G7 bắt tay giải quyết "hồ sơ nóng"

Thứ Sáu, 11/05/2018, 10:10
Chiều 24-4 (theo giờ địa phương), Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã kết thúc sau 3 ngày họp. Ngoài xem xét quan hệ với Nga, hội nghị còn thống nhất quan điểm trong xử lý các vấn đề tại Syria, vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên.


Với 9 phiên thảo luận kéo dài trong 2 ngày, hội nghị đã kết thúc tại Toronto, Canada với sự thống nhất của các nước đối với nhiều vấn đề nóng của thế giới, trong đó có việc chỉ trích các “hành vi” của Nga gần đây, cam kết duy trì sức ép đối với Triều Tiên hay việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân Iran.

Hội nghị tái khẳng định tin tưởng vào các nền kinh tế mở, xã hội mở và chính phủ mở. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ phối hợp xây dựng đề xuất trình lên các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp thượng đỉnh tại Charlevoix vào tháng 6 tới. 

Những đề xuất đó bao gồm: phối hợp thúc đẩy dân chủ và ngăn chặn can thiệp của nước ngoài; duy trì trật tự quốc tế dựa theo luật định; ngăn chặn xung đột và hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Liên Hiệp Quốc; thúc đẩy giải trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân; đối phó với các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia, chống bạo lực cực đoan, ngăn chặn sự di chuyển của các phần tử khủng bố và việc sử dụng internet cho mục đích khủng bố; giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh mạng; chống buôn người; thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Các quan chức dự Hội nghị G7 ở Toronto.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến bất ngờ và phức tạp, ảnh hưởng đến nền an ninh và hòa bình toàn cầu. Đó là quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh xung đột Syria cũng như vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga S. Skripal tại Anh, hay những bước tiến tích cực trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... 

Trong khi đó, các nhà ngoại giao từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng muốn thăm dò và nắm bắt quan điểm từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, hay cách thức ông Trump sẽ xử trí như thế nào trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Có thể khẳng định hồ sơ Triều Tiên và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những chủ đề lớn nhất tại Hội nghị G7 lần này, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa quyết định ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc nước này. 

Ngoài ra, căng thẳng ở mức chưa từng có từ thời Chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây cũng trở thành tâm điểm của Hội nghị. Mặc dù các quan chức G7 đã nhất trí tiếp tục gây sức ép đối với Nga về vấn đề Syria, song các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga đã không nằm trong chương trình nghị sự. 

Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong quan hệ vốn không “xuôi chèo, mát mái” giữa Nga và phương Tây sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. 

Bản thân các nước G7 cũng hiểu rằng, vai trò của Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Syria cũng như sự cần thiết phải duy trì đối thoại với Moskva bất chấp những căng thẳng gần đây.

Một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa Mỹ và các nước còn lại của G7 là thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, nếu các nước trụ cột châu Âu không đồng ý bổ sung các điều khoản tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn với chương trình tên lửa của Iran cũng như khả năng làm giàu nhiên liệu hạt nhân của nước này trong tương lai. 

Bất chấp trước sức ép phải sửa đổi một số điều khoản được cho là còn nhiều “sai sót” của thỏa thuận hạt nhân Iran từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, các quốc gia châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết thực hiện đúng thỏa thuận này như một hành động “duy trì” ổn định cho khu vực vốn đã quá nhiều bất ổn. Thay vì đàm phán sửa đổi, các quốc gia này đang cố gắng thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận với Iran.

Dẫu còn quan điểm khác nhau và khó có thể dung hòa trong “một sớm một chiều”, song hội nghị lần này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng để các cường quốc nhóm G7 giải quyết những vấn đề nóng trên thế giới. Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại Charlevoix, tỉnh Quebec của Canada trong 2 ngày 8 và 9-6.

Nam Tiên
.
.
.