Ghana:

Khi cảnh sát và phóng viên phối hợp phá án

Chủ Nhật, 13/03/2016, 16:50
Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của nhóm phóng viên điều tra do nhà báo nổi tiếng Anas Aremeyaw Anas dẫn đầu, cảnh sát Ghana mới đây đã triệt phá một đường dây lạm dụng tình dục trẻ em lớn trải dài từ châu Phi tới châu Âu.


Trong lần trả lời phỏng vấn hãng Radio France International hồi cuối tháng 2 vừa qua, nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra Anas Aremeyaw Anas cho biết, nhóm điều tra của ông sắp "trình làng" một series phóng sự điều tra về một đường dây lạm dụng tình dục trẻ em lớn nhất từ trước đến nay. Đường dây này có chân rết hoạt động ở khắp các quốc gia thuộc châu Phi và thậm chí còn lan tới cả châu Âu. Rất nhiều bé gái trong độ tuổi vị thành niên ở châu Phi đã bị lừa đưa sang châu Âu, phục vụ trong các nhà thổ. 

Nhà báo Anas Aremeyaw Anas luôn luôn đeo mặt nạ và được các cảnh sát ngầm bảo vệ mỗi khi xuất hiện trước công chúng. (ảnh: Myjoyonline)

Anas Aremeyaw Anas nói: "Đây là một đề tài hay, chúng tôi đã ấp ủ thực hiện trong nhiều năm qua nhưng chưa làm được cặn kẽ. May nhờ có sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng cảnh sát Ghana, cuối cùng chúng tôi mới có được thiên phóng sự của mình". 

Khi liên lạc với giới chức cảnh sát Ghana về câu chuyện của nhà báo Anas Aremeyaw Anas, hãng Radio France International cũng đã nhận được lời xác nhận cụ thể. Một sĩ quan cảnh sát Ghana (giấu tên) còn tiết lộ rằng, chính nhờ những lá đơn tố cáo mà người dân gửi cho nhóm phóng viên điều tra và những thước phim ngắn do các phóng viên cung cấp mà cảnh sát Ghana mới triển khai được chuyên án đó. 

Người phụ trách cơ quan điều tra của lực lượng cảnh sát Ghana Mohammed Alhassan cho biết, cuộc điều tra về đường dây lạm dụng tình dục trẻ em được tiến hành trong vòng hơn 1 năm. Có những lúc đội điều tra tưởng đi vào ngõ cụt nhưng may là từ các thông tin mà nhóm phóng viên điều tra cung cấp nên họ lại có thêm manh mối để lần tìm ra những kẻ dẫn đầu băng nhóm này, giải cứu được nhiều bé gái tuổi từ 12-15 đang bị bán đi làm nô lệ tình dục. 

Sự cố đáng nhớ nhất trong chiến dịch lần này, theo lời kể của ông Mohammed Alhassan chính là chuyện một thành viên của nhóm phóng viên điều tra bị nhóm Tigereye bắt cóc. Đó là Ishmael Husssein. Vụ việc xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái, khi chuyên án này đang đi vào giai đoạn quyết định. 

Hôm đó, Tư lệnh cảnh sát vùng Tamale đã điện thoại trực tiếp cho ông Mohammed Alhassan báo cáo về việc Ishmael Hussein bị bắt cóc vào buổi sáng cùng ngày. Nhận được tin báo, cảnh sát vùng Tamale đã kịp bủa vây, đuổi theo và bắt giữ được một kẻ bắt cóc nhưng tên này không chịu khai gì cả. Trong khi đó, Ishmael Hussein vừa là phóng viên điều tra lại vừa là một nhân chứng quan trọng. Đích thân ông Mohammed Alhassan đã phải chỉ huy chiến dịch giải cứu và đến 2 ngày sau thì tìm thấy Ishmael Hussein cũng như bắt được những kẻ bắt cóc còn lại.

Riêng đối với nhà báo điều tra Anas Aremeyaw Anas thì từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết, "cánh tay phải đắc lực" cho cảnh sát. Ông Mohammed Alhassan nói: "Sau 14 năm trong nghề, Anas Aremeyaw Anas đã trở thành một trong những nhà báo điều tra nổi tiếng nhất thế giới và đã giúp lực lượng cảnh sát chúng tôi phá ít nhất 3 chuyên án lớn".

Ngoài chuyên án về đường dây lạm dụng tình dục trẻ em thì phải kể đến chuyên án chống tham nhũng trong giới thẩm phán, tòa án. Năm 2015, nhờ có các phóng sự điều tra, các đoạn phim ghi lại cảnh nhận tiền của Ishmael Husssein và Anas Aremeyaw Anas mà 32 thẩm phán ở Ghana đã bị buộc thôi việc, bị bắt giữ và truy tố vì tội phạm nhũng.

Chiến dịch làm trong sạch ngành tòa án ở Ghana từ đó cũng được thực thi với việc thay thế toàn bộ 100 thư ký tòa, lắp các camera an ninh theo dõi để tránh nguy cơ các thẩm phán nhận hối lộ nhằm đưa ra phán quyết nhẹ đối với các tội phạm bị truy tố và xét xử. 

Theo nguồn tin từ hãng Ghanaweb, Anas Aremeyaw Anas và các cộng sự đã thực hiện một cuộc điều tra bí mật trong vòng 2 năm. Khi đã có đủ chứng cứ để vạch tội những sâu mọt trong ngành tòa án, họ tới Sở cảnh sát quốc gia để giao nộp tài liệu. Từ đây, lực lượng chống tham nhũng Ghana tiếp tục rà soát các chứng cứ một lần nữa để đi đến quyết định truy tố hoặc bắt giữ… 

Trong khoảng thời gian đó, cảnh sát Ghana phải thành lập một đội đặc nhiệm bảo vệ các phóng viên điều tra và đội điều tra của cảnh sát cũng phải hoạt động trong bí mật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao trong nhất trong ngành cảnh sát… 

Ông Mohammed Alhassan lý giải: "Chúng tôi tin tưởng những chứng cứ mà Anas Aremeyaw Anas cung cấp. Cá nhân tôi rất biết ơn trước những đóng góp của anh đối với ngành cảnh sát chúng tôi. Tính đến nay, Anas Aremeyaw Anas đã giúp chúng tôi phá ít nhất 4 vụ tham nhũng quy mô lớn trong lĩnh vực điện, nông nghiệp, khai thác vàng và bảo vệ động vật hoang dã ở Ghana”.

Cơ quan chống tham nhũng của Ghana đang xem xét những đoạn băng do nhà báo Anas Aremeyaw Anas cung cấp quay cảnh thẩm phán nhận hối lộ. (ảnh: citifmonline)

Chưa hết, năm 2014, cái tên Anas Aremeyaw Anas còn được cả lực lượng cảnh sát châu Phi, châu Á và cộng đồng quốc tế được nhắc đến nhiều hơn khi anh trực tiếp phanh phui ra một đường dây buôn bán người, trong đó có 6 phụ nữ Việt Nam tuổi từ 29-28. 

Những người này nghe lời hứa hẹn được giới thiệu công việc lương cao ở Mỹ và Na Uy từ một phụ nữ đồng hương, đã tự ý rời bỏ quê nhà để đến miền đất hứa. Nhưng thay vì đặt chân đến châu Âu và châu Mỹ, những phụ nữ này được đưa đến Ghana ở Tây Phi xa xôi và bị những chủ chứa người Trung Quốc ép buộc phải bán dâm cho đàn ông nhiều quốc tịch trong tình cảnh vô cùng tồi tệ. 

Anas Aremeyaw Anas đã mất 6 tháng để thực hiện công việc điều tra và viết loạt phóng sự dài 4 kỳ. Anh đóng giả làm người Mỹ đi mua dâm nhằm tìm hiểu manh mối, bí mật quay phim và thu thập các bằng chứng khác. Khi đã nắm rõ quy luật hoạt động của những nghi phạm buôn người, Anas Aremeyaw Anas quyết định phối hợp với cơ quan phòng chống buôn người thuộc lực lượng cảnh sát Ghana triệt phá đường dây tội phạm này theo một kế hoạch "đánh úp" vô cùng bất ngờ và giải cứu được nhiều phụ nữ trong đó có 6 phụ nữ Việt Nam. 

Cụ thể, Anas Aremeyaw Anas đã đóng vai một khách làng chơi người Mỹ tên John Sullivan, làm việc cho một giàn khoan dầu mới thành lập ở cảng biển Takoradi, cùng một người bạn đến nhà nghỉ Jang Mi. Tại đây họ trực tiếp gặp Tú ông Se Hui và yêu cầu gã cung cấp hai phụ nữ người Việt. Sau khi thu "tiền dịch vụ" từ Anas và bạn, gã mời hai người "vui vẻ" với hai phụ nữ người Việt ngay tại nhà nghỉ Jang Mi. 

Lấy cớ không có máy điều hòa trong phòng nghỉ, nhà báo Anas và bạn yêu cầu đưa hai phụ nữ Việt này đến một khách sạn gần đó. Sau một lúc ngần ngừ, gã chủ chứa người Trung Quốc cuối cùng cũng đồng ý với vẻ tiếc nuối. Nhưng gã không hề hay biết rằng nhiều nhân viên cảnh sát Ghana đã bí mật mai phục trước khách sạn hai phụ nữ đang đến. Khi một trong hai phụ nữ bước ra từ phòng tắm chuẩn bị phục vụ, cảnh sát ập vào và tạm giữ hai người để lấy chứng cứ về việc bán dâm… 

Hơn mười ngày sau, cũng chính nhà báo Anas Aremeyaw Anas đưa các nhân viên cảnh sát đến nơi ẩn náu của bà trùm đường dây buôn người này ở khu vực Tema Community 9, nơi các phụ nữ châu Á nhẹ dạ bị bắt nhốt. Những kẻ buôn người lừa họ sang đây bằng cách hứa hẹn sẽ cung cấp cho họ công việc tốt, lương cao ở nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn báo chí, khi nói về các vai diễn đã thực hiện để phục vụ cho công việc điều tra, nhà báo Anas Aremeyaw Anas nói: "Người ta gọi nó là báo chí ngầm hay báo chí bí mật. Tôi là một phóng viên ngầm". Cũng với chiêu thức này, Anas Aremeyaw Anas đã giúp cảnh sát dẹp tan các đường dây buôn tân dược giả, giúp bảo vệ tính mạng của nhiều người dân nghèo khó ở Ghana. 

Ông kể: "Một trong những phóng sự mà tôi tâm đắc khi thực hiện hồi năm 2013 mang tên "Đứa con tinh thần". Chuyện kể về những đứa trẻ được sinh ra với dị tật và bố mẹ chúng cho rằng một khi chúng được sinh  với dị tật thì chúng không thể sống trong xã hội. Rồi chúng phải uống một số thứ thuốc pha chế và kết quả là chúng chết. Bởi thế tôi đã tạo một đứa con giả, và đi đến một ngôi làng, làm bộ như thể đứa trẻ này được sinh ra với dị tật. 

Sáng đó, tôi gọi cảnh sát chờ sẵn để bắt quả tang chúng đun hợp chất như thế nào. Chúng đặt nó lên bếp. Nó được đun sôi, sẵn sàng để đưa cho những đứa trẻ. Tôi đã ra làm chứng ở phiên tòa để xét xử chúng. 

Một câu chuyện khác xảy ra ở Tanzania đối với những đứa trẻ sinh ra bị bệnh bạch tạng. Những đứa trẻ này thường được coi là không đủ năng lực để sống trong xã hội. Cơ thể chúng bị chặt ra bằng dao phay và được dùng làm thuốc. Tôi được nghe kể về chuyện này và đó là lại là lúc phải hoạt động ngầm. Tôi bí mật giả làm một người quan tâm. Một lần nữa, một cánh tay giả được tạo ra và những kẻ làm việc này sẵn sàng mua nó. "Chúng cắn mồi câu còn tôi thì rút dây". 

Trước khi chúng tôi hoạt động bí mật, chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc. Tôi không hoạt động một mình, tôi luôn có nhóm hỗ trợ và cả những người bạn cảnh sát. Phải nói là công việc điều tra là mạo hiểm và đầy rủi ro. Nhưng đó là rủi ro nghề nghiệp và tôi sẵn sàng đánh đổi nó để lấy công lý".

Anh Tuấn
.
.
.