phù hợp với mẫu DNA tìm thấy trên chiếc kim cài cà vạt.

Nhiều người tin Cooper là Richard McCoy, một cựu binh Mỹ từ cuộc chiến xâm lược Việt Nam trở về Mỹ. Ông ta có kinh nghiệm nhảy dù và là một sinh viên khoa chính trị từng tổ chức một cuộc không tặc tương tự vài tháng sau vụ Cooper. Nhưng FBI khẳng định McCoy không phù hợp nhân dạng về Cooper (từ hai lời khai của hai nữ tiếp viên hàng không). McCoy bị giết trong  một vụ đấu súng với cảnh sát sau khi hắn vượt ngục năm 1974. +Trong 40 năm qua, đã có hơn 1.000 người trước khi chết tự xưng là Cooper. nhưng các câu chuyện họ kể không đúng với lời khai của các hành khách và tổ lái.

+Cũng có những giả thiết rằng vụ cướp bay là âm mưu của tổ lái. Người khác nói Cooper là Duane Weber, người từng khai là Cooper trước khi ông ta qua đời năm 1995.

+Cựu nhân viên FBI Larry Carr nói chứng cứ cho thấy Weber không phải là Cooper.

+ Lyle Christiansen vào năm 2007 nói em trai Kenneth (chết năm 1994) là Cooper và dù FBI khẳng định không phải, ông ta vẫn nói FBI sai !

+ Bạn bè của bà Barbara Dayton (một nam phi công đổi giới tính) nói họ có bằng chứng rằng bà là Cooper: dễ cải trang thành đàn ông và đổi giọng, nhưng FBI cũng không tin.

+ Đã có 17 đầu sách viết về Cooper và vụ không tặc này đã được dựng thành phim, với nam tài tử Robert Duval thủ vai chính. Chiếc máy bay bị Cooper buộc hạ cánh ở Seattle.

Thảo Hương (theo Guardian)
.
.
.