Giả Tây mua hàng online để lừa đảo

Thứ Năm, 16/07/2020, 10:45
Thời gian vừa qua, lợi dụng tâm lý sính ngoại, nhiều kẻ lừa đảo đã giả là người nước ngoài để liên hệ với các chủ shop ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam để mua hàng.

Chúng đã dựng lên nhiều màn kịch để khiến bị hại mất cảnh giác, tự chuyển tiền cho các đối tượng; hoặc đánh cắp tài khoản ngân hàng chiếm đoạt rất nhiều tiền của các bị hại...

Những cái bẫy khó tránh

Hoàng Long (nhân viên một công ty truyền thông, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nghề tay trái là bán các loại hạt dinh dưỡng phục vụ cho việc ăn kiêng, cho bà bầu... kể với chúng tôi về vụ anh dính quả lừa cay đắng, dù Long đã có kinh nghiệm hàng chục năm bán hàng trên mạng.

Một buổi sáng sớm, Long nhận được tin nhắn từ một tài khoản Zalo nữ hỏi mua hạt óc chó, hạt hạnh nhân số lượng lớn. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên hàng chưa về nhiều, Long cũng không dám "ôm" hàng nên hẹn đến trưa sẽ trả lời. 

Chỉ khoảng hai tiếng sau, một tài khoản trên mạng xã hội Facebook tự xưng là Phillip, chat bằng Tiếng Anh nhắn cho Long rao bán một số loại hạt mà thị trường đang "hot", với giá rất hời. Nghĩ tới đơn hàng của cô gái lúc sáng sớm, Long hỏi thêm một số thông tin, hàng hóa của Phillip, thấy "anh Tây" trả lời trôi chảy nên quyết định tiến hành thương vụ.

Long đặt mua của anh ta 20 triệu đồng tiền hàng, với suy nghĩ nếu cô gái kia không mua thì vẫn có thể túc tắc bán dần. Đối tượng đề nghị Long "cọc" trước 50% đơn hàng. Điều này nghe cũng có vẻ hợp lý, Long liền chuyển khoản cho đối tượng 10 triệu đồng. 

Tuy nhiên, vừa chuyển xong thì Long thấy đối tượng block luôn tài khoản Facebook của mình. Giật mình kiểm tra lại tất cả các thông tin của đối tượng thì mới phát hiện ra tất cả đều là "ảo". Hóa ra cả đối tượng hỏi mua lẫn gạ bán cho Long chỉ là một. Ngậm đắng Long đành làm đơn trình báo lên cơ quan Công an.

Nhóm đối tượng giả Tây mua hàng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng: Lê Anh Tuấn, Nguyễn Tuấn Dũng, Nguyễn Ngọc Thành.

Cuối tháng 6 vừa qua, Minh Anh, sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội, đăng bán chiếc điện thoại iphone 11 pro trên mạng xã hội Zalo. Nửa tiếng sau khi đăng, một đối tượng tự xưng là người Mỹ hỏi mua với giá 1.200 USD, hẹn chuyển khoản trước và yêu cầu Minh Anh chuyển hàng sang Mỹ. 

Sau đó, anh Minh Anh nhận được một email từ "Bank of America" thông báo số tiền 28 triệu đồng đang trong trạng thái pending (chờ) trên hệ thống vì quá ít (! ?) yêu cầu chuyển thêm tiền để đủ 30 triệu đồng mới được giải quyết hồ sơ.

Hàng đã trót gửi đi, Minh Anh quyết định chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản email cung cấp song không thấy hồi đáp nữa, người mua hàng cũng lặn mất tăm. Dự tính bán điện thoại được 30 triệu, đã mất 2 triệu tiền giao hàng, bị lừa thêm 2 triệu và điện thoại cũng mất luôn.

Nạn nhân mới nhất là Phương Uyên nhân viên một shop chuyên bán điện thoại di động, máy tính... trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Đối tượng nói là người Canada, liên hệ với shop để mua chiếc Macbook pro. 

Sau khi Uyên tư vấn, khách nhắn lại đồng ý mua sản phẩm với giá hơn 50 triệu đồng, sẽ thanh toán bằng chuyển khoản. Ít phút sau, điện thoại của Uyên nhận được tin nhắn thông báo chuyển tiền từ dịch vụ Western Union, số tiền hơn 70 triệu đồng. Ông khách chat lại nói rằng chuyển nhầm, và xin được chuyển lại 20 triệu đồng tiền gửi thừa.

Ban đầu Uyên không chịu gửi, song ông khách liên tục hối thúc. Ông ta nói rằng: "Dân châu Á chuyên lừa đảo, tôi đã bị lừa nhiều lần rồi, hy vọng bạn không như thế". 

Do thiếu kinh nghiệm giao dịch online, Uyên không check lại tài khoản ngân hàng mà cứ thế tạo giao dịch chuyển 20 triệu đồng cho khách. Sau đó mới thông báo lại với chủ cửa hàng. Hóa ra, thông báo chuyển tiền từ dịch vụ Western Union là lừa đảo, không hề có đồng nào được gửi.

Tin nhắn giả của các đối tượng để lừa chủ tài khoản đăng nhập vào web giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Giả danh người Mỹ chiếm đoạt trăm tỷ

Cuối tháng 6-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet  "khủng". Đã có hàng trăm cá nhân là nhà bán hàng, chủ shop bị các đối tượng trong đường dây cuỗm mất số tiền lên đến gần 120 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã bắt giữ 3 đối tượng, gồm Lê Anh Tuấn (SN 1989, trú tỉnh Quảng Trị) cùng 2 đối tượng Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh); Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, trú tỉnh Quảng Trị).

Trước đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục nhận được đơn trình báo  của người dân về việc bị mất trộm tiền trong tài khoản ngân hàng, mà nạn nhân đều là những người bán hàng online.

Qua những thông tin ban đầu do các nạn nhân cung cấp, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế xác định đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.

Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là giả danh người đang sống ở Mỹ, có nhu cầu mua hàng từ Việt Nam trên mạng. Sau khi đặt mua xong, nhóm lừa đảo gửi đường link chuyển tiền và đề nghị người bán hàng click vào, nhập thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng cùng mã OTP để chuyển tiền.

Cơ quan Công an khám xét nơi ở của nhóm đối tượng Tuấn, Dũng, Thành.

Qua điều tra, cơ quan Công an xác định cầm đầu đường dây này là Lê Anh Tuấn. Tuấn cấu kết với Nguyễn Tuấn Dũng và Nguyễn Ngọc Thành thuê trọ tại đường Ngự Bình (phường An Cựu, TP Huế) để hoạt động. Tuấn phân công Dũng, Thành lập nhiều tài khoản Facebook ảo, lên mạng vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin những shop online, nhắn tin trò chuyện mua hàng và có trách nhiệm rút tiền khi đã lừa đảo trót lọt.

Riêng Tuấn, với trình độ công nghệ thông tin sẵn có, trực tiếp thiết kế, tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam. 

Từ những thông tin của các nạn nhân để đăng nhập vào website của các ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản nạn nhân đến tài khoản của đối tượng. Mỗi vụ chuyển tiền thành công, Tuấn trả công cho Dũng và Thành từ 10-50%. Số tiền này các đối tượng dùng để ăn chơi, tiêu xài và đánh bạc.

Cũng theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan Công an từ tháng 10-2019 đến thời điểm bị bắt, nhóm đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 117 tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đã có hơn 300 nạn nhân sập bẫy đường dây này, người bị lừa từ vài triệu lên đến vài tỉ đồng.

Ngay sau khi bắt giữ các đối tượng, cơ quan Công an đã khám xét nơi ở của nhóm trên và phát hiện, thu giữ 6 điện thoại di động, 2 laptop lưu trữ tài liệu phạm tội và 1 hệ thống chỉnh âm thanh để tinh chỉnh, giả giọng nói. Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thừa Thiên- Huế đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án.

Bộ Công an cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online

Mới đây, Bộ Công an ra cảnh báo thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ với thủ đoạn mới, tinh vi.

Theo đó thủ đoạn của các đối tượng là đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng online với số lượng lớn, giá trị tài sản cao từ những người kinh doanh trong nước. Các đối tượng gợi ý chuyển tiền trả trước cho người bán hàng online, thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.

Để tạo lòng tin, các đối tượng lập giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiềncủa dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Sau đó, chụp ảnh hóa đơn, chứng từ này gửi tin nhắn hình ảnh cho bị hại, khiến bị hại tưởng rằng phía bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền.

Thông qua điện thoại di động hoặc các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, các đối tượng sẽ gửi một tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union nhằm dẫn dắt các bị hại các bước đăng nhập vào đường link này để rút tiền chiếm đoạt.

Khi bị hại nhấp vào đường link trong tin nhắn, sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có hiển thị giống như website chính thức của Western Union. Các bị hại sẽ phải khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền. Sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của các đối tượng.

Bộ Công an cảnh báo: người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này của các đối tượng; cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Các cá nhân kinh doanh tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online thì cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an đề nghị khi phát hiện hành vi lừa đảo tương tự, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết; hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn).

Minh Khang
.
.
.