Gaza đang rơi vào "ngõ cụt" hòa bình

Thứ Năm, 24/05/2018, 15:15
Rạng sáng ngày 17-5 (giờ địa phương), máy bay chiến đấu Israel đã không kích liên tiếp các mục tiêu Hamas tại khu vực phía bắc Dải Gaza, theo Reuters.


Các mục tiêu bị không kích gồm 4 căn cứ đóng quân và 3 cơ sở chế tạo vũ khí. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đây là chiến dịch đáp trả vụ nhiều ngôi nhà tại thành phố Sderot trúng đạn súng máy được bắn từ Dải Gaza vào trưa 16-5.

Biểu tình đẫm máu

Những diễn biến mới cho thấy tình hình ở Dải Gaza ngày càng leo thang căng thẳng. Đợt căng thẳng mới nhất bắt đầu từ ngày 14-5, khi làn sóng biểu tình của hơn 40.000 người Palestine đã chìm trong bạo lực. Palestine tố cáo Israel nổ súng vào người biểu tình khiến ít nhất 62 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương. 

Nhiều nhà quan sát đã lên tiếng đổ lỗi đợt căng thẳng mới nhất cho Washington, cho rằng diễn biến đẫm máu này đến từ việc Mỹ khai trương Đại sứ quán ở Jerusalem hôm 14-5, như quyết định được đưa ra trước đó của Tổng thống Donald Trump. 

Tuy nhiên, ít người biết rằng hàng năm cứ tới ngày 15-5, mà Palestine gọi là “Ngày Nakba” (Ngày Thảm họa), người dân Palestine đều tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống lại Israel. Điều này bắt nguồn từ lịch sử nhiều xung đột giữa 2 bên.

Vương quốc Israel của người Do Thái được thành lập vào khoảng thế kỷ 11 TCN tại vùng đất tranh chấp hiện nay. Từ năm 641, người Arập nắm quyền cai quản trong 1.300 năm sau dưới nhiều triều đại khác nhau. Sự hiện diện của người Do Thái tại đây bị thu hẹp đáng kể, nhiều người sống lưu vong tại những nơi khác như châu Âu. Năm 1516, Đế quốc Ottoman chinh phục vùng đất này và gọi nó là Palestine thuộc Ottoman.

Năm 1947, Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua kế hoạch phân chia "Lãnh thổ ủy trị Palestine" thành 2 quốc gia Do Thái (Israel) và Arập (Palestine) riêng biệt. Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5-1948. 

Trong khi đó, phe Arập phản đối kế hoạch và tiến hành chiến tranh với Israel năm 1948-1949. Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của LHQ. 

Họ cũng trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này. 3/4 trong số 1 triệu người Palestine đã bỏ chạy hoặc bị trục xuất khỏi nhà của họ tại các vùng đất Israel kiểm soát từ năm 1948, trong thời gian họ gọi là "al-Nakba" (thảm họa).

Năm 1967, phía Arập một lần nữa phá vỡ thỏa thuận với LHQ, buộc Lực lượng gìn giữ hòa bình rút quân khỏi Cao nguyên Golan; đồng thời phong tỏa eo biển Tiran không cho tàu Israel đi qua. Ai Cập khi đó kêu gọi các nước Arập cùng lập liên minh chống lại Israel. Chiến tranh 6 ngày nổ ra. Israel nhanh chóng chiến thắng liên minh Arập và kiểm soát 22% còn lại gồm Bờ Tây và Dải Gaza. 

Năm 1993, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký Hiệp định Hòa bình Oslo. PLO là tổ chức chính trị và bán quân sự được Liên đoàn Arập xem là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine kể từ tháng 10-1974. 

Israel chuyển quyền kiểm soát một số phần ở Gaza và Bờ Tây cho chính quyền bán tự trị được gọi là Chính quyền Dân tộc Palestine, để đổi lấy một thỏa thuận ngăn chặn bạo lực các nhóm du kích Palestine, trong đó có Hamas.

Con tin của Hamas

Tuy nhiên, một lần nữa phía Arập không tuân thủ thỏa thuận. Chính quyền Dân tộc Palestine không thể ngăn cản các cuộc tấn công từ các nhóm du kích. 

Năm 2006, tổ chức bị Mỹ và nhiều nước phương Tây liệt vào khủng bố là Hamas thậm chí đã thành lập chính phủ riêng ở Gaza và thường xuyên mở các cuộc không kích vào Israel. 

Những cuộc tấn công và nã rocket từ Hamas cùng các nhóm chiến binh khác ở Gaza đã bị Israel đáp trả bằng một số chiến dịch ném bom và các cuộc tấn công trên đất liền. 

Hàng năm, căng thẳng hai bên lại bùng phát mạnh mẽ trong những tuần lễ trước "ngày Nakba" 15-5.

Năm nay, Hamas đã chỉ đạo cuộc biểu tình với tên gọi "Great March of Return" (Đại diễu hành hồi hương), hàng nghìn người biểu tình Palestine tập trung ở ranh giới Gaza với Israel để yêu cầu được quay về quê hương.

Tờ Washington Post (WP), một tờ báo thường xuyên công kích Tổng thống Trump, lần này đã có bài viết hiếm hoi bênh vực ông. Tờ báo cho rằng Hamas, tổ chức khủng bố đang nắm quyền ở Gaza, mới là bên phải chịu trách nhiệm chính. 

Theo WP, Hamas sẽ không chấp nhận bất kỳ Đại sứ quán Mỹ nào ở Israel, bởi vì nó không chấp nhận Nhà nước Israel. Điều lệ của Hamas nói "Palestine là một vùng đất bị chiếm giữ bởi một dự án thuộc địa Zionist phân biệt chủng tộc và chống lại con người", thề rằng "kháng chiến... sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn thành giải phóng”.

Nam Tiên
.
.
.