Giả cảnh sát lừa phụ nữ tới Mỹ làm nô lệ tình dục

Thứ Hai, 18/12/2017, 12:14
Chúng đến từ Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan... và Mỹ. Rất ít trong số đó nói được tiếng Anh, chỉ biết dùng tay chỉ trỏ hoặc văng tục. Điều khiến các nạn nhân sốc suốt nhiều tuần, là bọn buôn người đều mang phù hiệu cảnh sát. Bọn buôn người đánh đập phụ nữ khi họ gây chuyện hoặc từ chối quan hệ tình dục. Súng, dao và gậy bóng chày là những thứ bất biến trong cái thế giới vạn biến này...

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng tài chính trong tay, Shandra Woworuntu làm việc cho một ngân hàng quốc tế tại Indonesia ở vị trí nhân viên phân tích và giao dịch. Nhưng đến năm 1998, Indonesia bị lao đao bởi khủng hoảng tài chính toàn châu Á.

Năm sau là biến động chính trị khiến Woworuntu mất việc. Để có tiền nuôi con gái ba tuổi, cô bắt đầu tìm kiếm công việc ở nước ngoài. Thấy trên báo đăng quảng cáo tìm lao động làm việc cho các khách sạn lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore, cô nộp đơn ứng tuyển khách sạn ở Mỹ.

Họ yêu cầu cô phải nói được một chút tiếng Anh và nộp lệ phí 30 triệu rupiah Indonesia (2.700 USD). Quá trình tuyển dụng gồm nhiều vòng phỏng vấn nên khá mất thời gian. Ngoài ra, họ còn yêu cầu Woworuntu đi lại như người mẫu và cười cho họ xem.

“Điều quan trọng nhất với nghề này là phục vụ khách hàng, họ bảo với tôi như vậy", cô nói. Woworuntu qua hết các bài kiểm tra và trúng tuyển. Theo kế hoạch, mẹ và em gái sẽ trông con giúp cô trong 6 tháng làm việc ở nước ngoài với lương tháng là 5.000 USD. Sau đó cô sẽ về nước và nuôi con.

Nhiều phụ nữ châu Á bị lừa sang Mỹ làm nô lệ tình dục. 

Shandra Woworuntu cuối cùng cũng đặt chân đến Mỹ. Với cô, nước Mỹ là mảnh đất của hy vọng và cơ hội. Bước qua cửa hải quan, cô thích thú vô cùng vì cuối cùng cũng đã đến một nước khác, dù nó không giống với những gì trên tivi và phim ảnh.

"Ở cửa đến của sân bay, tôi nghe thấy ai đó gọi tên mình. Tôi quay lại và nhìn thấy một người đàn ông cầm tấm biển có dán ảnh của tôi trên đó. Tôi không chú ý nhiều đến bức ảnh" - Woworuntu nhớ lại.

"Công ty tuyển dụng ở Indonesia đã yêu cầu tôi mặc một cái áo ba lỗ có chút hở hang. Điều làm tôi chú ý là người đàn ông đang cầm tấm biển ngoài kia. Anh ta cười với tôi một cách thân thiện. Anh tên là Johnny. Tôi nghĩ rằng, anh ta sẽ chở tôi đến khách sạn nơi tôi làm việc". Thực ra, khách sạn đó ở Chicago, nhưng cô lại đáp chuyến bay đến sân bay JFK ở New York cách đó gần 1.300 km.

"Thế mới biết tôi ngây ngô đến mức nào. Khi đó tôi 24 tuổi và không biết điều gì sắp xảy ra với mình", Woworuntu nói. Woworuntu đến sân bay JFK cùng với một người đàn ông và 4 phụ nữ khác. Họ chia thành hai nhóm. Johnny giữ toàn bộ giấy tờ của cô, trong đó có cả hộ chiếu, rồi dẫn cô ra xe với hai phụ nữ khác. Và mọi thứ bắt đầu diễn ra không như dự tính.

Tài xế lái một đoạn đường ngắn là đến khu Flushing, quận Queens. Ông ta cho xe vào một bãi đỗ rồi dừng lại. Johnny bảo mọi người ra khỏi xe rồi lại lên một xe khác. Nhóm người răm rắp làm theo. Khi nhìn qua cửa kính ôtô, Woworuntu thấy tài xế mới đưa tiền cho Johnny. "Có gì đó không ổn", cô nghĩ nhưng rồi lại tự trấn an mình rằng chắc đó là cách khách sạn làm ăn với công ty nhận nhiệm vụ đưa đón người từ sân bay.

Tài xế mới đi được quãng đường ngắn rồi dừng xe bên ngoài một quán ăn. Mọi người lại xuống xe, lên một xe khác. Tiền lại trao tay. Tay tài xế thứ ba chở nhóm người đến một ngôi nhà, rồi lại đổi xe khác. Lần này, tài xế có súng.

"Anh ta bắt chúng tôi lên xe và chở tất cả đến một ngôi nhà ở Brooklyn. Tới nơi, anh vừa gõ cửa vừa gọi: “Mama-san, hàng mới!'" Woworuntu nhớ lại. Cô chột dạ khi hiểu "Mama-san" nghĩa là bà chủ nhà chứa. Nhưng lúc này làm sao trốn thoát được vì họ có súng.

Khi cửa mở, cô nhìn thấy một bé gái, trạc 12, 13 tuổi, đang nằm trên sàn gào khóc. Xung quanh là một đám đàn ông thay nhau đá cô bé. Mũi nạn nhân chảy máu be bét. Cô đã gào thét trong đau đớn. Một gã cười nhăn nhở rồi bắt đầu khua khua cái gậy bóng chày trước mặt tôi như để thị uy. Chỉ vài giờ sau khi đặt chân đến Mỹ, Woworuntu bị ép phải quan hệ tình dục.

Minh Nguyễn
.
.
.