Ghana: Ngăn chặn làn sóng người di cư bằng dự án khởi nghiệp thanh niên

Thứ Bảy, 13/07/2019, 22:22
Acheampong, 30 tuổi, sống ở Sunyani, một thành phố với dân số khoảng 200.000 người ở miền Trung Ghana. Anh đang tham gia vào một số chương trình khởi nghiệp do Châu Âu tài trợ để khuyến khích những thanh niên như Acheampong ở lại Ghana.


Giúp thanh niên Ghana thành công bằng ý tưởng khởi nghiệp tại quê nhà

Acheampong cho biết, rất ít thanh niên cùng lứa tuổi với anh sống ở  Sunyani. “Tất cả các thanh niên đều biến mất. Họ đến Libya tìm việc làm. Tôi có một người anh họ và một người chú đã đến Libya và giờ đang ở châu Âu. Một người em họ khác đã chết ở Libya”, Acheampong nói.

Acheampong cũng đã dự tính rời Ghana nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Bắt đầu từ năm 2018, anh mở một cửa hàng nhỏ có tên là “Haliwear”, chuyên thiết kế và in hình lên áo phông. “Haliwear” là dự án khởi nghiệp kinh doanh được tài trợ bởi GIZ, cơ quan phát triển của Đức, một phần trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn di cư từ Ghana đến châu Âu. Acheampong hy vọng, “Haliwear” có thể kinh doanh tốt, giúp anh có tiền để mở rộng sản xuất,  thuê thêm nhân công, ngăn bạn bè rời bỏ quê hương.

Acheampong mở cửa hàng chuyên thiết kế đồ họa in hình lên áo phông.

Trong khuôn khổ dự án “Công việc cho thanh niên: Dự án thúc đẩy việc làm và ngăn chặn di cư” do GIZ tài trợ, từ tháng 1 đến tháng 3/2019, các ngày hội dự án khởi nghiệp đã được tổ chức tại Accra, Kumasi và Sunyani, thu hút hơn 3.200 doanh nhân trẻ tham gia.

Những thành phố này được chọn để tổ chức sự kiện vì là nơi có số lượng thanh niên di cư qua Libya đến châu Âu cao hơn nơi khác. 400 doanh nhân được chọn để đào tạo trong vòng bốn tháng. Sau đó, 90 người sẽ được tham gia vào khóa học “tăng tốc kinh doanh” và cuối cùng, 10 dự án xuất sắc nhất sẽ tiếp tục nhận được tài trợ để mở rộng ý tưởng kinh doanh.

Ông Alan Walsch, người đứng đầu GIZ ở Ghana cho biết, dự án là nỗ lực đáng ghi nhận để ngăn chặn nạn di cư đến châu Âu thông qua việc giúp người Ghana trẻ tuổi thành công trong kinh doanh bằng chính ý tưởng khởi nghiệp tại quê nhà.

Những hoài nghi về hiệu quả của dự án

Paul Nana Nketiah, một kế toán 46 tuổi, người giảng dạy cho các học viên của dự án chuyên đề về ngân sách, kế hoạch kinh doanh, cách sở hữu và quản lý một doanh nghiệp cho rằng, nhiều người trẻ viển vông khi muốn giàu có chỉ sau một đêm. “Họ bắt đầu kinh doanh từ khởi đầu khiêm tốn nhưng lại muốn kiếm được khoản tiền lớn trong thời gian ngắn. Những điều tôi giảng dạy trên lớp không phải những gì mà họ muốn nghe”, Paul Nana Nketiah nói.

Daniel Ankamah Mensah, 28 tuổi, một học viên của Nketiah thừa nhận mong muốn có được thành công nhanh chóng. Anh tốt nghiệp Đại học ngành hóa sinh năm 2014 nhưng không kiếm được việc làm. Anh cũng giống như nhiều bạn học đại học rời khỏi đất nước tới châu Âu với hy vọng đổi đời. Sau khi kế hoạch di cư thất bại, anh trở về quê nhà để bắt đầu kinh doanh sữa chua. Nhưng gần một năm sau, công việc kinh doanh vẫn chưa có lãi.

Nhiều chuyên gia vẫn đặt dấu hỏi về hiệu quả của chương trình khởi nghiệp. Giáo sư Peter Quartey thuộc Trung tâm Nghiên cứu Di cư tại Đại học Ghana cho biết, ông đã từng nghiên cứu việc Pháp sử dụng viện trợ giúp ngăn chặn làn sóng di cư thông qua xây dựng các trung tâm công nghiệp ở khu vực có tỷ lệ di cư cao. Tuy nhiên, quy mô của dự án nhỏ nên không có tác động đáng kể đến tình trạng di cư.

Haruna Alhassan, Giám đốc của Trung tâm Thông tin Di cư Ghana nói rằng, có một cuộc khủng hoảng người di cư ở Libya. Một số người di cư bị thương do súng đạn, trong khi đó, nhiều người đang phải chịu sự tra tấn và cuộc sống của nô lệ thời hiện đại.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế, trong năm 2019, khoảng 555 người di cư đã chết ở biển Địa Trung Hải khi cố gắng đến châu Âu. Khoảng 90% người Ghana đến châu Âu là những chàng trai trẻ từ 16 đến 35 tuổi. Đối với phụ nữ, họ thường đến các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh làm giúp việc nhà.

Theo đánh giá Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ghana là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn chặn hàng ngàn thanh niên Ghana cố gắng thực hiện hành trình nguy hiểm đến châu Âu. Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, các chỉ số dự báo kinh tế và sự phát triển lạc quan của nền kinh tế Ghana vẫn chưa được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ở vùng nông thôn Ghana quan tâm.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, 62.422 người Ghana vẫn bị mắc kẹt trong các trung tâm giam giữ người di cư ở Libya. Người Ghana có số lượng người di cư bị giam giữ ở Libya cao thứ năm sau Ai Cập, Nigeria, Chad và Sudan.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.